Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trò mắc lỗi có nên phạt tiền?

Trong không khí rộn ràng những ngày cuối năm học, trường tôi đang tồn tại một thực trạng tréo ngoe đến buồn cười.

Nhiều lớp đang "cháy" tiền liên hoan cuối năm phải huy động học sinh đóng góp, trong khi đó các lớp khác lại "rủng rỉnh" tiền quỹ lớp lên đến một, hai triệu đồng.

Hỏi ra mới biết, quỹ lớp "giàu có" là do giáo viên chủ nhiệm sử dụng hình thức phạt tiền học sinh vi phạm. Cứ hễ vi phạm nội quy, quy đổi thành tiền và nộp phạt là xong.

Nhớ lại tuổi học trò của mình, tôi may mắn đến trường trong sự hồn nhiên, vô tư với tình cảm thầy trò đầy trân quý. Những người thầy đáng kính của tôi dốc lòng dạy dỗ học sinh, nhiệt tâm uốn nắn thế hệ măng non bằng chính tấm gương sáng mẫu mực của mình. Tuyệt nhiên chưa hề tồn tại phương pháp giáo dục phạt tiền học sinh vi phạm.

Tôi vẫn nhớ như in việc thầy cô dùng tiền của mình mua kẹo thưởng cho các bạn mỗi kỳ ôn thi tốt nghiệp. Đề cương đã có, mỗi buổi thầy cô đều gọi lên bảng trả bài và thưởng kẹo.

Những viên kẹo ngọt đầy cám dỗ ấy đã biến thành động lực để các bạn siêng năng ôn bài. Sau những viên kẹo động viên ấy là những thế hệ học trò thi đỗ tốt nghiệp, vươn cánh bay xa. Để rồi mỗi khi nhớ về thầy cô, lòng chúng tôi vẹn nguyên sự tri ân vô bờ bến.

Giả sử ngày xưa ấy, thầy cô phạt chúng tôi không phải bằng thước kẻ, phạt đứng góc lớp, phạt lao động công ích mà bằng tiền thì có lẽ niềm tôn kính trong chúng tôi về thầy cũ chẳng thể nguyên vẹn như bây giờ. Bởi đơn giản khi dính dáng đến đồng tiền, mối quan hệ thầy trò đã có phần phai nhạt sự tôn nghiêm và lòng ngưỡng mộ.

Cứ hễ áp dụng hình thức phạt tiền, vi phạm là phạt tiền, có lỗi là phạt tiền e rằng quá khắt khe. Giáo dục con người phải là một quá trình đòi hỏi sự nhận thức cái đúng, cái sai và ý thức sửa chữa lỗi lầm. Thầy cô phải là những nhà sư phạm dùng các phương pháp giáo dục học sinh để uốn nắn các em hướng về chân - thiện - mỹ.

Nhà giáo không phải là người cảnh sát cứ hễ trò sai phạm là "thổi còi" và ghi tên vào sổ, cuối tuần nộp phạt. Bởi sau đó, học sinh có nhận thức được lỗi lầm của mình để khắc phục sửa chữa hay không? Điều này rất khó thành hiện thực khi mà học sinh sẽ không nhận thức được hành động của mình là sai trái. Và đối với những học sinh "cá biệt", đôi khi mức phạt vài chục nghìn sẽ là cái giá rẻ như bèo nên dễ dàng vi phạm, hí hửng nộp phạt.

Khi chúng ta phạt học sinh bằng tiền, thầy cô đã tình gieo vào đầu các em sự ảo tưởng về sức mạnh của đồng tiền cùng tư tưởng mọi việc đều dùng đồng tiền để giải quyết thì sẽ cực kỳ nguy hại.

Giáo viên chửi học viên là 'con lợn' vì không chịu nộp phạt 100 nghìn Giáo viên tiếng Anh yêu cầu đóng phạt 100 nghìn đồng, học viên không chấp nhận nên hai người cãi nhau. Cô giáo xưng "mày tao", chửi học viên là "đồ con lợn".

Giáo dục không phải cái chợ mà kinh doanh kiểu 'bún mắng, cháo chửi'

Theo nhiều chuyên gia, phạt tiền, chửi bới trong lớp học thể hiện sự thiếu giáo dục. Học viên cần cảnh giác với những trung tâm núp bóng, dạy "chui", hoạt động bát nháo.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tro-mac-loi-co-nen-phat-tien-20180525145859993.htm

Theo Trang Nguyễn / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm