Cuộc truy tìm thần tốc
Vụ việc xảy ra vào khoảng 23h ngày 29/10, khi tổ công tác của Phòng Cảnh sát bảo vệ (công an TP. Hải Phòng) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự trên địa bàn, khi đến đường Lạch Tray, phát hiện nhóm thanh niên đi trên 3 - 4 xe máy có hành vi lạng lách, đánh võng và khiêu khích... Mặc cho lực lượng chức năng ra tín hiệu dừng xe nhưng các thanh niên không chấp hành và bỏ chạy.
Tổ công tác tiếp tục tuần tra qua đoạn đường trước cổng giảng đường B trường đại học Hàng Hải, trong khi chiến sĩ Phạm Văn Tuyền ngồi sau xe mô tô do chiến sĩ Lê Như Thắng điều khiển thì bất ngờ bị 2 thanh niên đi trên xe máy rú ga vọt từ sau lên ném mạnh nửa viên gạch làm anh Tuyền bị thương nặng ở mặt.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát hình sự công an TP đã nhanh chóng có mặt phối hợp cùng các đơn vị và công an địa phương truy bắt nghi can.
Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự việc vào giữa đêm tối, sau khi ra tay, các thanh niên nhanh chóng phóng xe máy bỏ trốn, không để lại dấu vết nào khiến công tác điều tra truy bắt vô cùng khó khăn.
Các thanh niên tập trung đua xe, chống đối cảnh sát. |
Song với tinh thần quyết tâm đấu tranh chống tội phạm, nhất là những hành động có tính chất nguy hiểm, coi thường pháp luật thì càng phải nhanh chóng phá án, tránh làm ảnh hưởng đến dư luận, hàng chục cán bộ chiến sĩ đã được huy động tỏa đi khắp TP truy tìm.
Bằng mọi giá phải bắt được các nghi can trong thời gian ngắn nhất - đại tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng cảnh sát hình sự công an TP nhận trách nhiệm trước các lãnh đạo công an TP.
Một nguồn tin cho biết, trong quá trình bỏ chạy, nghi can bị ngã xe thương tích nặng. Lực lượng công an đã tỏa đến các cơ sở y tế trong và ngoài TP kiểm tra, nắm bắt thông tin.
Tại bệnh viện Hồ Sen, lực lượng công an đã phát hiện một số thanh niên bị thương tích được đưa vào cấp cứu. Cùng lúc này ở phía ngoài, nhóm thanh niên khác mang hung khí đang hò nhau kéo vào đòi truy sát đối thủ.
Phán đoán 2 nhóm này rất có thể sẽ tiếp tục đánh nhau không chỉ gây nguy hiểm cho chính mình mà còn cả những người xung quanh, lực lượng hình sự đã bí mật triển khai phương án “hốt” toàn bộ đám thanh niên bất hảo này đưa về trụ sở.
Tuy nhiên qua khai thác, 2 nhóm này không liên quan đến việc tấn công các chiến sĩ cảnh sát cơ động trên đường Lạch Tray mà chỉ ẩu đả do mâu thuẫn với nhau.
Công tác truy tìm nghi can càng trở nên khó khăn. Đại tá Nguyễn Đức Cường chỉ đạo lực lượng điều tra "muốn hoàn thành nhiệm vụ thì điều tiên quyết là phải dựa vào dân, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm".
Theo đó, hàng chục cán bộ chiến sĩ lại toả đi đến những nơi được xác định là các thanh niên thường hay tụ tập “chém gió” hay chuẩn bị đua xe máy như khu vực cửa Nhà hát lớn, hồ An Biên, đường Tô Hiệu hay ngã tư Thành Đội...
Từ người bán hàng nước, xe ôm, đến những người dân sống gần khu vực được xem là tụ điểm các thanh niên thường lui tới đều được các trinh sát tìm gặp. Sự kiên trì của lực lượng công an được đền đáp bằng thông tin do một người cung cấp về một nhóm thanh niên hay tụ tập tại một quán trà chanh trên đường Lạch Tray.
Nhóm này có hơn chục người từ 18 - 20 tuổi, buổi tối thường tụ tập “khoe” với nhau những “chiến tích” đua xe và khiêu khích công an. Từ đặc điểm nhận dạng 2 thanh niên tấn công CSCĐ do công an cung cấp, người dân khẳng định đó chính là một trong những thành viên của nhóm này.
Lực lượng điều tra tiếp tục nhận định, khi tham gia đua xe, lạng lạch đánh võng trên đường, các thanh niên thường sử dụng biển số xe giả. Do đó, trước mỗi lần “xuất trận”, các nghi can này phải tìm địa điểm vắng vẻ để thay biển số.
Theo đó, các khu vực “nhạy cảm” xung quanh quán trà chanh được trinh sát nhắm tới, đồng thời tiếp tục phát động nhân dân cung cấp thông tin, tố giác tội phạm. Từ những nhận định và định hướng có cơ sở của lực lượng hình sự đã cho kết quả khả quan.
Một người dân thường đi tập thể dục buổi tối ở khu vực hồ Quần Ngựa đã thông tin cho lực lượng công an, vào tối hôm xảy ra vụ việc CSCĐ bị tấn công có 2 thanh niên đi xe máy dừng lại cạnh bãi rác để thay biển số xe.
Vậy nhưng kể cả đến khi xác định chủ sở hữu chiếc xe máy mang biển kiểm soát do nhân dân cung cấp đến khi tìm được người đang sử dụng cũng là công việc vô cùng khó khăn, do chiếc xe đã được bán qua nhiều người. Khi tìm đến chủ cuối cùng thì người này không sử dụng mà cho đứa cháu mượn để làm phương tiện đi lại.
Qua bao vất vả, lực lượng công an xác định Nguyễn Quang Hoàng (21 tuổi, ở 1/37 Dương Đình Nghệ, Vĩnh Niệm, quận Lê Chân), là người đang mượn chiếc xe máy của chú làm phương tiện đi lại, chính là kẻ đã ra tay ném gạch vào mặt làm chiến sĩ Phạm Văn Tuyền trọng thương.
Những kẻ lệch lạc về nhận thức
Khi bị bắt đưa về cơ quan công an, với bản chất gian manh, lỳ lợm, Nguyễn Quang Hoàng một mực chối tội. Tuy nhiên, với những chứng cứ sắc bén mà các điều tra viên đưa ra, cuối cùng Hoàng phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Hoàng khai nhận tham gia trong một nhóm mang tên “biệt đội săn CSCĐ”. Thành phần tham gia nhóm này chủ yếu là thanh niên từ 18 - 20 tuổi, có sở thích đua xe, lạng lách, đánh võng trên đường phố.
Các thanh niên này hàng ngày lên mạng, hẹn hò nhau buổi tối tụ tập ở khu vực nào đó rồi tổ chức đua xe. Sau mỗi lần như vậy, thành viên của nhóm này gia tăng thêm, có khi vài chục người. Nhiều thành viên được “mời” gia nhập hết sức vô tình chỉ vì trên đường thấy đi xe máy... quá hay.
Sau mỗi lần tụ tập đua xe, nhóm của Hoàng đều gặp phải sự truy đuổi của lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng CSCĐ. Từ đây chúng luôn luôn có tư tưởng chống đối, trả thù.
Để thực hiện ý đồ của mình, nhóm của Hoàng đã lập ra “biệt đội săn CSCĐ”. Vào các buổi tối, “biệt đội” này ngoài việc tổ chức đua xe, lạng lách, đánh võng còn tìm kiếm lực lượng CSCĐ đang làm nhiệm vụ ở khu vực nào để trêu chọc, khiêu khích, thậm chí ra tay tấn công rồi bỏ chạy...
Các nghi can trong "biệt đội săn CSCĐ" bị bắt giữ. |
Sau khi bắt được nghi can chính, cơ quan công an đã bắt tiếp nhiều người liên quan khác. Đáng chú ý, hầu hết các nghi can đều trẻ tuổi nhưng bỏ học giữa chừng, không công ăn việc làm ổn định.
Những thanh niên này hầu hết đều không được sự quan tâm giáo dục của gia đình. Vào các buổi tối, bọn chúng tụ tập nhau lại, sau đó sử dụng xe máy chạy bạt mạng trên các đường thâu đêm suốt sáng.
Tên Nguyễn Văn Phong khi bị bắt lên cơ quan công an thì khai bố mẹ bỏ nhau, hiện ở với mẹ nhưng khi được hỏi mẹ đang sống ở đâu thì anh ta cũng… không hề biết.
Khi được hỏi lý do tại sao lại có ý đồ chống đối lại lực lượng chức năng, các thanh niên đều thừa nhận không có tư thù cá nhân, chỉ đơn giản là vì lực lượng này “cản trở” thú vui của bọn chúng.
Sau mỗi lần trêu chọc, khiêu khích hoặc ra tay tấn công lại được lực lượng công an, bọn chúng lại lên mạng hoặc tụ vạ khoe chiến tích và cảm giác như được “nâng tầm” lên trong mắt bạn bè.
Là người tiếp cận vụ việc ngay từ đầu cũng như đã tìm hiểu về hoàn cảnh của mỗi thanh niên, đại tá Nguyễn Đức Cường nhìn nhận, đây thực sự là lời cảnh báo về những suy nghĩ, nhận thức lệch lạc của giới trẻ. Mặc dù đó là những hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại được bộ phận giới trẻ có cùng suy nghĩ cổ súy, khích lệ.
Theo đại tá Nguyễn Đức Cường, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về gia đình, bởi hầu hết các thanh niên này đều không được quan tâm của cha mẹ nên chúng tự do sinh hoạt chơi bời thâu đêm suốt sáng.
Thêm nữa là trách của nhà trường đã không giáo dục đầy đủ nhân cách, kỹ năng sống, để các em dễ dàng sa vào những tệ nạn, sẵn sàng ra tay thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức.