Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trò đùa tai hại của những bạn trẻ xốc nổi

Nhiều trò đùa của những bạn trẻ tưởng chừng như vô hại nhưng đã để lại những hậu quả nặng nề.

Chế ảnh

Hiện nay, chế ảnh là trào lưu được cộng đồng mạng quan tâm nhất. Tuy nhiên, dường như những câu chuyện hài hước, hay những câu nói xuất thần không còn được ưa chuộng để chế ảnh như trước nữa mà thay vào đó, cộng đồng mạng bắt đầu tìm kiếm thêm những nhân vật ngoài đời thực để làm nội dung cho những tác phẩm của mình.

Phồng Tôm là một trong những nhân vật vẫn được cư dân mạng gọi là "thánh phồng". Nhân vật này trên thực tế được dân mạng biến tấu ra từ bức ảnh của Phạm Minh Phú khi còn bị tạm giữ ở cơ quan công an vì tội trộm tài sản.

Ban đầu chỉ là những bức ảnh chế vui và bản thân Phú cũng nghĩ như vậy. Nhưng trên thực chuyện ngày càng ảnh hưởng xấu tới chính bản thân và gia đình chàng trai này.

Đặc biệt, đầu tháng 7 vừa qua nữ sinh (tên N.T.T.L) của trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Hà Nội đã uống thuốc cỏ tự tử vì bị bạn cùng lớp chế ảnh rồi up lên mạng xã hội. Sự việc này sẽ không có gì quá to tát nếu như bạn nam kia không ghép ảnh của nữ sinh này vào một tấm ảnh cô gái mặc áo cổ rộng. Bạn bè trên mạng xã hội đã không những không thông cảm với L còn vào trêu và đá đểu cô. Bức xúc vì nghĩ mình bị xúc phạm, nữ sinh này đã uống thuốc diệt cỏ quên sinh gây ra sự bàng hoàng cho nhà trường và gia đình.

Một hành động tưởng chừng như vô hại nhưng đã lấy đi một mạng người, khiến cha mẹ L đau đớn. Chua xót hơn, sự việc này lại xảy ra đúng vào thời điểm L chuẩn bị thi đại học. Ngưỡng cửa cuộc đời L chuẩn bị mở ra thì liền bị đóng sập vĩnh viễn chỉ bởi một trò đùa của bạn bè.

Nói xấu trên mạng xã hội

Mạng xã hội là nơi để mọi người giao lưu, liên lạc với nhau, nhưng nhiều teen đã biến đây thành công cụ để làm màu. Thậm chí, nhiều bạn còn dùng tài khoản cá nhân của mình để nói xấu người khác. Quy mô hơn, nhiều người còn lập hẳn những trang chuyên đi bôi xấu, hạ nhục... bất kỳ ai.

Những trò đùa tai hại của bạn trẻ sốc nổi

Những trang như thế này rất dễ đẩy nhân vật chính nghĩ quẩn.

Trào lưu lập page anti cũng nở rộ thời gian qua, mang lại nhiều hệ lụy xấu. Trong cuộc sống, không ít bạn trẻ có lối sống chưa tốt, chưa chuẩn mực nhưng việc lập page anti để bôi xấu, chế ảnh, bịa chuyện rồi hạ nhục lại càng phản cảm hơn. Độ lan tỏa của mạng xã hội ngày càng rộng rãi, nên nếu tâm lý không vững vàng, những bạn bị lập page anti dễ nghĩ quẩn mà chán nản, tự tử, bỏ học...

Mới đây, dư luận xã hội rúng động bởi vụ một nữ sinh Đà Nẵng uống thuốc ngủ an thần để tự tử vì bị nói xấu trên trang “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành”. Tuy vậy, may mắn là gia đình đã kịp phát hiện và đưa bạn nữ sinh này đi cấp cứu. Vụ việc dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho trào lưu lập page anti, nói xấu nhau trên mạng xã hội. Ở lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý chưa ổn đỉnh, các bạn trẻ rất dễ nghĩ quẩn. Chính vì thế những page anti, nói xấu như thế này sẽ trở thành mối hiểm họa khôn lường nếu không ngăn chặn kịp thời.

Sự việc tạm thời lắng xuống khi những admin của page anti này bị cơ quan công an xử lí. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những bạn teen trót dùng mạng xã hội để bôi xấu người khác.

Dùng điện thoại để khủng bố

Điện thoại ngày càng trở thành một phương tiện liên lạc không thể thiếu và nhiều teen bây giờ đã được bố mẹ trang bị cho những chiếc điện thoại đắt tiền ngay từ lớp 6, lớp 7.

Thời gian vừa qua, truyền thông trong nước cũng liên tục đề cập đến một vụ việc gây xôn xao dư luận. Đó là việc ngày 31/7, công an thành phố Cần Thơ đã phạt cảnh cáo Lê Phạm Hướng Dương, SN 1992 vì hành vi gọi gần 500 cuộc đến trung tâm 113 để quấy rối, thóa mạ lực lượng chức năng trong 5 ngày.

Bên cạnh đó, Dương còn dùng nhiều thuê bao khác nhau để gọi đến quấy rối các đường dây nóng 114, 115. Hành vi này khiến các đường dây nóng tại Cần Thơ luôn trong trạng thái bận, làm cơ quan chức năng không thể xử lý được các vụ việc nóng trên địa bàn.

Ngoài ra nhiều teen còn rất thiếu ý thức trong việc dùng diện thoại khi gọi đến các tổng đài tư vấn của các nhà mạng chi để… trêu tư vấn viên. Chưa hết, giới trẻ còn lợi dụng điện thoại trở thành công cụ để khủng bố lẫn nhau. Từ các hình thức như nháy máy, gọi điện lúc nửa đêm hay nhắn tin tục tĩu… tất cả đều là những hành động thiếu văn hóa. Lý do của các hành động này đôi khi chỉ là vì "rảnh rỗi sinh nông nổi", nhưng nó đã vô tình làm tác động đến cuộc sống và sinh hoạt của nhiều người.

Trêu đùa trên khuyết điểm của người khác

Trước đây, trên các diễn đàn Việt Nam bắt đầu xuất hiện những bức ảnh chụp lại khoảnh khắc đùa nghịch của một teen girl. Một hình ảnh bình thường nhưng chỉ vì cô gái này có ngoại hình không ưa nhìn nên đã bị dân mạng bỡn cợt, trêu đùa và gắn cho mác “Hot girl Thắm Tây”, cùng nhiều biệt danh khác như “gái chảnh Hà thành”, “dân chơi Phú Thọ”….

Sự việc này sẽ không có gì nếu như cô bạn kia không có chút khiếm khuyết về nhan sắc. Nhưng cộng đồng mạng lại vin vào cái cớ đó để lôi cô bạn này ra làm trò đùa suốt 4 năm trời. Sự thật cô bạn này tên Ngọc Anh và không hề có nickname nào là Thắm Tây như cư dân mạng gán ghép. Giữa năm 2012, Ngọc Anh đã lên mạng và viết một bức tâm thư đầy xót xa thì trò đùa này mới tạm ngừng.

Ngoài trường hợp Thắm Tây có thể kể đến nhiều điển hình khác trở thành nạn nhân của cộng động mạng Việt Nam chỉ bởi họ có khiếm khuyết về nhan sắc. Tiêu biểu phải kể đến Happy Polla, một 9X người Thái Lan và cô gái được dân mạng phong là “Hot girl Big C”. Đây đều là 2 trường hợp trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của những trò đùa ác.

Những trò đùa tai hại của bạn trẻ sốc nổi

Happy Polla và câu chuyện về sự vô cảm, thiếu ý thức của cộng đồng mạng Việt.

Khuyết điểm của người này vô tình lại trở thành niềm vui của người khác, thật chua xót và mỉa mai. Những trò đùa này đã phần nào thể hiện trình độ văn hóa, sự bồng bột và vô cảm của một bộ phận các bạn trẻ.

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm