Sáng 26/10, TAND Hà Nội đưa 12 bị cáo liên quan vụ BIDV thất thoát 1.670 tỷ đồng ra xét xử sơ thẩm. Phiên xử dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Bị hại trong vụ án được xác định là BIDV. Hơn 40 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan.
8 bị can bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng: Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng (cùng là cựu Phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng thuộc BIDV Hà Tĩnh), Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Nguyễn Xuân Giáp (cựu Phó giám đốc chi nhánh này), Phạm Hồng Quang (cựu Trưởng phòng thuộc chi nhánh) và Đặng Thanh Nam (cựu cán bộ).
4 bị can bị đề nghị truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản: Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng); Trần Anh Quang và Đinh Văn Dũng (2 cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam).
Bị cáo Ngô Duy Chính, cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành. Ảnh: Hoàng Lam. |
Ông Võ Hữu Hào - Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh - là người đại diện cho UBND tỉnh này tham dự phiên tòa. HĐXX trước đó triệu tập ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, song ông này ủy quyền cho người đại diện đến dự khán.
Đối với 2 doanh nghiệp liên quan vụ án, chỉ có đại diện Công ty Bình Hà có mặt, còn đại diện Công ty Trung Dũng không đến.
Trước khi HĐXX xét hỏi các bị cáo, luật sư Trần Minh Hải (bào chữa cho ông Trần Lục Lang) trình chứng cứ, tài liệu mới liên quan vụ án. Theo luật sư, ngày 12/10, ông gửi văn bản cho BIDV đề nghị cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Bình Hà. Trong văn bản phúc đáp, nhà băng cho biết dự án của Công ty Bình Hà đã được tái cơ cấu và hoạt động trở lại.
“Hiện công ty đã có tiền chuyển về tài khoản của BIDV. Đây là thông tin mới, có thể tác động đến vụ án”, luật sư nêu.
12 bị cáo bị xét xử liên quan vụ BIDV thất thoát 1.670 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Lam. |
Trong vụ án, VKSND cáo buộc ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV) phải chịu trách nhiệm chính dẫn đến thiệt hại cho nhà băng. Con trai ông là Trần Duy Tùng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc lợi dụng sự tin tưởng của BIDV để chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho nhà băng.
Do ông Trần Bắc Hà đã tử vong trong trại tạm giam nên cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra. Bị can Trần Duy Tùng bỏ trốn nên đang bị truy nã quốc tế.
Theo cáo buộc, năm 2015, ông Hà trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về chủ trương lập dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ứng dụng công nghệ cao tại địa phương này. BIDV cam kết tài trợ vốn và giới thiệu nhà đầu tư có năng lực trên cơ sở liên danh giữa Công ty An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Tuy nhiên, do con trai ông Hà là Trần Duy Tùng đang làm Tổng giám đốc Công ty An Phú nên BIDV không được cấp tín dụng cho liên danh này. Sau đó, ông Hà thành lập 2 công ty sân sau là Bình Hà và Trung Dũng.
Các bị cáo tại phiên xử sáng 26/10. Ảnh: CTV. |
VKS cáo buộc giai đoạn 2008-2016, ông Trần Bắc Hà đã lợi dụng chức vụ, lấy danh nghĩa BIDV để cho 2 công ty sân sau vay vốn dù các doanh nghiệp này không đủ điều kiện cấp tín dụng.
Cơ quan tố tụng xác định ông Hà đã chỉ đạo cấp dưới cho Công ty Bình Hà vay hơn 3.100 tỷ đồng. Tổng dư nợ của công ty này tại BIDV không có khả năng thu hồi là gần 800 tỷ.
Đối với Công ty Trung Dũng, theo quy định, tiền bán bò thu được phải chuyển về tài khoản của Công ty Bình Hà tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh để đối trừ công nợ. Tuy nhiên, Trần Duy Tùng và các bị can đã chiếm đoạt gần 150 tỷ của nhà băng.
Tại thời điểm cơ quan tố tụng truy tố 12 bị can, các công ty Bình Hà và Trung Dũng đã dừng hoạt động do thua lỗ. VKS cáo buộc hành vi cho vay nói trên gây thiệt hại cho BIDV 1.670 tỷ đồng.