Thuận tự nhiên là phương pháp giáo dục đang nhận được nhiều tranh luận gay gắt. Ông Nguyễn Đức Quang - người sáng lập và điều hành trường Spring Hill (còn gọi là trường Đồi) - nói gì về mô hình này?
Câu chuyện về ngôi trường không áp lực điểm số, không bài tập về nhà thu hút hàng trăm ý kiến tranh luận, từ trên mạng đến ngoài cuộc sống. Nhiều phụ huynh tò mò về ngôi trường trên đồi cao, cách Hà Nội khoảng 40 km, với cách thức giáo dục dường như không giống ai.
Không ít ý kiến khác cho rằng mô hình học tại nhà (homeschool) áp dụng trong trường chưa phù hợp với giáo dục Việt Nam. Trên diễn đàn "Quan tâm giáo dục", hơn 500 bình luận tranh luận gay gắt về vấn đề này. Sau đó, hội thảo góp ý và phản biện mô hình trường này được tổ chức. Hơn 400 người đã lên tận trường tham gia, cho thấy sự quan tâm của phụ huynh với mô hình giáo dục còn mới ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Quang - người sáng lập và điều hành trường Đồi - dẫn câu chuyện của con gái tên Trà để giải thích lý do mở trường. Trà sinh ra, học trường mầm non công lập tại Nhật Bản, khi vợ chồng ông Quang đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Khi gia đình về nước, Trà 5 tuổi. Trong hai năm, ông Quang chuyển trường cho con 5 lần, từ công lập chuẩn quốc gia, tư thục đến trường quốc tế. Đồng thời ở nhà, ông dạy con theo mô hình homeschool.
Người cha tâm sự con gái đi học bị cô giáo cốc đầu khi nghịch lọ hoa, nhà vệ sinh bẩn, cặp sách thường xuyên bị lấy trộm đồ. Con ông cũng chán nản vì lặp đi lặp lại việc tô số 1.
Khi ở trường quốc tế, Trà hạnh phúc nhưng lại mất dần sự kết nối với văn hóa truyền thống. Thời điểm nghỉ học lần cuối cùng, Trà bày tỏ khát khao với bố vẫn muốn đến trường để được chơi với bạn bè.
Điều đó thúc đẩy ông Nguyễn Đức Quang, sau khi nghỉ giảng dạy ở ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội, mở ngôi trường tiểu học ở Keangnam (tiền đề của trường Đồi) để dạy chính con của mình. Buổi sáng, giáo viên dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Chiều, trẻ từ 4 tuổi học tiếng Anh và các môn phổ thông theo chương trình homeschool của Mỹ.
Trẻ hạnh phúc không phải được lập trình thành giàu có
Là học sinh của trường Đồi như Trà, Khánh (10 tuổi) vẫn nhớ chuyện 6 năm trước, khi ông Quang dạy Toán tại nhóm lớp mầm non đầu tiên. Khánh kể hôm đó, thầy giáo này đưa ra một cái hộp in số la mã và nói hai học sinh ngồi đối diện xem nhìn thấy gì.
Nam sinh trả lời đó là số 9 (IX), bạn thì khăng khăng là số 11 (XI). Đợi sau khi cả hai tranh luận, thầy bảo hai người đổi vị trí. Lúc đó, Khánh mới biết hai người đều đúng.
“Hôm đó, em đã hiểu bài học là phải nhìn sự việc từ nhiều khía cạnh. Em hiểu phải biết lắng nghe và tiếp thu từ người khác, không nên có cái nhìn phiến diện”, nam sinh bày tỏ.
Trẻ hạnh phúc khi được trở về và kết nối với thiên nhiên. Tại trường, các giá trị về nhân văn và cảm xúc được quan tâm ngang bằng với việc truyền dạy kiến thức.
TS Nguyễn Đức Quang
Một học sinh lớp 2 khác ở trường Đồi là Mạnh - người hầu như không nhớ được kiến thức gì ở môn Toán và tiếng Việt. Ngược lại, Mạnh lại giao tiếp ổn, thích học tiếng Anh và thích học về thiên nhiên, vận động.
Bố Mạnh là họa sĩ, thất vọng vì con không học được Toán nên nhiều lần đánh con. Mạnh biết mình học dốt nên chỉ ngồi im chịu đòn.
Ở trường Đồi, nếu Mạnh làm sai bài tập, giáo viên sẽ gạch chân nội dung sai, ghi hướng dẫn rồi cùng trao đổi để em tự sửa. Mọi học sinh đều thấy thoải mái khi không bị mặc định là “học dốt”.
Từ Mạnh, ông Quang nhớ lại thời thơ ấu của mình, từng là cậu bé học kém, đến lớp 9 vẫn không hiểu cách giải một bài toán ra sao và không có ai giúp đỡ. Nhiều đứa trẻ khác phải chịu áp lực học tập, kỳ vọng của người lớn quá nhiều.
Vì thế, từ khi về nước với khát vọng xây dựng ngôi trường như Tomoe (trong cuốn tiểu thuyết Totochan bên cửa sổ), ông Quang nhiều năm ấp ủ về ngôi trường hạnh phúc. Chiêm nghiệm triết lý thiền sáng tạo của Osho - thiền sư Ấn Độ, Spring Hill ra đời.
Trẻ được kết nối trực tiếp với thiên nhiên, có cỏ cây hoa lá, chim muông cùng đồng ruộng, rừng núi và thung lũng, bản làng. Trẻ được tắm mưa, nghịch bùn, lội suối. Tại trường, các giá trị về nhân văn và cảm xúc cần được quan tâm ngang bằng với việc truyền dạy kiến thức.
Người sáng lập và điều hành trường bày tỏ một đứa trẻ hạnh phúc không phải được lập trình để trở thành giáo sư, tiến sĩ hay có cuộc sống giàu sang. Đó là những đứa trẻ biết cảm nhận thay đổi của mình, của ngày hôm nay so với ngày hôm qua; biết tự hào, theo đuổi giá trị của bản thân; biết tôn trọng sự khác biệt và luôn chọn giải pháp nhường nếu người khác muốn chen chân để tìm con đường riêng.
Chuyện con chim chào mào và giáo dục thuận tự nhiên
Một ngày thứ tư của tháng cuối cùng trong năm 2018, ông Quang tập trung toàn trường để kể về câu chuyện chú chim chào mào đang bị nhốt trong lồng. Đây là giờ học không có trong chương trình được lập kế hoạch từ trước.
Con chim nhỏ này do ông Tuấn - người dân tộc Mường, bảo vệ của trường - bắt về tặng học sinh. Trước đó, ông Tuấn dùng điện thoại phát ra tiếng chim kêu và đặt một chiếc lồng có con chim đã bị buộc chân ở ngoài trời. Chim chào mào nghe thấy, tưởng bạn gọi, nên đã bay vào trong. Ông Tuấn đóng sập cửa lồng lại.
Cuối buổi nói chuyện, các bạn nhận ra rằng nếu có lồng chim sẽ được ngắm nhìn và nghe tiếng hót. Nhưng bản thân chú chim lại rất khó chịu, vì không được ăn món yêu thích, không được bay trên bầu trời cao, không được gặp bạn bè.
Thuận tự nhiên nghĩa là bên trong mỗi người thấy hạnh phúc. Học sinh không có đồng phục vì không có vẻ đẹp tự nhiên nào mà tất cả giống nhau. Giáo viên được khuyến khích không mặc cầu kỳ, miễn sao thoải mái, không cần đối xử xã giao, lấy lòng phụ huynh bằng hình thức
TS Nguyễn Đức Quang
Thầy giáo hỏi toàn trường nên thả chú chim ra hay giữ lại?
“Tôi nói thật đấy, thả nó đi cũng rất buồn. Nhưng không sao, trường tôi vẫn còn một con chim nữa, con chim được thầy nuôi từ ngày nở ra từ một quả trứng. Các anh chị thường cho nó ăn châu chấu”, học sinh lớp 2 của trường có nickname Sâu viết trong bài văn của mình, sau khi thầy giáo thả chim theo ý kiến số đông học trò.
Bài học trên cũng như nhiều tiết học khác ở trường thực hiện theo quan điểm học giữa thiên nhiên, với chất liệu bốn mùa trong năm, hai buổi sáng, chiều trong ngày.
Trường trên đồi dùng thực phẩm khép kín, tự sản xuất và tiêu dùng. Học sinh uống sữa hạt, nước hoa quả, không dùng sữa công thức.
Theo ông Quang, thuận tự nhiên nghĩa là từ bên trong mỗi người đều cảm thấy hạnh phúc. Học sinh không có đồng phục vì không có vẻ đẹp tự nhiên nào mà tất cả đều giống nhau. Giáo viên được khuyến khích không mặc cầu kỳ, miễn sao thấy thoải mái, không cần đối xử xã giao, lấy lòng phụ huynh bằng hình thức.
“Tôi thường hỏi giáo viên khi tới trường, đứng trước học sinh có hạnh phúc không? Chỉ khi nào họ hạnh phúc, trẻ con mới hạnh phúc được”, ông Quang nói.
Khi đưa mô hình giáo dục tại nhà vào trường để học vào các buổi chiều, bên cạnh chương trình quy định được dạy trong buổi sáng, ông Quang được chấp thuận bởi đối tác homeschool phía Mỹ, nhưng lại gây nhiều tranh luận ở Việt Nam.
Các ý kiến phản biện cho rằng cách làm này làm méo mó việc dạy học. Họ lo lắng khi chương trình chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, những em theo học ở đây được ví như chuột bạch.
Nói về mô hình học tập này, bà Dani Woodward - Giám đốc vận hành chương trình học phổ thông online Courseware ở Mỹ - cho hay nhiều học sinh của trường đã hoàn thành khóa học. Khi mới bắt đầu học phần, các em làm bài kiểm tra rồi mới học nội dung. Việc này đảm bảo chương trình được thiết kế phù hợp từng cá nhân.
Trong một bài viết trên Education Corner, tác giả Becton Loveless đã phân tích mặt lợi - hại của homeschool.
Theo ông, với mô hình giáo dục tại nhà, phụ huynh có thể quyết định chương trình, cũng như thời khóa biểu phù hợp con họ, thay vì phải thực hiện theo số đông. Mô hình này cũng dễ dàng kích thích tinh thần học tập của trẻ, giúp học sinh tránh được những tiêu cực ở trường như bạo lực học đường, ma túy, cũng như những tệ nạn mà vị thành niên thường mắc phải.
Tuy nhiên, homeschool cũng tồn tại nhiều hạn chế, bao gồm việc hạn chế cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ và tăng gánh nặng lên phụ huynh khi phải phụ trách chương trình học, tìm kiếm tài liệu và hướng dẫn con học.
Là một trong số ít người đưa mô hình này vào trường học, trường Đồi của ông Quang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ông Quang cho rằng bản chất của homeschool là chương trình được cá nhân hóa, học sinh được tôn trọng và nuôi dưỡng cá tính. Dạy theo mô hình này cần sự tham gia, đồng điệu trong phương thức, quan điểm giáo dục của nhà trường và gia đình. Vì vậy, đó cũng là cách dạy và học thuận tự nhiên. Học sinh được phân theo nhóm và học theo trình độ, phù hợp từng cá nhân.
Ông Đào Tuấn Đạt - giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, người phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, cho rằng với phương pháp của trường Đồi, học sinh được bước ra ngoài không gian lớp học. Đó là một môi trường giáo dục không tồn tại sự dối trá, không diễn. Học sinh, thầy cô và phụ huynh trong trường tạo nên những cộng đồng riêng với đặc trưng tâm lý, xã hội của họ.
Cũng theo ông Đạt, hiện chưa đánh giá được mô hình này tốt hay xấu, nên hay không nên, bởi chưa có nghiên cứu, chưa có thách thức nào để biết kết quả đến đâu. Tuy nhiên, ông Đạt bày tỏ quan điểm nên ủng hộ cái mới.
Ngôi trường không nhận học sinh thứ 301
Với sĩ số 260 em từ mầm non đến cấp hai, ông Quang bảo mình chỉ nhận 300 em, không nhận học sinh thứ 301, để vận hành trường cho tốt.
Ở trường Đồi, phụ huynh có thể cho con học thử. Nhà trường dành thời gian trò chuyện, lắng nghe quan điểm và trao đổi. Với những người cùng hướng đi, nhà trường sẽ tiếp nhận, bất kể đứa trẻ ấy thông minh hay bình thường, thậm chí bất thường về tâm lý, thể chất. Với phụ huynh có quan điểm khác, nhà trường tư vấn họ nên tìm nơi phù hợp.
Ngôi trường đồi mang nhiều cái “không” như không có “cờ thi đua”, “hoa điểm 10”, không có các cuộc chạy đua điểm số. Trường vẫn chấm điểm và áp dụng các quy định cơ bản của Bộ GD&ĐT, nhưng học sinh và cha mẹ không cần quan tâm đến điểm số.
Nếu phụ huynh có nhu cầu cho trẻ học thêm Toán, luyện chữ đẹp, học sinh sẽ được hỏi ý kiến. Trường đáp ứng sở thích của các em chứ không chạy đua theo kỳ vọng của bố mẹ.
TS Nguyễn Đức Quang
Kể cả việc luyện “vở sạch chữ đẹp” cũng không áp dụng. Trước những băn khoăn của phụ huynh cho rằng “nét chữ, nét người”, ông Quang nói trẻ được rèn luyện tính kiên nhẫn, sự tỉ mỉ, khéo léo, bằng cách đan thảm chùi chân, đan quạt nan, đóng đồ gỗ… Trẻ biết lao động, giảm ô nhiễm môi trường và tạo ra của cải giúp đỡ người khó khăn.
Nếu phụ huynh có nhu cầu cho trẻ học thêm Toán, luyện chữ đẹp, hội đồng chuyên môn của trường họp bàn. Học sinh sẽ được hỏi ý kiến. Nhà trường sẽ theo sở thích của các em chứ không chạy đua theo kỳ vọng của bố mẹ. Nếu học sinh nào có nhu cầu học thêm các bài toán khó, cô giáo sẽ lập nhóm để giao thêm bài tập, mua sách vở, hướng dẫn các em làm, bố mẹ cùng cổ vũ.
Bộ GD&ĐT cũng từng áp dụng việc “bỏ cho điểm, tăng cường nhận xét” với học sinh tiểu học nhưng dư luận lại cho rằng cách làm đó khiến trẻ lười biếng, mất động lực học tập. Ông Quang không sợ điều đó, vì có nhiều cách để tạo hứng thú, nhất là với trẻ em.
Ông bảo mỗi ngày ở trường và nhà, trẻ được tôn trọng, yêu thương và hỗ trợ học đúng cách nhất định sẽ tiến bộ từng ngày. Đó là tiền đề để xây dựng sự tự tin và niềm yêu thích học tập, học hỏi các kỹ năng để xây dựng ước mơ. Khi đó, động lực học tập đã được tạo dựng từ bên trong trẻ một cách tự nhiên mà không cần áp đặt từ bên ngoài.
Chị Lê Loan - mẹ của Khánh trong câu chuyện đầu bài viết - tiếp tục cho con thứ hai của mình học trường Đồi. Chị bảo việc học của con luôn được áp dụng từ thực tế, vận động ngoài trời nhiều nên trẻ rất hoạt bát và sử dụng tiếng Anh tự nhiên. Cuối tuần, học sinh có thể có bài tập về nhà với số lượng ít, hoặc quay video thuyết trình về những gì đã học, tiếp thu được.
Điều khiến chị luôn đồng hành với mô hình của ông Nguyễn Đức Quang trong suốt 8 năm qua là quan điểm, mỗi ngày chỉ cần con tiến bộ, không nhất thiết phải đạt điểm cao.