Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trộm lộng hành ở Sài Gòn, công an gặp khó

Hàng loạt các biệt thự, khu nhà giàu bị trộm đang gây bức xúc cho người dân và đau đầu lực lượng công an. Nhiều vụ trộm tài sản có giá trị lớn đến nay vẫn điều tra chưa có kết quả.

Anh Nguyễn Cường (làm ở một tờ báo điện tử tại TP HCM) có nhà trong hẻm số 140 đường Lê Đức Thọ (phường 6, quận Gò Vấp) vừa mất một chiếc xe gắn máy mà chính anh cũng không tin trộm liều lĩnh đến thế.

Trộm lộng hành giữa ban ngày

Anh Cường kể, trưa 27 Tết, anh vào bệnh viện thăm người thân. Đến khoảng 17h người đàn ông này quay về để lấy đồ mang vào bệnh viện lại. Dựng chiếc xe Future trước cửa, anh nghĩ vào rồi quay ra nên chỉ khóa cổ mà không khóa đĩa như thói quen. Chỉ 1 phút sau, anh quay ra thì hoảng hốt khi phương tiện đã biến mất.

Nhiều biệt thự có camera an ninh hiện đại và tường rào kiên cố vẫn bị trộm đột nhập dễ dàng.

Ảnh: C.Tâm

Anh Cường cho biết thêm, trước đó 2 ngày, hộ dân cách nhà anh vài mét cũng bị mất chiếc xe SH 150. Khi đó anh còn dặn dò bà con trong khu phố cẩn thận, nhưng không ngờ mình cũng là nạn nhân của dân trộm gây án chớp nhoáng.

Không chỉ dân “đá xế” gây án nhanh, gọn lẹ mà dân trộm nhập nha cũng táo tợn ngay giữa ban ngày. Trước Tết một tuần, những người dân trong hẻm số 89, đường số 49, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức xôn xao khi 2 hộ liền kề bị trộm phá cửa đột nhập vào nhà giữa ban ngày.

Liên tiếp những vụ trộm tại các khu nhà giàu Sài Gòn

Theo báo cáo của công an, trong 9 ngày nghỉ Tết, trên địa bàn TP HCM xảy ra 36 vụ trộm tài sản. Nhiều người dân ở các khu biệt thự báo bị trộm tài sản giá trị hàng tỷ đồng.

Lợi dụng lúc buổi trưa, nhiều người trong hẻm nghỉ ngơi và phần lớn gia đình đóng cửa đi làm, kẻ trộm dùng dụng cụ chuyên nghiệp bẻ khóa 2 hộ liền kề, vào nhà lục tìm tài sản. Tuy nhiên, do chủ nhà không giữ tiền bạc nên kẻ trộm chỉ lấy đi vài chai rượu ngoại.

Từ vụ mất trộm táo bạo này mà nhiều hộ dân lo sợ bỏ kế hoạch ăn Tết. Chị Nguyễn Thị Tình - hộ dân đầu hẻm 89 cho biết: “Hai gia đình chỉ khóa cửa đi làm mà trộm đột nhập giữa ban ngày, nếu đóng cửa cả 10 hôm về quê ăn Tết thì là mồi ngon cho trộm. Gia đình tôi bỏ kế hoạch về quê ăn Tết cùng người thân cũng một phần vì sợ… giao nhà cho trộm".

Anh Vũ Đức, có nhà tại ven bờ sông Sài Gòn (đoạn thuộc phường Thảo Điền, quận 2) cho biết kẻ trộm nhằm vào nhà giàu ở khu Thảo Điền rất táo bạo. Nhà anh Đức ven sông nên hàng đêm anh phải ngó nghiêng kiểm soát bởi dân trộm chuyên nghiệp đi ghe dọc bờ sông, thấy nhà nào sơ hở thì cập sát rồi đột nhập.

"Đa số các hộ dân ven sông Sài Gòn đều thuê bảo vệ chuyên nghiệp hay nuôi chó bẹc-giê để bảo vệ tài sản. Sơ hở là trộm đột nhập từ tứ phía", anh Đức khẳng định. Anh cho biết, khu vực Thảo Điền vốn tập trung nhiều biệt thự, nhà giàu nên các gia đình đại gia đã tăng cường nhiều biện pháp an ninh nhằm đối phó với nạn trộm.

Trộm theo dõi công an trước khi ra tay

Đại tá Lê Ngọc Phương - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP HCM thừa nhận, công an thành phố đau đầu với vấn nạn trộm cắp vốn chiếm đa số trong tổng các vụ phạm pháp hình sự và tỷ lệ khám phá thấp. Ông nhìn nhận các nhóm trộm ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp và cấu kết với nhau.

Đại tá Lê Ngọc Phương - Trưởng phòng PC45, công an TP HCM. Ảnh: C.Tâm

Đại tá Phương cũng đánh giá trộm lộng hành khu dân cư, một phần cũng do người dân lơ là, mất cảnh giác, khi đi ngủ không chốt cửa; để xe, tài sản sơ hở; có hệ thống an ninh nhưng sơ sài, dễ bị trộm vô hiệu hóa.

Ngoài ra, vị đại tá đứng đầu lực lượng cảnh sát hình sự TP HCM cũng cho biết: "Các vụ mất trộm tài sản tiền mặt, ngoại tệ có giá trị lớn xảy ra là do người dân còn thói quen cất giữ trong nhà, chứa trong két sắt. Tôi khuyến cáo nên gửi tiền vào ngân hàng nhằm hạn chế rủi ro cho tài sản cũng như tính mạng".

Vấn đề đặt ra là trộm lộng hành các khu dân cư, nhắm vào biệt thự, nhà đại gia thì chính quyền ở đâu? Trách nhiệm ra sao?

Lãnh đạo của một phòng nghiệp vụ Công an TP HCM cho rằng, nhiều băng nhóm chuyên nghiệp là dân ngoại tỉnh, gây án lưu động; chúng điều nghiên mục tiêu kỹ lưỡng, cử người theo dõi cả lực lượng công an… do đó khi chúng gây án rồi thì rất khó khám phá.

Ông nói: “Lực lượng công an các cấp, phối hợp với nhiều lực lượng khác tổ chức tuần tra, giám sát chặt chẽ nhưng không thể quản hết cả địa bàn rộng lớn, không phải lúc nào cũng bám sát từng góc phố, con hẻm suốt ngày đêm được".

Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khẳng định, camera an ninh, két sắt cũng không ăn thua gì với những kẻ trộm chuyên nghiệp.

Tướng Minh phân tích, những kẻ trộm nhắm vào biệt thự, gia đình đại gia thì điều nghiên rất kỹ nên khi đột nhập vào trong chúng mang đầy đủ dụng cụ chuyên nghiệp để phá két trong vài phút.

Ngoài ra, kẻ trộm xác định là đánh quả lớn, làm một vụ có thể sống suốt đời nên sau khi “ăn hàng” thành công lập tức cả nhóm rời khỏi địa bàn TP HCM.

"Cuộc chiến" với vấn nạn trộm cắp là cực kỳ khó khăn, gian nan. Do đó trước hết người dân cần tăng cường cảnh giác, tự chủ động bảo vệ cho tài sản của mình vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất.

Vào mùng 1 Tết, nhà riêng ca sĩ Đăng Khôi ở quận 7, TP HCM bị trộm đột nhập phá khoá, đập két sắt lấy đi 800 triệu đồng. Camera còn ghi hình được trộm xách dao đi lại ngang nhiên giữa các tầng... Đăng Khôi và gia đình đến giờ vẫn chưa hết hoang mang.

Ngoài việc báo công an, ca sĩ gốc Hà Nội còn gửi thư tới Thành ủy TP HCM và Bí thư thành ủy Đinh La Thăng vào ngày 17/2. Hai ngày sau đó, anh đã nhận được thư hồi đáp từ lãnh đạo thành phố. Nội dung thư ghi: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành uỷ, Văn phòng Thành uỷ đã chuyển đơn đến công an TP xem xét, giải quyết theo thẩm quyền".

Bí thư Thăng đề nghị CA xem xét vụ trộm nhà Đăng Khôi

Tối qua (19/2), Đăng Khôi rất vui khi nhận được giấy báo tin từ thành ủy, theo đó, tân bí thư đề nghị công an thành phố xem xét, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.


Chí Tâm

Bạn có thể quan tâm