Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Thu Trang, khoa A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cảnh báo có 10-15% thai kỳ của phụ nữ có trở kháng động mạch tử cung cao. Tuy nhiên, bệnh lý này còn khá mới mẻ đối với các bà bầu nên không được quan tâm đúng mức, dẫn tới nhiều hệ lụy.
Chuyên gia giải thích trong suốt quá trình mang thai ở người mẹ, hợp bào nuôi có hai lần gặm thành mạch tử cung để làm rỗng thành động mạch tử cung để máu cung cấp đến con nhiều hơn.
Thời điểm đầu tiên kết thúc trước 18 tuần, thời điểm hai kết thúc trước 25 tuần. Tuy nhiên, vì lý do nào đấy tế bào lá nuôi không hoàn thành tốt được nhiệm vụ này, làm tăng trở kháng động mạch tử cung.
“Khi thai phụ bị trở kháng động mạch tử cung cao, em bé trong bụng sẽ rơi vào tình trạng nhận được ít máu từ mẹ, chậm phát triển trong tử cung, bao gồm chậm cân, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể mất tim thai”, thạc sĩ Trang cảnh báo.
Những thai phụ mắc các bệnh lý như tiền sản giật cũng sẽ làm tăng trở kháng động mạch tử cung.
10-15% thai kỳ của phụ nữ có trở kháng động mạch tử cung cao. Ảnh: Girlstalkinsmack.
|
Theo thạc sĩ Trang, trở kháng động mạch tử cung cao tác động rất nhiều đến thai nhi nhưng việc phát hiện thường bị bỏ qua. Bệnh lý này chỉ được phát hiện khi bà bầu thực hiện việc thăm khám, siêu âm theo chỉ định bác sĩ và đòi hỏi người khám phải cẩn thận, chi tiết.
Khi thai nhi được 25 tuần, bệnh lý mới có thể được kết luận rõ ràng, những dấu hiệu ở các tuần sớm hơn chỉ là gợi ý. Khi phát hiện kịp thời, bác sĩ sẽ kê thuốc để cải thiện tình hình. Động mạch tử cung cao có thể được kiểm soát tốt sau 28 tuần.
“Nếu sau thời gian này, bệnh vẫn không khỏi, thai phụ phải lưu tâm đến cân nặng và sự phát triển của con rất nhiều để bé không gặp nguy hiểm và bản thân bị đẻ non, tiền sản giật. Thai phụ có thể bị trở kháng động mạch tử cung cao ở một hoặc hai bên tử cung hoặc đồng thời cả hai. Nếu xảy ra ở cả hai bên với dấu hiệu Notch, đây là biểu hiện bệnh lý rất nguy hiểm", thạc sĩ Trang lưu ý.