Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trịnh Công Sơn và quãng buồn ở Quy Nhơn

Mỗi mối tình đi qua đời nhạc sĩ, dù thoáng qua hay sâu đậm thì nhạc sĩ đều sáng tác ra một ca khúc... Và Dã Tràng Ca là một nốt nhạc buồn đã bị thất lạc lâu ngày của Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn và quãng buồn ở Quy Nhơn

Mỗi mối tình đi qua đời nhạc sĩ, dù thoáng qua hay sâu đậm thì nhạc sĩ đều sáng tác ra một ca khúc... Và Dã Tràng Ca là một nốt nhạc buồn đã bị thất lạc lâu ngày của Trịnh Công Sơn.

Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân là người có công tìm lại Dã Tràng Ca sau hơn 40 năm bị thất lạc. Đây là bản trường ca được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết năm 1962 tại Quy Nhơn và có dựng ngay một chương trình tại đó. Năm 1975, Dã Tràng Ca được dựng một lần nữa tại Nha Trang và mất tích cho đến khi nhà văn Nguyễn Đắc Xuân tìm được và Ánh Tuyết dựng lại ca khúc này tại sân khấu ATB năm 2003.

Vào ngày mồng 1/4/2009, Dã Tràng Ca sẽ trở lại trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Đắc Xuân về hành trình của Dã Tràng Ca gắn với những kỷ niệm của Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn và quãng buồn ở Quy Nhơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

- Ông đã biết được bản “Dã Tràng Ca” trong hoàn cảnh nào?

- Tôi là một trong những người bạn thân của anh Trịnh Công Sơn. Chúng tôi cùng lớn lên ở Huế nên khi anh viết xong bản Dã Tràng Ca được dựng ở tại Quy Nhơn năm 1962, lúc đó tôi thích quá đã bảo anh tặng lại hai vợ chồng tôi để hát khi chúng tôi cưới nhau ở Huế nhưng sau đó bị thất lạc hết.

Sau khi Trịnh Công Sơn mất, tôi mới đi tìm những sự bí ẩn quanh con người ông và phát hiện ra bản Dã Tràng Ca bị thất lạc mà không ai tìm được. Tôi có liên lạc với họa sĩ Đinh Cường và những người bạn của Trịnh Công Sơn để tìm hiểu vì sao Dã Tràng Ca lại mất mà đến cả Trịnh Công Sơn khi còn sống cũng không tìm được. Thậm chí tôi đã tìm đến cả cô Lê Thị Ngọc Trinh, một trong những người hát Dã Tràng Ca đầu tiên. Tôi có nhờ cô ấy hát lại, nhưng không nhớ được hết.

Trịnh Công Sơn và quãng buồn ở Quy Nhơn

Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân

Tôi cứ cặm cụi ghi từng đoạn vào chiếc máy cát- sét. Một lần đi ăn cưới, tôi tình cờ gặp lại những người bạn của Trịnh Công Sơn lúc ở Quy Nhơn. Qua hỏi thăm, tôi mới tìm được bản Dã Tràng Ca ở Nha Trang do một người bạn của Trịnh Công Sơn giữ. Thời gian Trịnh Công Sơn học tại Quy Nhơn có những điều làm anh ấy buồn nên anh ấy không muốn nhắc đến, nhất là việc thanh niên ở Quy Nhơn lúc bấy giờ đã có những hành động không đẹp với anh ấy.

- Có nghĩa là thời gian ở Quy Nhơn đã gây cho nhạc sĩ những nỗi buồn?

- Vì thanh niên ở đó họ không hiểu hết được tấm lòng của nhạc sĩ lúc bấy giờ nên có sự hiểu lầm. Thêm việc gia đình của anh ấy cũng có nhiều biến động buồn khiến Trịnh Công Sơn viết càng hăng say. Anh ấy càng có thời gian để viết lên Dã Tràng Ca, chính vì thế âm nhạc của Dã Tràng Ca của một thiên tài âm nhạc, dù rất thô sơ nhưng đã chứa đầy suy tư cảm xúc. Sau này tôi được biết nhạc sĩ cũng viết nhiều ở Quy Nhơn nhưng gần như nhạc sĩ không giữ. Thời gian đó là những kỷ niệm buồn, nhạc sĩ gần như không nhắc đến những ngày học tại Quy Nhơn nên bạn bè cùng lớp bây giờ cũng không nhận là bạn của Trịnh Công Sơn, chỉ đến khi tôi đi tìm bản Dã Tràng Ca họ mới kể lại.

- Vậy khi tìm được, cảm xúc của ông thế nào?

- Tôi vô cùng mừng rỡ, như tìm lại được báu vật đã mất từ lâu, mà đặc biệt đó lại là một “báu vật” của một người bạn đã mất. Tôi đã công bố trên các phương tiện truyền thông và đặc biệt được chú ý, sau đó tôi có nhận được điện thoại xin dựng lại trường ca này của ca sĩ Ánh Tuyết, tôi đồng ý ngay vì đã yêu thích giọng hát và cảm kích tấm lòng của Ánh Tuyết từ lâu rồi. Sau đó Trịnh Vĩnh Trinh có đi cùng với bạn trai cô ấy đến chỗ tôi xin lại, tôi cũng đồng ý thôi. Ngay cả cuốn sách về Trịnh Công Sơn tôi viết, toàn bộ nhuận bút tôi cũng dành tặng cho các em học nhạc ở Huế.

- Ông có nhận xét về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Trịnh Công Sơn và quãng buồn ở Quy Nhơn

Nhà văn mừng rỡ khi tìm lại được ''báu vật'' Dã Tràng Ca

- Đó là một người không thể sống được mà không yêu. Mỗi mối tình đi qua đời nhạc sĩ, dù thoáng qua hay sâu đậm thì nhạc sĩ đều sáng tác ra một ca khúc. Phải cảm ơn những người phụ nữ đó để có những tác phẩm để đời như hôm nay. Lúc ở Quy Nhơn, tôi được biết nhạc sĩ cũng có đến 5 mối tình lãng mạn trong 2 năm. Đó là điều tôi rất khâm phục Trịnh Công Sơn.

- Ông là người thân thiết với Trịnh Công Sơn, có công tìm ra bản “Dã Tràng Ca”, ông đã xem nó được dựng trên sân khấu lần nào chưa?

- Tôi chưa được xem lần nào cả, chỉ nghe mọi người kể lại mà thôi. Chính vì thế lần này tôi đã đổi vé máy bay về Huế để ở lại Sài Gòn xem chương trình Cát Bụi của Ánh Tuyết và ATB với hy vọng được xem một trường ca Dã Tràng Ca hoành tráng và sâu sắc.

Đêm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn Cát Bụi và trường ca Dã Tràng Ca sẽ là món quà rất đặc biệt dành cho quý vị khán giả đến với đêm ca nhạc lúc 20h 1/4/2009 tại Nhà Hát Hòa Bình. Các ca sĩ tham gia: Xuân Phú, Nguyên Thảo, Đức Tuấn, Quỳnh Lan, Thụy Long, Phi Thúy Hạnh, Minh Thảo, Mỹ Dung… Ánh Tuyết. Giá vé có 5 loại trên lầu 100.000 - 200.000 đ. Dưới nhà 250.000 - 300.000 - 400.000 đ. VIP 500.000 đ bán tại Trung tâm văn Hóa ATB: 197/4 Nguyễn Văn Trỗi – Quận Phú Nhuận.

 ALEC

Theo Bưu điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm