Sau khi kết thúc thủ thuật RFA, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi khoảng 30 phút là có thể ra về, ăn uống, sinh hoạt và làm việc bình thường.
Không nên quá lo sợ khi phát hiện có u giáp
Bướu nhân giáp (còn gọi bướu giáp, u giáp) là các khối dạng đặc hoặc chứa chất lỏng hoặc ở thể hỗn hợp nằm tại tuyến giáp, được hình thành do sự phát triển bất thường của tế bào.
Theo thống kê, 7% người trưởng thành mắc bướu nhân giáp, trong đó nguy cơ mắc bệnh ở nữ cao gấp 5 lần nam giới. Bướu nhân giáp khó nhìn thấy bằng mắt thường, chủ yếu phát hiện qua việc tầm soát sức khỏe. Nhiều người đến khám vì nhìn hoặc sờ thấy bướu giáp, thậm chí gây mất thẩm mỹ vùng cổ.
Hình ảnh mô phỏng triệt bướu giáp bằng sóng cao tần (RFA). |
Khi biết cơ thể có bướu giáp, nhiều người lo sợ biến chứng ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lương Ngọc Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật Mạch máu và Lồng ngực, Bệnh viện FV, phần lớn khối u giáp là lành tính, không nguy hiểm. Một số ít, sau nhiều năm, có thể thoái triển thành khối u ác tính.
Do đó, khi phát hiện u giáp, bệnh nhân không nên quá lo sợ, mà cần khám và theo dõi định kỳ. Việc điều trị cắt bỏ bướu nhân giáp được chỉ định trong trường hợp nhân giáp phát triển lớn, chèn ép dây thần kinh vùng cổ, gây ra tình trạng khàn giọng, kích thích ho mỗi khi nuốt, khó thở; bướu ngầm phát triển to chiếm toàn bộ tuyến giáp, làm rối loạn chức năng tuyến giáp; nhân giáp to gây mất thẩm mỹ vùng cổ.
Bên cạnh đó, có loại nhân giáp độc - thể tích nhỏ nhưng tăng hoạt động, tiết ra hormone tuyến giáp nhiều hơn, gây chứng cường giáp - cũng cần điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa đánh giá tình trạng bướu nhân giáp để xem có cần cắt bỏ hay không. |
Để biết khối u tuyến giáp có cần cắt bỏ hay không, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám. Từ kết quả siêu âm, bác sĩ đánh giá kích thước khối bướu có ảnh hưởng đến cơ quan lân cận hay không. Đồng thời, bệnh nhân được thực hiện sinh thiết để đảm bảo khối u lành tính.
“Trong chỉ định y khoa, bướu giáp lành tính nằm ở ngưỡng 15 mm và nên thực hiện phẫu thuật. Trường hợp bướu khoảng 10-12 mm nhưng biến chứng chèn ép cấu trúc lân cận, gây lồi và biến dạng vùng cổ, ảnh hưởng thẩm mỹ, cũng cân nhắc xử lý”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Điều trị loại bỏ bướu giáp theo cách thông thường là mổ hở hoặc mổ nội soi. Tùy theo nhân nằm ở thùy hay eo giáp, bác sĩ sẽ cắt bỏ nhân giáp hoặc cắt trọn thùy giáp chứa nhân.
Phẫu thuật này có một số hạn chế: Để lại sẹo, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng, chảy nhiều máu, tổn thương dây thần kinh quặt ngược thanh quản gây khàn giọng, thậm chí suy giáp sau mổ.
Thời gian gần đây, kỹ thuật phá hủy bướu nhân giáp lành tính bằng sóng cao tần (Radiofrequency - RFA) được đánh giá là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, đồng thời khắc phục nhược điểm của các loại phẫu thuật kể trên. Kỹ thuật này chính thức được triển khai tại khoa Phẫu thuật Mạch máu và Lồng ngực, Bệnh viện FV từ đầu năm 2024.
RFA được chỉ định thay thế phương pháp mổ thông thường cho bệnh nhân bị bướu giáp nhân to gây mất thẩm mỹ, xuất hiện triệu chứng chèn ép thực quản, khí quản như nuốt nghẹn, ho, khó chịu, bị tình trạng cường giáp do nhân độc…
Kỹ thuật RFA - an toàn, thẩm mỹ và bảo tồn tuyến giáp
Theo bác sĩ Trung, kỹ thuật triệt bướu nhân giáp bằng sóng cao tần mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với phương pháp phẫu thuật.
“RFA giúp bảo tồn tuyến giáp tốt hơn so với phẫu thuật. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, chỉ một phần nhỏ mô giáp lành xung quanh nhân giáp bị hủy do nhiệt của sóng cao tần, phần nhu mô còn lại vẫn được bảo toàn. Điều này giúp bệnh nhân tránh các vấn đề rối loạn chức năng tuyến giáp”, bác sĩ Trung giải thích.
Bác sĩ Lương Ngọc Trung và ê-kíp điều trị bướu giáp cho bệnh nhân. |
Cũng theo bác sĩ Lương Ngọc Trung, kỹ thuật triệt đốt bướu nhân giáp bằng sóng cao tần được áp dụng rộng rãi trên thế giới, trong đó Mỹ đã phê duyệt áp dụng thường quy. Các thử nghiệm lâm sàng ở Italy và Hàn Quốc cho thấy thể tích nhân giáp co lại 50-80% trong 6 tháng đầu sau khi thực hiện RFA, trong khi các triệu chứng liên quan đến bướu giáp được cải thiện hoặc biến mất đáng kể.
Để thực hiện kỹ thuật hủy bướu nhân giáp bằng sóng cao tần, bác sĩ tiến hành gây tê cục bộ khu vực quanh tuyến giáp của bệnh nhân. Sau đó, thông qua siêu âm xác định chính xác vị trí, kích thước và thể tích nhân giáp, bác sĩ tiến hành triệt đốt bướu bằng sóng cao tần dưới sự hướng dẫn của máy siêu âm.
Năng lượng tần số vô tuyến phát ra từ đầu kim sẽ phá hủy nhân giáp. Sau khi kết thúc thủ thuật, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi khoảng 30 phút là có thể ra về, ăn uống, sinh hoạt và làm việc bình thường.
Kỹ thuật RFA được chỉ định cho trường hợp bướu giáp nhân đặc, không có tác dụng điều trị bướu giáp dạng lỏng. Riêng khối bướu thể hỗn hợp, bác sĩ sẽ chọc hút chất lỏng trước rồi mới thực hiện triệt đốt bằng sóng cao tần để kết quả điều trị cao hơn.
“Không có chống chỉ định tuyệt đối cho phương pháp này. Tuy nhiên, bác sĩ cần cân nhắc khi áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt như phụ nữ đang mang thai, người mắc bệnh lý liên quan tim mạch nặng, bệnh nhân liệt dây thanh âm đối bên”, bác sĩ Trung nói thêm.
Để biết thêm về việc điều trị bướu giáp bằng sóng cao tần, độc giả liên hệ khoa Phẫu thuật Mạch máu và Lồng ngực qua số điện thoại 02854113333.