Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trị mụn trứng cá bằng Vitamin B5 và H - đúng hay sai?

Hai nhóm vitamin này đều có tác dụng với da nhưng liệu đây có phải là khắc tinh của mụn trứng cá?

Sở hữu làn da đẹp, mịn màng không mụn trứng cá là niềm tự hào và mong ước của tất cả mọi người. Tuy nhiên, Theo Hội Da liễu Mỹ, gần 85% dân số sẽ bị mụn trứng cá trên mặt, ngực và lưng vào một lúc nào đó trong đời. Vì vậy, những biện pháp để nhanh chóng làm biến mất “kẻ thù không đội trời chung” này luôn được mọi người quan tâm.

Vitamin B5 có nhiều trong men, ngũ cốc, lạc, các loại đậu, đỗ, lòng đỏ trứng, các loại nấm, thịt gia súc, gia cầm, hoa quả và rau xanh...

Vitamin H có nhiều trong gan bò, sữa, cá, lòng đỏ trứng, chuối, khoai tây….

Năm 1995, tiến sĩ L.H.Leung (Bệnh viện Trung ương Hong Kong) đã công bố nghiên cứu dùng liều cao vitamin B5 sẽ giúp trị mụn và giảm kích thước lỗ chân lông. Bệnh cạnh đó, vitamin H cũng tham gia chuyển hóa mỡ và bã nhờn ở da, dinh dưỡng da và niêm mạc. Với công dụng này, nhiều người cho rằng đây chính là khắc tinh của mụn trứng cá.

Thực tế, cả hai loại vitamin này đều có tác dụng với phần da trên cơ thể người, trong nhiều trường hợp thường được các bác sĩ kết hợp với nhau để điều trị viêm da do tiết bã nhờn và các triệu chứng da nói chung do thiếu vitamin nhóm B.

Mụn trứng cá là nỗi ám ảnh của rất nhiều người - Ảnh: Internet.

Về vấn đề này, PGS.TS Y học Nguyễn Duy Hưng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, tăng tiết chất bã nhờn là yếu tố quyết định dẫn đến bệnh trứng cá. Các nang tuyến bã tăng tiết chất bã nhờn bắt đầu vào tuổi dậy thì do tuyến nội tiết sinh dục bắt đầu phát triển. Nội tiết tố androgen đóng vai trò quan trọng trong tăng tiết chất bã của nang tuyến bã. Vì vậy, trứng cá hay mọc ở mặt, ngực, lưng là do ở những vị trí này có mật độ tuyến bã nang lông cao nhất.

Do đó, điều trị bệnh trứng cá phải tác động vào các nguyên nhân gây ra bệnh trứng cá, nghĩa là làm giảm bài tiết chất bã, chống lại vi khuẩn, chống lại sừng hóa cổ tuyến bã.

Với hai loại vitamin nhóm B kể trên, ông nhận định, khi điều trị cho bệnh nhận bị mụn trứng cá chỉ có tác dụng hỗ trợ hạn chế bã nhờn không thể thay thế thuốc. Tuy nhiên, nó cũng không gây hại cho người sử dụng.

Để điều trị tận gốc, bệnh nhân nên kết hợp dùng thuốc tại chỗ (thuốc dùng ngoài), thuốc toàn thân (thuốc dùng trong). Bên cạnh đó, việc duy trì chế độ chăm sóc da (rửa mặt đúng cách, bảo vệ khỏi tác hại của môi trường) và sinh hoạt điều độ (cung cấp đủ chất dinh dưỡng, không nghiện rượu, thuốc lá, thức khuya…) là yếu tố quan trọng giúp liệu trình điều trị nhanh chóng có hiệu quả.

Rửa mặt đúng cách

Tác dụng: làm cho da mặt được sạch sẽ, loại các chất bụi bẩn và có hại cho da dẻ. Nếu chỉ có bụi bẩn thông thường thì rửa mặt bằng nước sạch là đủ.

Đối với da khô thì cần chú ý không nên dùng các chất tẩy mạnh, không nên dùng nước nóng. Sau khi rửa có thể thoa một chút kem dưỡng da hoặc kem làm ẩm da.

Đối với da mỡ thì cần phải có chất tẩy rửa cho hết mỡ nhờn và có thể cần có sự trợ giúp của các loại sữa rửa mặt.

Da hỗn hợp, với biểu hiện da bị nhờn vùng trán, mũi, quanh mũi cũng cần sữa rửa mặt để tẩy các chất bã vùng đó.

Không nên chà xát mạnh da mặt, mà nên rửa mặt bằng tay, cùng lúc bạn có thể xoa bóp da mặt cho mạch máu lưu thông, tuyến bã đỡ bị bít tắc và cũng có tác dụng chống hình thành các vết nhăn, sau đó mới dùng khăn mềm để lau khô.

Dùng thuốc trị mụn: Coi chừng đẻ quái thai

Một loại thuốc trị mụn được rất nhiều bác sĩ kê đơn điều trị cho bệnh nhận bị mụn trứng cá nhưng lại chứa độc tố có thể gây dị dạng thai nhi.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm