Hôn nhân sắp đặt được chấp nhận trong xã hội loài người, tất nhiên với điều kiện bố mẹ chọn chồng/vợ cho con cái. Nhưng để truyền hình thực tế sắp đặt hôn nhân cho những người đàn ông/đàn bà trưởng thành thì quả là một ý tưởng gây sốc.
Sốc từ cái nhìn đầu tiên
Chương trình truyền hình thực tế Kết hôn từ cái nhìn đầu tiên - format gốc của Đan Mạch/Nauy sản xuất năm 2014 là một ý tưởng như thế. Chương trình có 4 chuyên gia: nhà nghiên cứu tình dục, nhà thần học, nhà tâm lý, nhà xã hội học. Bằng chuyên môn của mình họ sẽ ghép đôi cho 3 cặp, dựa trên những điểm tương đồng về mặt sinh học. Ba cặp này sẽ kết hôn thực sự ở tòa thị chính, chung sống như vợ chồng trong vòng 4 tuần. Toàn bộ cuộc sống của họ sẽ được đưa lên truyền hình. Sau 4 tuần nếu không hợp, họ sẽ ly hôn.
Tập 1 của chương trình được chiếu giới thiệu tại Hội nghị truyền hình Mini Input quốc tế khai mạc tại Viện Goethe Hà Nội tuần qua. Sau khi xem xong, 30 đại biểu đến từ nhiều quốc gia đã rất sốc!
Một cặp đôi trong chương trình truyền hình thực tế Kết hôn từ cái nhìn đầu tiên do Đan Mạch và Na Uy sản xuất. |
Một đại biểu người Philippines cho biết: "Tôi rất sốc, tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Liệu đây có phải một thử nghiệm mang tính xã hội hay không? Người Phillippines theo đạo Cơ đốc, hôn nhân với chúng tôi là một điều gì đó rất thiêng liêng. Tôi không hiểu sao lại có một chương trình đem hôn nhân ra làm trò thử nghiệm".
Đại biểu người Australia tham dự hội nghị cho biết bà hết sức kinh ngạc khi nhìn thấy người ở tòa thị chính tham gia THTT để chứng thực cho hôn ước của 3 cặp thí sinh. "Tôi cho rằng chương trình sẽ phải đối mặt với vấn đề đạo đức. Một chương trình như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cá nhân của mỗi người. Chương trình phải có trách nhiệm với những cặp họ ghép đôi".
Người dẫn chương trình hội nghị Mini Input, bà Maren Niemeyer giải thích lý do vì sao chương trình như thế này được sản xuất tại Đan Mạch: "Ở Đan Mạch kết hôn và ly hôn rất dễ, không nặng nề và phức tạp như ở nhiều nơi. Ai muốn kết hôn nhanh thì đến Đan Mạch".
Chương trình này đã được Anh mua bản quyền nhưng sau vài tập thì ngừng phát sóng. Còn Mỹ và Đức vẫn đang tiếp tục sản xuất. Ba trong số các cặp đôi năm 2014 của chương trình tại Đan Mạch đã ly hôn.
Truyền hình thực tế còn đi xa đến đâu?
Năm 1999, Hollywood đã sản xuất bộ phim EDtv cảnh báo về truyền hình thực tế. Trong phim, nhân vật nam chính do tài tử Matthew McConaughey thủ vai đã quyết định "bán mình" cho truyền hình thực tế. Toàn bộ cuộc sống của anh bị camera theo sát 24/24. Kết quả anh trở nên nổi tiếng nhưng phải trả cái giá khá đắt khi người anh yêu vì không chịu nổi áp lực đã đòi chia tay. Thời điểm xem phim này khán giả Việt chưa hề có khái niệm về truyền hình thực tế. Nhưng nay đã khác, thế giới không thiếu những người hiến mình cho truyền hình thực tế như bộ phim EDtv đề cập.
Ở Việt Nam, trong vòng 3 năm trở lại đây truyền hình thực tế phát triển rất mạnh. Ngoài việc đa dạng hóa "mặt hàng" để khán giả lựa chọn, các nhà sản xuất cũng bắt đầu thử thách khả năng chịu đựng tính "thực tế" của chương trình. Đơn cử như chuyện gia đình thí sinh Quỳnh Anh gửi đơn kiến nghị lên tận Quốc hội vì cho rằng Vietnam's Got Talent làm tổn hại tinh thần của cô bé. Hay chuyện một thí sinh trong Người giấu mặt cởi đồ trước ống kính truyền hình. Gần đây nhất, chuyện thí sinh Master Chef chặt đầu ba ba cũng gây tranh cãi...
Có một câu hỏi đặt ra, các chương trình có thể đi xa tới đâu nữa? Những đại biểu tham dự Hội nghị Mini Input có đặt câu hỏi liệu ở Việt Nam có phát được những chương trình như Kết hôn từ cái nhìn đầu tiên không? Đại diện của Việt Nam, bà Đặng Diễm Quỳnh - Phó trưởng Ban Thanh thiếu niên - VTV6 cho biết: "Chúng tôi có thể xem chương trình này, chấp nhận đó như một cách nhìn, một lối sống ở phương Tây. Nhưng chúng tôi không thể sản xuất và phát sóng một chương trình tương tự tại Việt Nam vì khán giả Việt không chấp nhận kiểu chương trình như thế này".