Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trời rét đậm, nhiều trẻ em và người cao tuổi phải nhập viện

Tại Hà Nội, số lượng trẻ em và người già phải nhập viện điều trị nội trú tăng lên trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), cơ sở này đang điều trị cho 1.864 bệnh nhân nội trú. Trong khi đó, lượng bệnh nhân nội trú tại các trung tâm hầu hết đạt xấp xỉ 100%, thậm chí vượt số giường thực kê.

Đáng chú ý, các bác sĩ đánh giá lượng bệnh nhi đến khám ngoại trú những ngày qua tại Bệnh viện Nhi Trung ương có xu hướng giảm, tuy nhiên, bệnh nhân nặng phải nội trú lại tăng.

Tại khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội), những ngày qua, các bác sĩ tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng khoảng 100-150% so với ngày thường.

nhap vien do troi ret anh 1

Số lượng bệnh nhân nhập viện trong những ngày lạnh tăng cao. Ảnh: Quốc Toàn.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, cho biết: "Thông thường, chúng tôi tiếp nhận trung bình 30-40 bệnh nhân mỗi ngày. Tuy nhiên, trong những ngày rét đậm, con số này lên tới 50-60 người. Phần lớn bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, ho đờm, tăng huyết áp, nói ngọng, thậm chí liệt nửa người, hôn mê...".

Những căn bệnh phổ biến nhất khiến bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu trong thời gian này liên quan đường hô hấp gồm viêm phổi, hen, viêm phế quản, đợt cấp của bệnh phổi mạn tính, phổi tắc nghẽn... Đặc biệt, các căn bệnh nguy hiểm cũng thường xuyên xảy ra như tăng huyết áp, đột quỵ.

Bác sĩ Cường đánh giá đây là thời điểm lượng bệnh nhân nhập viện liên tục và nhiều nhất trong năm. Do đó, bệnh viện phải lên kế hoạch sẵn sàng, nhanh chóng phân loại, đưa người nguy kịch tới các phòng chăm sóc đặc biệt, cấp cứu kịp thời và đảm bảo bệnh nhân không bị nhiễm lạnh trong quá trình điều trị.

"Đợt rét lần này khắc nghiệt hơn những năm trước do nhiệt độ xuống thấp, ngày lạnh kéo dài, dẫn đến số lượng bệnh nhân cũng đông hơn. Bệnh nhân nặng nhập viện cũng tăng lên đáng kể khi chúng tôi liên tục phải sử dụng phòng ICU, thở máy tại khu vực cấp cứu và hồi sức tích cực", bác sĩ Cường nhận định.

Theo Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi khiến người dân dễ mắc các căn bệnh trên.

"Khi thời tiết quá lạnh, người mắc bệnh mạn tính đang phải điều trị thuốc hàng ngày có thể do chủ quan mà trì hoãn việc tới bệnh viện mua và uống thuốc, khám định kỳ. Đây là nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng bệnh cấp tính với người mắc bệnh hô hấp, tim mạch", chuyên gia này nhận định.

Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt đối với sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đảm bảo ấm phần đầu, mặt, cổ, chân, tránh ra ngoài trời làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, dậy sớm hay thức khuya.

Ngoài ra, các gia đình nên giữ môi trường trong nhà ấm, hạn chế gió lùa nhưng đủ thông thoáng, sạch sẽ. Môi trường ẩm thấp có thể sinh ra nhiều vi khuẩn, virus dẫn đến các bệnh lý liên quan đường hô hấp.

Đặc biệt, người mắc bệnh mạn tính cần duy trì uống thuốc đầy đủ và đúng giờ. Việc trì hoãn hay dùng sai liều lượng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Nếu có bất thường trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân nên nhờ sự tư vấn từ nhân viên y tế và cơ sở khám, chữa bệnh uy tín.

3 điều cần lưu ý khi tắm vào ngày rét đậm

Vào mùa rét, sáng sớm, tối muộn là hai thời điểm không nên tắm bởi dễ gây cảm lạnh và nguy hiểm cho chúng ta.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm