Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trò chuyện với 'hot girl hàng hiếm' của Got Talent

Nhạc sĩ Huy Tuấn không ngại ví thí sinh trẻ tuổi thi hát ca trù Nguyễn Kiều Anh là "của hiếm" của cả thị trường âm nhạc.

Trò chuyện với 'hot girl hàng hiếm' của Got Talent

Nhạc sĩ Huy Tuấn không ngại ví thí sinh trẻ tuổi thi hát ca trù Nguyễn Kiều Anh là "của hiếm" của cả thị trường âm nhạc.

- Được biết, chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống ca trù. Chị có thể cho mọi người biết đã làm quen với loại hình nghệ thuật này như thế nào?

- Gia đình tôi có truyền thống theo loại hình nghệ thuật ca trù từ lâu. Ông nội, cô và bác của tôi đều là những nghệ nhân biểu diễn ca trù. Chính vì vậy tôi đã nghe được những tiếng đàn hát của ca trù ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Vì tôi là thế hệ thứ bảy trong gia đình nên khi lọt lòng tôi đã được gia đình hướng theo loại hình nghệ thuật này. Đến khi được 6 tuổi, tôi chính thức tập hát ca trù.

Kiều Anh biểu diễn với đàn tranh trong đêm thi bán kết.

- Vậy chị đến với ca trù là bị bắt buộc từ phía gia đình hay đó là niềm đam mê?

- Năm 6 tuổi tôi học ca trù chỉ vì nghe theo lời của ba mẹ. Lúc đó, còn nhỏ nên người lớn dạy mình phải nghe theo, mình cũng không biết là học ca trù có gì tốt và học để làm gì. Nhưng khi học được một năm, tôi được đứng trên sân khấu biểu diễn và nhận được sự cổ vũ của mọi người thì tôi bắt đầu cảm thấy thích thú với ca trù. Và đặc biệt năm đó tôi nhận được phần thưởng là học bổng của Pháp dành cho những học sinh có thành tích đặt biệt trong học tập và biểu diễn văn nghệ. Đến khi học cấp hai thì tôi cảm thấy thật sự tìm được niềm vui trong ca trù và càng gắn bó với nó nhiều hơn.

- Có nghĩa là từ năm 7 tuổi chị đã nhận được giải thưởng của mình đối với bộ môn ca trù. Đến bây giờ chị đã sở hữu bao nhiêu huy chương hoặc giải thưởng đối với bộ môn này?

- Đến bây giờ tôi đã nhận khoảng 7, 8 giải thưởng trong bộ môn này. Giải thưởng gần đây nhất là giải A trong Liên hoan dân ca toàn quốc.

- Ai là người thầy đầu tiên dẫn dắt chị trong bộ môn này?

- Trong gia đình, ông nội là người luôn hướng cho con cháu theo đuổi nghệ thuật ca trù, và ông là người thầy đầu tiên của tôi.

- Được biết bài hát "Đò đưa" trong phim "Long thành cầm giả ca" do chị thể hiện rất thành công. Chị có thể cho biết cơ duyên nào đã đưa chị đến với ca khúc này?

- Cách đây khoảng 4 năm, Học viện âm nhạc quốc gia có gửi đến cho gia đình tôi vài bài hát để thực hiện album kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, và tôi được giao trọng trách đảm nhận việc thể hiện bào hát Đò đưa. Sau đó, nhạc sĩ Quốc Trung đảm nhận việc thực hiện âm nhạc cho bộ phim này. Vì vậy, Học viện âm nhạc đã giới thiệu cho tôi gặp nhạc sĩ Quốc Trung.

- Lần cộng tác đó hình như đã mở ra những cơ hội khác cho bạn gắn bó với ca trù nhiều hơn, nhất là khi chị vừa tham gia đêm nhạc world music "Khởi nguồn" vừa rồi của nhạc sĩ Quốc Trung. Chị có thể chia sẻ về điều này?

- Ban đầu, tôi cộng tác với nhạc sĩ Quốc Trung cũng chỉ để thể hiện bài hát ca trù thôi. Thế nhưng một thời gian làm việc với nhau thì quen thân. Chú Quốc Trung là một nhạc sĩ tài năng và rất yêu thích thể loại nhạc dân gian. Nên khi thấy tôi yêu thích ca trù và có chút khả năng nên chú đã tin tưởng để giao cho một số việc. Trong đêm nhạc vừa rồi, tôi cũng may mắn được biểu diễn chung với những nghệ sĩ tên tuổi như nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Nguyên Lê, nghệ sĩ người Tunisia Dhafer Youssef và nghệ sĩ người Đức gốc Marocco Rhani Krija.

- Trong khi không ít người, trong đó phần lớn là những người trẻ có vẻ không mặn mà với các loại hình âm nhạc truyền thống như ca trù, chèo, xẩm… thì tại sao chị lại theo học đàn tranh và đầu tư nghiêm túc cho loại hình âm nhạc ca trù, xem nó như một nghề nghiệp chính cho mình?

- Việc những người trẻ không quan tâm nhiều đến nghệ thuật truyền thống cũng là vấn đề mà tôi suy nghĩ. Bản thân tôi cũng muốn làm điều gì đó để có thể kéo mọi người đến gần với bộ môn này. Và việc theo học khoa Đàn tranh cũng là một trong những việc mà tôi có thể làm. Đồng thời, hát ca trù nó vừa là trách nhiệm của tôi với gia đình và cũng vừa là niềm đam mê của tôi.

- Điều gì ở bộ môn này có sức mê hoặc đối với chị?

- Ca trù là một bộ môn nghệt thuật khó để biểu diễn nhưng mang tính chất bác học và thính phòng. Lời thơ và kỹ thuật để thể hiện một tác phẩm ca trù cũng rất cuốn hút.

- Theo chị, các yếu tố để tạo nên một tiết mục ca trù thu hút người xem là gì?

- Ngày xưa, Đào Nương biểu diễn ca trù thì gương mặt nhìn thẳng và rất nghiêm trang. Nhưng hiện tại thì ngoài một giọng hát đẹp, đi vào lòng người thì khuôn mặt và thần thái phải hết sức có hồn.

- Bạn bè xung quanh nghĩ gì khi có một cô bạn là “ca nương”?

- Ngay còn nhỏ các bạn đã thường hay trêu chọc vì chê già nhưng càng học lâu thì càng cảm thấy yêu . Và ca trù đã mang đến cho tôi những cơ hội mới, lớn nhất là việc được cộng tác với nhạc sĩ Quốc Trung.

- Khi thoát khỏi hình ảnh truyền thống của một ca nương với tà áo dài, khăn quấn trong các tiết mục ca trù biểu diễn ở nhưng nơi đâm tính chất cổ kính như đình chùa thì chị là người có tính cách như thế nào?

- Tôi còn rất là trẻ, mới 19 tuổi. Tôi cũng hay nghe nhạc nước ngoài, luôn tìm hiểu về thế giới. Mặc dù là thể loại âm nhạc truyền thống nhưng tôi nghĩ khi biểu diễn không nên bó buộc, việc học hỏi là một điều cần thiết, và mình có thể thoải mái sáng tạo. Tuy nhiên, tôi cũng có bị ảnh hưởng một chút trong tư duy, và khá là truyền thống, vì ngay từ nhỏ đã được gia đình dạy dỗ về cách sống đoan trang, hiểu biết nhưng không quá thoáng.

Ngoài đời, Kiều Anh cũng rất hồn nhiên và xì-tin.

- Là một người trẻ khi ngồi chung chiếu với những bậc tiền bối để hát ca trù, cảm giác của chị lúc đó như thế nào?

- Không biết đối với những ca nương khác như thế nào, nhưng tôi chưa bao giờ biểu diễn ca trù mà người đánh trống và gảy đàn là người lạ. Thường đó là ông nội và bác của tôi. Chính vì vậy luôn có sự gắn bó với nhau trong khi biểu diễn và luôn có cảm giác an tâm, biểu diễn tốt hơn.

Kiều Anh khi biểu diễn ca trù.

- Theo chị, vì lý do gì mà nhiều người trẻ không mấy quan tâm đến các loại hình âm nhạc truyền thống, trong đó có ca trù?

- Khi xã hội hội nhập thì người trẻ có nhiều mối quan tâm hơn. Không chỉ âm nhạc thế giới mà âm nhạc trong nước cũng đang phát triển với nhiều thể loại. Nếu tôi không có gia đình theo truyền thống ca trù thì chưa chắc tôi đã yêu ca trù như bây giờ. Vì vậy, tôi nghĩ không phải là các bạn quay lưng với âm nhạc truyền thống mà do chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với nó thôi.

- Có phải đó lý do gì khiến chị tham gia cuộc thi "Vietnam's Got Talent" năm nay?

- Đúng vậy. Tôi muốn thông qua cuộc thi giới thiệu cho mọi người nhiều hơn về loại hình nghệ thuật này. Đồng thời tôi cũng muốn thể hiện niềm đam mê, và được giao lưu và học hỏi với mọi người.

- Chị có thế mạnh là ca trù nhưng lại thể hiện một bài hát theo phong cách world music (thể loại nhạc kết hợp nhiều dòng nhạc khác nhau trong cùng một ca khúc) trong vòng bán kết. Chị có thấy đây là một sự mạo hiểm không, khi mà thể loại này còn quá mới mẻ với khán giả xem truyền hình?

- Tôi cũng thấy đó là một việc mạo hiểm, nhưng ở vòng loại tôi đã biểu diễn một tiết mục ca trù rồi nên tôi muốn làm mới bản thân mình hơn ở thể loại world music.

- Kế hoạch của chị sau "Vietnam’s Got Talent" như thế nào?

- Tôi sẽ tiếp tục việc học ở trường để có thể phát triển thêm những kỹ năng và kỹ thuật biểu diễn ca trù. Đồng thời tham gia biểu diễn nhiều hơn để có thể giới thiệu cho nhiều người biết về loại hình biểu diễn ca trù.

Họ và tên: Nguyễn Kiều Anh

 

Ngày sinh: 30/09/1994

- Đại học 1- Đàn tranh - Khoa Nhạc cụ truyền thống - Học viện âm nhạc Quốc gia

- Giải A Liên hoan dân ca toàn quốc

- Giải Vàng liên hoan ca trù toàn quốc

- Nhiều giải vàng các liên hoan văn nghệ thành phố Hà Nội - Từng đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới: Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Italia, Trung Quốc...

 Theo Tiin

 Theo Tiin

Bạn có thể quan tâm