Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tro tàn rực rỡ' khắc họa sắc màu bình dị của miền Tây

Dựa trên nguyên tác “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về”, phim điện ảnh “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tái hiện miền Tây sông nước một cách đặc sắc.

Vị đạo diễn người Hà Nội cho rằng bộ phim chỉ thực sự sống động khi chứa đựng được tinh thần của vùng đất mà nó muốn kể. Ông đã về Cà Mau nhiều lần trước khi viết kịch bản. Những chuyến đi đó giúp hiểu rõ về đất và người nơi đây, trực tiếp cảm nhận những khó khăn mà họ phải đối mặt. Về giai đoạn này, họa sĩ Lê Văn Thanh chia sẻ: “Khó khăn do khách quan hay chủ quan đủ cả, nhưng rồi tất cả cũng qua”.

Cảnh sắc miền Tây bình dị, đầy chất thơ

Nhắc đến cảnh miền Tây trong phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận định cả ê-kíp, gồm họa sĩ thiết kế và cả tổ quay phim cũng như các diễn viên, đã hợp tác để mang một miền Tây từ đời thực, qua trang sách, lên màn ảnh. Họ đã đi thực tế ở miền Tây hàng tháng trời mà theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là để sống như những người nông dân thực sự.

Tro tan ruc ro anh 1

Tro tàn rực rỡ khởi chiếu từ 2/12.

Phương Anh Đào (vai Nhàn) sinh ra ở Gành Hào, Bạc Liêu và chính là con gái miền Tây thực thụ, cả về cốt cách và giọng nói đều đạt, chỉ phải học thêm may vá, bếp núc.

Còn Bảo Ngọc Doling (vai Hậu) được chọn từ năm 13 tuổi, đến năm 18 tuổi mới chính thức được tham gia vào dự án. Nữ diễn viên mang hai dòng máu Anh - Việt phải luyện tập để nhập vai, học bơi, chèo ghe, đi xuồng máy, chẻ củi, ép chuối khô như dân bản xứ.

Tro tan ruc ro anh 2

Khung cảnh đậm chất miền tây trong Tro tàn rực rỡ.

Đối với những ngôi nhà phục vụ cho cảnh cháy là điểm nhấn của phim, ê-kíp tham khảo, lấy cảm hứng chính từ không gian nhà người miền Tây. Bên cạnh đó, cách dựng nhà của Nhàn - Tam còn chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Chăm và Khmer. Nhà có sàn cao để tránh lũ, thoáng mát, dựng bằng nhiều cột, cọc từ cây tràm hoặc bạch đàn, kết hợp với ván gỗ tương đối vững chắc. Nhà thường hướng ra sông, bởi cách thức đi lại của bà con phần lớn dựa vào hệ thống kênh, sông, luồng, rạch chằng chịt.

Chùa Thổ Sầu nơi diễn ra tuyến truyện của Loan (NSƯT Hạnh Thúy) và Khang (Thạch Kim Long) cũng được ê-kíp dựng lại trên một khu đất trống, với gỗ, ngói, các phần thiết kế mộc và cây cối được lấy từ TP.HCM, Gia Lai… mang về mà ghép lại theo kịch bản gốc.

Hình tượng sư thầy vô danh (Mai Thế Hiệp) ở chùa được đưa lên phim khá sát nguyên tác và thực tế. Ngoài đời, dưới miền Tây, cũng không khó để gặp một ông thầy “lâu lâu hứng chí quá uống chút rượu” như vậy.

Tro tan ruc ro anh 3

Chùa Thổ Sầu được đoàn phim dựng lại từ một khu đất trống.

Con người miền Tây mộc mạc, chất phác

Nhân vật Tam (Quang Tuấn) là vai có diễn biến tâm lý phức tạp do rối loạn sau sang chấn, trở thành kẻ nghiện xem lửa cháy. Để diễn tốt, Quang Tuấn tới lò hầm than, học nghề làm than củi của người Cà Mau. Nghề này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Không có nơi nào trên nước ta sản xuất nhiều than củi như tại Cà Mau.

Riêng những cảnh của nhân vật Dương (Lê Công Hoàng) có lẽ là mạo hiểm nhất, vì đánh đổi sức khỏe của cả đoàn làm phim khi phải lênh đênh giữa biển. Tuy nhiên, thành quả đạt được là xứng đáng, lưu giữ lại những cảnh đóng đáy hàng khơi ngoài Gành Hào, một nghề đánh cược tính mạng với thủy thần.

Đóng đáy hàng khơi có sự khác biệt rất lớn với đóng đáy hàng bè và hàng cặm trên sông, nguy hiểm hơn vì giăng lưới, dựng chòi xa đất liền hàng chục km để đón những luồng cá tép ngoài biển.

Tro tan ruc ro anh 4

Nghề đóng đáy hàng khơi được tái hiện chân thật trên phim.

Cuối cùng, cảnh rước dâu bằng xuồng máy là một trong những cảnh đặc sắc nhất của phim. Khán giả có quê quán miền sông nước sẽ cảm thấy quen thuộc. Ở miền Tây, nhiều nơi xe bốn bánh không thể đi qua, đến tận ngày nay vẫn vậy do hệ thống kênh rạch chằng chịt, chỉ có các loại xuồng ghe nhỏ (còn gọi là vỏ lãi hay tắc ráng) mới vào được.

Tro tan ruc ro anh 5

Cảnh rước dâu bằng xuồng máy mang đến sự thân thuộc.

Vùng đất cực Nam nước ta bước lên màn ảnh rộng qua nỗ lực của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, họa sĩ thiết kế Lê Văn Thanh cũng như ống kính của đạo diễn hình ảnh Nguyễn K’Linh được tham khảo từ nhiều tư liệu văn hóa quý giá, giữ đúng cái tinh thần nguyên tác của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Tro tàn rực rỡ đã tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế và để lại ấn tượng tốt. Cụ thể, phim được vinh danh ở hạng mục chính của LHP Tokyo lần thứ 35, thắng giải cao nhất của Liên hoan phim quốc tế 3 châu lục (Montgolfière d'Or - Khinh khí cầu vàng) tại Pháp, được các giám khảo đánh giá là “lung linh” và “đầy chất thơ”.

Thái Trà

Bạn có thể quan tâm