Zing trích dịch bài đăng South China Morning Post, đề cập đến hiện tượng "trộm cắp vô nghĩa" xảy ra ở tầng lớp trung lưu.
Nhiều người không khỏi thắc mắc rằng vì sao những người giàu có lại ăn cắp trong khi họ hoàn toàn có khả năng mua chúng.
Tassilo Keilmann, CEO của tổ chức chuyên đánh giá khu nghỉ dưỡng Wellness Heaven, khảo sát các ông chủ khách sạn về những tài sản họ thường bị khách hàng đánh cắp.
Kết quả cho thấy những món đồ đắt tiền như tivi, piano và tác phẩm nghệ thuật ở các khách sạn 5-6 sao còn mất nhiều hơn ở khách sạn 4 sao. Có vẻ như những vị khách giàu có “ngứa tay” hơn người bình thường.
Khách sạn sang trọng là mục tiêu ăn cắp vặt của không ít khách hàng giàu có. Ảnh: Atlantis by Giardino. |
“Những vụ trộm cắp này thường được giấu kín bởi các khách sạn cao cấp không muốn báo cảnh sát. Nếu họ tố cáo, danh tiếng khách sạn sẽ bị ảnh hưởng không ít”, Keilman cho biết.
Vấn đề ăn cắp vặt không chỉ tồn tại ở những khu nghỉ dưỡng sang trọng mà còn tại các cửa hàng bán lẻ cao cấp. Một nghiên cứu năm 2008 trên tạp chí Tâm lý học Mỹ cho thấy giới nhà giàu - với thu nhập bình quân hộ gia đình 70.000 USD/năm - có khả năng ăn cắp vặt cao hơn 30% so với những cá nhân kiếm được 20.000 USD/năm.
Trong số những vụ án trộm cắp của người nổi tiếng, có lẽ trường hợp của nữ minh tinh Winona Ryder là gây chấn động nhất. Khoảng 20 năm trước, ngôi sao điện ảnh bị bắt giữ do lấy cắp quần áo và số đồ trang sức có trị giá lên tới gần 5.000 USD tại Saks.
Đầu tiên Ryder bao biện rằng cô chỉ đang luyện tập cho vai diễn mới, rồi lại đổ lỗi cho tác dụng phụ của đơn thuốc mà cô đang sử dụng. Hậu quả là người đẹp bị phạt tiền 3.700 USD, lao động công ích suốt 480 tiếng, cũng như bồi thường 6.355 USD cho cửa hàng mà cô đã ăn trộm. Cô đồng thời bị quản thúc cho tới tận tháng 12/2005.
Nữ diễn viên Winona Ryder. Ảnh: Getty Images. |
Năm 2011, cảnh sát bắt giữ người mẫu Beata Boman vì ăn cắp chiếc khăn trị giá 11.000 USD. Để bào chữa cho bản thân, cô nói rằng hành động đó chỉ là “một phút lơ đễnh khi nghe điện thoại của một người bạn bị bệnh nặng nên vô tình cầm nhầm chiếc khăn”.
“Bất kỳ ai biết Boman đều hiểu rằng cô ấy giàu có và không có lý do để ăn cắp”, vị luật sư bào chữa cho cô lên tiếng.
Năm 2019, triệu phú Andrew Francis Lippi III bị bắt do có hành vi trộm đồ gia dụng trị giá chỉ 300 USD ở siêu thị Kmart. Trong khi đó, người đàn ông này vừa tốn 8 triệu USD để mua một hòn đảo vào tuần trước. Ông không đưa ra lời giải thích nào cho hành động của mình.
Hiện tượng kỳ lạ của giới nhà giàu
Hiện tượng nói trên còn được biết đến với cái tên “trộm cắp vô nghĩa”. John C Brady, nhà tội phạm học và cựu thám tử cửa hàng bán lẻ, đã dành cả sự nghiệp của mình để theo dõi các sự việc này.
Nhiều phụ nữ bị bắt giữ chỉ vì ăn cắp những món đồ có giá trị rất thấp so với khối tài sản của họ. Ảnh: Perfect Lifestyle. |
Trong cuốn sách Why Rich Women Shoplift (tạm dịch: Tại sao những người phụ nữ giàu có lại ăn cắp) của Brady, ông liệt kê không ít vụ án “kỳ lạ” của giới nhà giàu mà bản thân chứng kiến.
Một trong số đó là câu chuyện người phụ nữ sống tại căn biệt thự trị giá 10 triệu USD tại Thung lũng Silicon bị bắt chỉ vì ăn cắp một tuýp kem đánh răng từ một siêu thị địa phương lúc 4 giờ sáng.
“Cô ấy vốn đang bị quản chế. Lần này, khi bị bắt giữ, cô liền gào lên với cảnh sát rằng hãy bắn chết cô ấy đi”, ông viết.
Brady cũng từng phải đuổi theo một người phụ nữ khác về tận căn nhà xa hoa của cô ấy chỉ bởi một hộp thịt bò. Tuy nhiên, thay vì lo lắng về việc danh tiếng bị ảnh hưởng, người phụ nữ này chỉ bực bội khi không được phép quay lại cửa hàng đó để mua sắm nữa.
Paul Piff, giáo sư chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa đạo đức và tiền bạc tại Đại học California Berkeley, cho rằng không nên hỏi vì sao người giàu lại ăn cắp mà hãy thắc mắc tại sao họ không ăn cắp.
“Khi bạn có nhiều tiền và địa vị cao, bạn lại càng tập trung vào bản thân hơn và ưu tiên lợi ích cá nhân. Bạn sẽ tự biện minh cho những hành động sai phạm của mình, nhưng không phải vì lo lắng về vấn đề đạo đức”, ông cho biết.
Người càng giàu, càng thích trộm cắp vặt. Ảnh: Patch. |
Trong một dự án nghiên cứu năm 2010, Piff đưa cho 124 tình nguyện viên mỗi người 10 USD. Họ có quyền giữ lại số tiền đó, hoặc tặng một phần cho người lạ.
Kết quả cho thấy những tình nguyện viên có thu nhập càng cao - kiếm được 150.000 USD/năm, số tiền họ cho đi càng ít. Khi cầm 10 USD trên tay, họ chỉ đưa cho người lạ khoảng 3 USD.
Ở một nghiên cứu khác thực hiện với đồng nghiệp là giáo sư Dacher Keltner, Piff muốn tìm hiểu xem liệu những người giàu có lấy kẹo từ một em bé hay không.
Đầu tiên, Piff và Keltner yêu cầu 129 nữ sinh tình nguyện tự xếp bản thân vào các nhóm địa vị kinh tế xã hội. Sau đó, họ đưa cho mỗi cô gái một hộp gồm 40 chiếc kẹo.
Hai vị giáo sư nói với những người tham gia rằng món đồ ngọt này để phát cho các em nhỏ ở một trường gần đó, tuy nhiên họ có thể giữ một ít nếu muốn. Kết quả là những cô gái tự nhận mình nằm trong nhóm địa vị kinh tế xã hội cao hơn giữ lại số kẹo nhiều hơn.
Việc trộm cắp với giới nhà giàu giống như chơi video game. Ảnh: Think Stock. |
“Đối với nhiều người giàu, việc ăn cắp giống như một trò chơi điện tử với nhiệm vụ trốn thoát thành công khỏi sự giám sát của cửa hàng. Bản thân tôi đã thực hiện phỏng vấn không ít cá nhân sở hữu khối tài sản cực kỳ lớn và họ cảm thấy rằng họ được phép ăn cắp vặt đôi lần”, nhà văn Rachel Shteir cho biết.
“Hơn nữa, nếu bạn ở tầng lớp trung lưu da trắng, sẽ rất khó để bạn “được đi tù”. Các thẩm phán không muốn gửi thêm phạm nhân vào tù chỉ vì lỗi đó”, Shteir nói.
Có lẽ đó là lời giải thích hợp lý cho vụ án kỳ lạ nhất mà cựu thám tử Brady từng truy tìm. Thủ phạm lần này là một người phụ nữ kết hôn với một bác sĩ phẫu thuật thần kinh.
Cô sở hữu một căn phòng bí mật mà không ai được phép vào, kể cả chồng con. Trong đó, cô cất trữ hàng trăm chiếc ví hàng hiệu mà cô đánh cắp từ nhiều cửa hàng với tổng trị giá lên tới 500.000 USD.
“Một số người luôn khao khát và mơ tưởng bản thân đi ăn trộm và đó là trường hợp của người phụ nữ này. Cô ta làm vậy chỉ vì muốn ngập tràn trong cảm giác hưng phấn và kích thích”.