Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trở về sau 21 năm bị bán sang Trung Quốc

Sau 21 năm làm vợ ở Trung Quốc, bà Thương đã mang theo cả 4 người con trở về. Nhiều tháng trôi qua, họ phải sống như những người vô danh vì không có hộ khẩu, hộ tịch.

Xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã làm các thủ tục cần thiết để khôi phục tên tuổi cho bà Tô Thị Thương (43 tuổi, ngụ xã Đông Lĩnh), người mất tích hơn 20 năm trước bỗng trở về địa phương vào ngày 7/9 vừa qua. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không biết xử lý thế nào khi bà Thương trở về cùng 4 người con không tên tuổi, không giấy tờ tùy thân.

Khổ cực, đắng cay

Mỗi khi có ai hỏi đến chuyện bị lừa bán sang Trung Quốc làm dâu, nước mắt bà Thương lại chực trào trên khuôn mặt già nua, khắc khổ. Sau 21 năm biền biệt nơi xứ người, bỗng dưng một ngày, bà bất ngờ trở về cùng 4 người con làm cho cả gia đình và xóm làng sửng sốt.

Năm 1995, lúc đó mới 22 tuổi, nghe lời bạn rủ ra Lạng Sơn hái chè thuê, do cuộc sống khó khăn nên bà Thương đã đồng ý. Cứ tưởng sẽ kiếm được một công việc để có tiền phụ giúp gia đình nhưng khi ra đến cửa khẩu, bà Thương đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông tên Sèng (dân tộc Hán) ở khu vực miền núi heo hút thuộc tỉnh Quảng Đông.

Do bất đồng ngôn ngữ, lại bị gia đình chồng quản thúc nên những năm tháng làm dâu “chui” ở xứ người là những tủi nhục, đắng cay.

Bi lua ban sang Trung Quoc anh 1
Bà Tô Thị Thương và con gái thứ hai.

“Chồng tôi trước đó đã có 2 vợ nhưng bỏ đi hết. Vì vậy, khi tôi về làm dâu thì bị chồng và gia đình quản thúc rất chặt. Nếu không vừa ý, họ đánh đập tôi thậm tệ”, bà Thương nhớ lại.

Do bị bán nên bà Thương không có giấy tờ tùy thân, lấy chồng không hôn thú, không được nhập quốc tịch nên phải sống chui lủi, khổ cực. Dù có con với người đàn ông Trung Quốc nhưng bà Thương không thể quên được quê nhà và mong muốn một ngày được trở về.

“Năm 1996, khi sinh đứa đầu tiên được mấy tháng, một đêm tôi ôm con bỏ trốn nhưng ra đến bến xe thì bị người nhà chồng bắt về. Năm 1999, tôi trốn một lần nữa nhưng cũng bất thành. Chồng đã chết cách đây 8 năm, tôi lúc nào cũng ấp ủ dự định trở về quê nhà nhưng nếu đi một mình để lại 4 đứa con bơ vơ thì không an lòng nên quyết tâm dẫn chúng cùng trốn về nước”, bà Thương kể.

Dù chồng đã chết nhưng lúc nào bà Thương cũng có người (là anh em bên chồng) theo dõi nên để về nước, 5 mẹ con phải bỏ trốn trong đêm. Họ đi bộ hơn 30 km đường rừng, sau đó bắt xe đến huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây rồi vượt biên bằng thuyền về nhà.

Muốn được ở lại quê hương

Bà Thương trở về khiến họ hàng, hàng xóm vui mừng nhưng họ bất ngờ là 4 người con. Trở về nước nhiều tháng nay, bà Thương lúc nào cũng sống trong lo âu do 5 mẹ con đều không hộ khẩu, hộ tịch.

Hiện, 5 mẹ con bà Thương đang ở nhờ trong ngôi nhà của người em trai đi làm ăn xa để không, việc sinh hoạt được họ hàng và chòm xóm giúp đỡ.

“Cuộc sống bên đó khổ lắm, thương các con nên tôi đã tìm cách đưa chúng về quê hương. Hiện tôi đã làm đơn xin khôi phục lại hộ khẩu và nhập quốc tịch cho các con để chúng có tên tuổi, danh phận”, bà Thương chia sẻ.

Ông Lê Đình Quang, Phó trưởng Công an xã Đông Lĩnh, cho biết ngày 7/9, địa phương nhận được thông tin bà Thương trở về cùng với 4 người con sau 21 năm mất tích.

“Sau khi nắm bắt tình hình, chúng tôi được biết bà Thương bị lừa bán qua Trung Quốc làm vợ từ năm 1995. Bốn người đi cùng, bà Thương khai là con của mình với người đàn ông Trung Quốc. Các cháu đều đã lớn, từ 12 đến 20 tuổi”, ông Quang thông tin.

Cũng theo ông Quang, đây là vấn đề rất nhạy cảm, cần xác minh cụ thể vì muốn nhập quốc tịch không đơn giản, chưa nói đến việc những người con của bà Thương không có giấy tờ gì, trong đó 2 người trên 18 tuổi.

“Việc này ngoài tầm của địa phương nên chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên. Hiện nay, công an thành phố cũng đã nhiều lần cử người về xác minh thêm thông tin để đưa ra hướng xử lý. Trước mắt, xã đã yêu cầu thôn, xóm quan tâm, hỗ trợ gia đình bà Thương phần nào để họ ổn định cuộc sống”, ông Quang nói.

Do không biết tiếng Việt nên cả 4 người con của bà Thương không dám đi đâu, làm gì, nhiều tháng qua chỉ quanh quẩn ở nhà. Bà con, hàng xóm nhận xét 4 người con của bà Thương rất ngoan và hiền lành.

“Chúng tôi thương chị lắm…”

Ông Tô Đình Nghĩa, em của bà Thương, đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng xin nhập khẩu cho chị và 4 cháu vào nhà mình. Trong đó, tên các con của bà Thương được đặt là: Tô Bình, Tô Lan, Tô Thìn và Tô Hà.

“Chúng tôi thương chị lắm, bao nhiêu năm sống khổ cực ở xứ người nên muốn chị được ở gần để anh em đoàn tụ”, ông Nghĩa bộc bạch.


http://nld.com.vn/phap-luat/tro-ve-sau-21-nam-bi-ban-sang-trung-quoc-20161130212127383.htm

Theo Thanh Tuấn/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm