Từ những tháng đầu năm 2014, tình hình an ninh trật tự tại một số vùng quê của tỉnh Bạc Liêu như huyện Giá Rai, Ðông Hải và TP Bạc Liêu... bắt đầu xáo trộn khi nạn trộm cắp xe máy hoành hành khiến nhiều người dân lo lắng. Chỉ trong thời gian ngắn có đến 282 chiếc xe, trị giá trên 4 tỷ đồng đã bị kẻ trộm lấy mất. Trước tình hình đó, Công an Bạc Liêu đã thành lập chuyên án truy xét.
Phá băng nhóm trộm xe quy mô lớn
Qua truy xét những vụ trộm nhỏ lẻ, công an phát hiện đứng sau lưng các tay trộm xe này là một đường dây trộm cắp chuyên nghiệp do Nguyễn Văn Kỳ (36 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cầm đầu. Kỳ bị bắt khẩn cấp, và sau đó hàng loạt đàn em, chân rết trong đường dây cũng sa lưới.
Xe do Công an Bạc Liêu thu hồi được từ đường dây trộm xe. |
Ðến thời điểm này có 39 người liên quan đã bị bắt giam để điều tra mở rộng. Bước đầu những người này thừa nhận đã thực hiện gần 320 vụ lấy trộm xe gắn máy, chủ yếu là xe tay ga đắt tiền. Khi bắt Kỳ, công an phát hiện trong tài khoản của Kỳ có trên 7 tỷ đồng, nghi đây là số tiền do phạm tội mà có.
Riêng Kỳ khai đã trực tiếp trộm cắp, tiêu thụ trên 30 xe máy tại Bạc Liêu và trộm, tiêu thụ trên 200 xe cho các nhóm trộm cắp ở các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Ðồng Tháp, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.
Theo đại tá Dương Tứ Phương - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm hình sự (PC45) Công an tỉnh Bạc Liêu, lời khai của Nguyễn Văn Kỳ cho thấy các đồng phạm trực tiếp và nhiều kẻ trong nhóm khác có liên quan đã thực hiện trót lọt hơn 3.500 vụ trộm xe máy ở 18 tỉnh, thành từ Nam Ðịnh đến Cà Mau.
Kỳ và các đồng phạm khác khai nhận vào ban ngày, để tránh bị nghi ngờ, nhóm ăn mặc bảnh bao như người có học thức, có tiền và địa vị trong xã hội, xách cặp như cán bộ công chức. Khi tổ chức trộm thường đi 2-4 người, lang thang ở các chợ, quán cà phê, cơ quan, trường học...
Khi phát hiện xe đang đậu có sơ hở, mất cảnh giác, bọn chúng phân công một người tiếp cận, dùng đoản, khóa tự chế mở khóa xe, một số khác thì cảnh giới, cản đường nếu bị truy đuổi. Còn về đêm, nhóm này chạy xe máy dạo quanh các đường, nếu thấy ai đậu xe sơ hở là ra tay.
Theo đại tá Ngô Thành Thật - thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu, trước khi bị Công an Bạc Liêu bắt, Kỳ từng bị Công an TP.HCM và công an các tỉnh Kiên Giang, Vĩnh Long, Ðồng Tháp truy nã cùng hành vi Trộm cắp tài sản.
Với số xe trộm cắp, Kỳ cùng nhóm đem gửi phân tán ở một số cây xăng ven quốc lộ 1, sau đó mang gửi lên biên giới An Giang bằng đường xe khách để tuồn qua Campuchia tiêu thụ, một số khác Kỳ giao cho các đàn em luộc, rã đồ món, sơn phết lại để mang về các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Bình Dương, TP.HCM... tiêu thụ.
Nhóm của Kỳ khai nhận ngoài việc tự trộm cắp tiêu thụ thì còn lấy trộm theo “đơn đặt hàng” của một số nhóm khác, có đơn hàng loại xe gì, bao nhiêu chiếc sẽ thực hiện theo “đơn đặt hàng” đó.
Hoạt động khép kín
Tại Cần Thơ, tình hình trộm xe cũng diễn biến phức tạp, Công an Cần Thơ phải lập chuyên án truy xét. Tháng 4/2014, Công an quận Cái Răng bắt giữ Lê Văn Ðại (tự Ðại “chùa”, 42 tuổi, ngụ phường Phước Hiệp, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Huỳnh Kim Tuấn (37 tuổi, ngụ phường Long Toàn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Qua khai thác hai người này đã hé lộ thêm một nhánh khác của đường dây trộm xe cực lớn nêu trên.
Công an Cần Thơ tổ chức trả lại xe cho người bị mất. |
Thượng tá Dương Văn Nam, trưởng phòng PC45 Công an Cần Thơ cho biết, Hai Kinh được xác định là nghi phạm cầm đầu đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe máy tại Cần Thơ, có liên quan đến chuyên án trộm cắp và tiêu thụ xe máy của Công an tỉnh Bạc Liêu đang thụ lý.
Ban chuyên án xác định Hai Kinh tên thật là Trần Văn Kinh (65 tuổi, ngụ phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM), có 10 tiền án, năm 2004 đã bị Công an quận 10 truy nã về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội.
Ngày 1/11/2014, Hai Kinh và Nguyễn Thị Chinh (đang sống như vợ chồng với Kinh) bị bắt tại căn nhà thuê thuộc ấp Phú Ninh, xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Qua điều tra, Công an Cần Thơ tiếp tục bắt và vận động đầu thú thêm 14 người khác về các tội Trộm cắp tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội.
Hai Kinh khai nhận trong thời gian đi tù, y quen nhiều nhóm trộm cắp và tiêu thụ tài sản phạm tội. Sau khi ra tù, đến đầu năm 2014, Hai Kinh liên lạc tập hợp được nhiều nhóm trộm cắp xe máy và chỉ đạo hoạt động chặt chẽ, khép kín từ việc cung cấp “đoản” (công cụ mở khóa xe) đến việc bao tiêu thụ các loại xe máy do đồng bọn trộm cắp được. Năm 2014, Hai Kinh đã tiêu thụ khoảng 200 xe máy các loại.
Ðến nay cơ quan điều tra đã xác định được 7 nhóm với khoảng 24 nghi phạm chuyên trộm xe máy ở các tỉnh, thành miền Tây để bán cho Hai Kinh và ba nhóm khác chuyên tiêu thụ xe máy do Hai Kinh cung cấp.
Nhiều nghi phạm trong các nhóm này đã bị công an các tỉnh, thành Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Vũng Tàu bắt. Hai Kinh khai khi có người ở TP.HCM cần tiêu thụ xe máy trộm được thì liên hệ bằng điện thoại, sau đó Hai Kinh tìm mối tiêu thụ xe và hưởng chênh lệch 6/4.
Ðại tá Phan Minh Tấn, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Cần Thơ, cho biết đây là vụ án trộm cắp và tiêu thụ xe máy quy mô cực lớn, phức tạp, người tham gia đông, có trang bị công cụ mở khóa xe (đoản), có sự chỉ đạo điều hành chặt chẽ về địa bàn trộm cắp, nơi cất giấu; hoạt động diễn ra lâu dài, liên tục trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều tỉnh thành. Các nhóm có sự liên kết trộm cắp, tiêu thụ với nhau, sẵn sàng hoán đổi địa bàn cho nhau nếu bị phát hiện.
Hiện dư luận tại Cần Thơ và Bạc Liêu đang đặt vấn đề vì sao hàng ngàn xe máy trộm cắp lại có thể dễ dàng được tuồn qua Campuchia tiêu thụ. Một nguồn tin riêng cho biết Bộ Công an đang trực tiếp chỉ đạo tổng thể chuyên án và đang tiến hành mở rộng truy xét đến các cá nhân “dính” đến đường dây tội phạm quy mô lớn này.