Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trộm áo dài... tặng cô giáo

Cô Tuyết gặp cảnh éo le khi phải lên UBND xã bảo lãnh cho học trò mình vì tội ăn trộm. Chuyện xảy ra vào sau ngày 20/11.

Theo lời công an xã, cô học sinh M. khi đến một gia đình gần nhà đã không kiềm chế nên lấy một cuộn vải may áo dài, sau đó gói lại cẩn thận mang tặng cô giáo. Lúc đó, cô Tuyết gần như chết lặng vì món đồ ăn trộm này M. mang tặng mình.

Cô lo sợ mọi người nghĩ chính mình xúi giục học trò trộm đồ.

Hỏi tại sao làm vậy, em giải thích: “Sắp đến ngày nhà giáo con không có tiền mua quà tặng cho má, thấy gia đình người ta giàu có với rất nhiều vải may quần áo, con nghĩ bụng lấy một cuộn nhỏ chắc không sao, mong mang đến cho má niềm vui thì bây giờ lại làm má khó xử và xấu hổ. Con xin lỗi má, con xin lỗi".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tiếng sụt sùi rồi nức nở làm cả cô lẫn trò ôm lấy nhau nghẹn ngào. Ba mẹ ly dị, em sống cùng ba. Ba lấy vợ mới, mối quan hệ giữa ba - mẹ kế - M. trở nên khập khiễng, không khí gia đình nhạt nhòa, lạnh lẽo.

Vì thế, bên cô chủ nhiệm em như cảm nhận được tình thương của một người mẹ, luôn chở che, ủi an em, chia sẻ niềm vui và bao sự háo hức trong cuộc sống, vì thế trên tình cảm cô - trò nảy sinh thêm sợi dây liên kết mẹ - con.

Trước áp lực của gia đình bị mất đồ yêu cầu phải xử lý nghiêm hành vi của học trò và thông báo cho mọi người biết để đề phòng, cô đã mạnh mẽ bước ra trước mọi người để bảo vệ em.

Cô hỏi tất cả mọi người xem ai chưa từng phạm phải một sai lầm nào, ai tự vỗ ngực nói mình trong sạch, tại sao có thể lên án gay gắt như vậy với một học sinh lớp 8 thiếu thốn tình thương, thiếu bệ đỡ gia đình.

Câu chuyện đã xảy ra gần 35 năm, cô Tuyết đã không chỉ dạy M. mà còn dạy con gái và cả cháu ngoại của M. (năm nay đã học lớp 6).

Có tâm niệm mà cô rút ra được khi còn trẻ từ một câu chuyện của người Do Thái thế này: Khi các bậc trưởng lão trong dân dẫn đến trước mặt ông Jesus một người phụ nữ đang phạm tội ngoại tình, họ nói rằng phải phạt bằng hình thức ném đá đến chết.

Họ hỏi: “Ông nghĩ sao?”, ông Jesus không nói gì mà chỉ cầm que viết viết trên đất. Họ sốt ruột gặng hỏi phải xử trí thế nào. Ngẩng đầu lên từ tốn, Jesus trả lời bằng một câu hỏi: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Nghe vậy, họ bỏ đi hết. Khi chỉ còn người đàn bà, ông Jesus nói: “Tôi cũng không kết án chị đâu, chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Với mỗi người thầy người cô trong cuộc đời dạy học, sống với môi trường giáo dục đều gặp rất nhiều tình huống dở khóc dở cười cùng những kinh nghiệm quý báu đã tích lũy để dựng xây thêm nhiều thế hệ học trò tốt, nhưng cũng không thiếu bài học cay đắng với nhiều hạn chế, thiếu sót, sai lầm trong nghiệp vụ, trong ứng xử, trong cách tiếp cận.

Song trong giáo dục nên và phải dùng những phương thế khác nhau để đưa học sinh vi phạm đến chỗ ăn năn, hối lỗi và hướng dẫn các em tu dưỡng các đức tính tốt.

Đồng thời phải nói cho các em biết tư tưởng, suy nghĩ hay hành động đã phạm lỗi là không tốt và hơn hết, mọi giáo viên dành chỗ cho sự thương yêu, bao dung, độ lượng nhằm tạo điều kiện cho sự hoán cải chứ không bêu xấu

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/cau-chuyen-giao-duc/20150318/trom-ao-dai-tang-co-giao/722021.html

Theo Nguyễn Minh Thanh/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm