Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triệu tập một số người nghi liên quan vụ gây ô nhiễm nước sạch sông Đà

Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập một số người nghi liên quan vụ đổ dầu thải ra đầu nguồn nước sông Đà gây ô nhiễm nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội.

Khởi tố vụ gây ô nhiễm nước sạch sông Đà Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ việc nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu.

Sáng 18/10, trao đổi với Zing.vn, thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, cho biết cơ quan điều tra đã triệu tập một số người nghi liên quan vụ đổ trộm dầu thải ra đầu nguồn gây ô nhiễm nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà.

Theo ông Đức, việc triệu tập dựa trên những chứng cứ, tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh từ các nguồn tin báo.

"Cơ quan điều tra đang đấu tranh với những người này để mở rộng vụ án nên chưa thể cung cấp danh tính", thiếu tá Đức nói.

Một ngày trước, Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi Gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy ngày 9/10, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh (huyện Kỳ Sơn).

Sở TN-MT Hòa Bình, Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) cùng UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Phúc Tiến, PC05 Công an tỉnh Hòa Bình sau đó đã kiểm tra hiện trường.

Do dau thai ra song Da anh 1
Việc đổ trộm dầu thải làm nước đầu nguồn sông Đà ô nhiễm. Ảnh: Hồng Quang.

Thời điểm phát hiện sự việc, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà - đơn vị vận hành nhà máy nước sạch Sông Đà - đã kiểm tra, phát hiện có váng dầu tại suối Bằng. Khi kiểm tra ngược theo dòng suối, đơn vị thấy trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm.

Sau đó, hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận ở Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm...

Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá hành vi đổ chất thải gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Đối với Viwasupco, đây là đơn vị ký hợp đồng với người dân để cung cấp nước sạch không ô nhiễm. Công ty này phát hiện việc đổ trộm dầu thải nhưng không báo cáo ai, cũng không có hành động gì liên quan để ngăn chặn số dầu này mà cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến nhiễm vào nguồn nước bán cho người dân.

"Rõ ràng đây không phải là nước sạch cung cấp theo hợp đồng đã ký và theo cam kết nghĩa vụ với khách hàng của Công ty nước sạch Sông Đà", ông Thu nói và nhấn mạnh, việc khởi tố vụ án nhằm xác định trách nhiệm của người đứng đầu Viwasupco hay của tập thể.

Còn luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) nhận định ngoài công ty nước sạch, UBND Hà Nội cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

Theo luật sư, thành phố đã thể hiện vai trò quá "mờ nhạt, chậm chạp" khi phản ứng với sự cố môi trường nghiêm trọng này.

"Đáng lẽ khi phát hiện sự cố, ngay lập tức UBND thành phố phải có động thái quyết liệt hơn", luật sư nói và viện dẫn một số giải pháp như ngừng cấp nước toàn bộ, lấy mẫu xét nghiệm và tìm ngay nguồn nước sạch thay thế.

Tối 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, phải giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực ảnh hưởng.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình xác định có 2,5 tấn dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.

Vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải: Xử nghiêm để lấy lại niềm tin của dân

Sự chậm trễ, lúng túng của chính quyền, cơ quan chức năng trong vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải khiến dân hoang mang. Đại biểu Quốc hội đề nghị xử nghiêm để lấy lại niềm tin.


Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm