Một trong những triệu chứng rất hay gặp ở vùng kín mà nhiều người mắc phải là ngứa hậu môn. Thông thường vùng bị ảnh hưởng chỉ ở xung quanh hậu môn, nhưng nhiều người còn lan sang bộ phận sinh dục.
Ai dễ mắc?
Không giống với cảm giác ngứa ở các vị trí trên cơ thể, khi xuất hiện ở vùng hậu môn, triệu chứng này thường dữ dội và kéo dài. Bệnh có thể chỉ xuất hiện tạm thời hoặc kéo dài gây khó chịu và nhiều phiền toái cho người mắc phải.
Đối với nữ giới, khoảng cách giữa hậu môn, âm đạo và niệu đạo rất ngắn nên những biến chứng gây viêm ở vị trí này rất dễ lan sang bộ phận sinh dục và hệ thống tiết niệu. Bị ngứa lâu dài sẽ gây nứt các nếp nhăn và dẫn đến suy giảm thần kinh, ăn không ngon, rối loạn giấc ngủ, buồn phiền và sút cân... Bệnh này thường được chia thành 2 loại, nguyên phát và thứ phát.
Người có cơ địa da khô là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Đôi khi, việc vệ sinh không sạch sẽ cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng khó chịu này. Ngoài ra, ngứa hậu môn còn do sử dụng xà phòng hay giấy vệ sinh có hóa chất gây mùi thơm.
Hiện tượng ngứa hậu môn ở người cao tuổi phần lớn do vùng da ở bên trong và ngoài bộ phận nà bị khô bởi sự lão hóa tế bào da và các cơ quan khác trong cơ thể.
Bệnh thứ phát thường xuất hiện ở người mắc trĩ, nứt kẽ hậu môn, nhiễm giun kim, vảy nến, vệ sinh sai cách. Ngứa hậu môn còn có thể do tiêu chảy kéo dài, khi dính chất thải, gây kích ứng da, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng mưng mủ, áp-xe.
Một số trường hợp chị em dùng thuốc tránh thai có thể gây ngứa ở vùng kín. Ngoài ra, người nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh lây qua đường tình dục có liên quan đến hậu môn (đồng tính luyến ái nam), nhiễm nấm Candida... cũng xuất hiện tình trạng ngứa.
Cẩn thận khi dùng giấy vệ sinh có mùi thơm
Nhiều bệnh nhân đến khám khi bệnh đã "không thể chịu được" tâm sự do đây là vùng nhạy cảm nên xấu hổ, ngại đến các cơ sở y tế. Căn bệnh khó nói này đã biến rất nhiều người từ nhiệt tình, xông xáo trở nên tự ti, khép kín.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh là biện pháp hiệu quả trong trường hợp này. Mọi người cần giữ vệ sinh vùng hậu môn, tầng sinh môn đúng cách.
Việc lau rửa vùng kín sau mỗi lần đi vệ sinh là rất cần thiết nhưng không nên quá lạm dụng. Đặc biệt, các bác sĩ cho rằng nên hạn chế sử dụng giấy vệ sinh cứng, thô ráp sẽ làm tổn thương da, nhất là da vùng hậu môn rất mỏng, nhạy cảm.
Hàng ngày, chúng ta nên dùng khăn ướt, nước ấm sạch để vệ sinh vùng kín, không dùng xà phòng để lau rửa. Khi bị ngứa, tuyệt đối không gãi bởi càng gãi càng ngứa và làm tổn thương da hậu môn gây nhiễm trùng.
Để phòng bệnh, bạn nên dùng đồ lót bằng chất liệu nhẹ nhàng, bằng cotton thoáng mát, thấm hút mồ hôi để vùng kín không ẩm ướt, khó chịu. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh, cần nhanh chóng đến bác sĩ để được điều trị kịp thời, tối kỵ việc tự kê đơn, mua thuốc về thoa vào vùng bị ngứa.
TS.BS Bùi Mai Hương (Tổng đài Sức khỏe Việt)