Sáng 10/10, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, đã ký văn bản gửi các Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trực thuộc, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên về việc cho trẻ em, học sinh, học viên tự học tại nhà để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của các đợt triều cường trong tháng 9 âm lịch.
Từ ngày 11 đến 13/10, giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn trẻ em, học sinh, học viên tự học tại nhà. Các đơn vị căn cứ theo tình hình thực tế tổ chức dạy học trực tuyến hoặc dạy bù sau khi học sinh trở lại trường, đồng thời hướng dẫn phụ huynh quản lý học sinh, học viên học tập tại nhà.
Các tuyến đường trong trung tâm Cần Thơ bị ngập sâu. Ảnh: Minh Anh. |
Theo Đài khí tượng thủy văn TP Cần Thơ, sáng 10/10, mực nước cao nhất trạm Cần Thơ trên sông Hậu là 2,21 m. Mực nước sông Hậu dâng cao theo các kênh rạch gây ngập nhiều khu vực ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng.
Triều cường kết hợp nước sông Mekong đổ về sau đợt mưa nhiều từ bão Noru vừa qua cộng với gió mùa đông bắc hoạt động mạnh đẩy nước từ biển vào đất liền khiến mực nước dâng cao.
Đây là mực nước cao nhất từ đầu năm đến nay được ghi nhận. Đợt triều cường còn kéo dài 2-3 ngày tới, mực nước cao nhất có thể đạt 2,25 m, bằng với đợt triều cường lịch sử vào năm 2019.
Trong sáng 10/10, các tuyến đường trung tâm ở Cần Thơ như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Lý Tự Trọng, Ngô Quyền, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khu vực hồ Xáng Thổi tiếp tục ngập sâu.
Nhiều nơi ngập đến 40 cm, nước tràn vào nhà dân, cơ quan, trường học, công sở. Tại các khu vực nước ngập sâu, cảnh sát giao thông dùng xe tuần tra hỗ trợ chở học sinh đến trường.
Cảnh sát dùng xe đặc chủng đưa học sinh đến trường. Ảnh: Trung Phạm. |
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ, số liệu đo thủy văn trên sông Cửu Long cho thấy năm nay đỉnh lũ ở ĐBSCL cao hơn các năm trước.
Tại TP Cần Thơ, nếu mưa lớn tiếp tục 2-3 ngày tới, diện tích ngập sẽ gia tăng theo giai đoạn triều cường cộng với với lượng lũ đổ về.