Cụ thể, Bộ GD&ĐT xây dựng 2 phương án thi và không thi THPT quốc gia 2020. Trong đó, phương án vẫn tổ chức kỳ thi này được ưu tiên.
Trước đó, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin nếu kiểm soát được dịch Covid-19, học sinh có thể đến trường trước ngày 15/6. Năm học sẽ kết thúc ngày 15/7.
Theo kế hoạch hiện tại, thời gian kết thúc năm học là ngày 15/7. Dự kiến ngày thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11/8.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Việt Hùng. |
Về kỳ thi THPT quốc gia 2020, nếu dịch được kiểm soát, học sinh đi học trước ngày 15/6, kỳ thi diễn ra vào tháng 8.
Nếu thời gian đi học sau ngày 15/6, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án thi phù hợp.
Trong trường hợp bất khả kháng, Bộ GD&ĐT cũng tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi, giao các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp Luật Giáo dục.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng phương án lý tưởng là ngành giáo dục kịp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Phương án tình thế là xét tuyển học bạ như sơ tuyển, tuyển thẳng học sinh giỏi trường chuyên, đoạt giải quốc gia, quốc tế. Các trường cần chủ động có phương án tổ chức kỳ thi tuyển (trên giấy hoặc máy tính).
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, bài thi giấy sẽ thuận lợi hơn, đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp từng ngành trong trường. Các trường chưa đủ điều kiện tổ chức kỳ thi riêng, có thể hợp tác và lấy điểm thi đầu vào của trường lớn làm căn cứ xét tuyển đại học.
Cũng theo ông Đức, các trường THPT ở địa phương khác nhau, không đồng đều về giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng.
Ví dụ, một em học điểm Toán 9.0 của trường này không có nghĩa tương đương trường khác. Mặt khác, thực tế cũng cho thấy một số trường THPT không quá khắt khe khi đánh giá, thậm chí “biếu điểm” cho học sinh.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT cần có nhiều phương án đối với kỳ thi THPT quốc gia. Học sinh cũng không nên có tâm lý buông việc học, ngồi chờ khi nào bỏ thi.
Kỳ thi THPT quốc gia nên được giữ, nếu có thể. Còn trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ, thí sinh không thể đến điểm thi, mới thay thế bằng phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.
Bộ GD&ĐT: Nếu học online bị quấy rối, giáo viên báo công an điều tra |