Trước khi reo rắc tai họa cho The Blues vào hôm 7/5/2009, cựu trọng tài 50 tuổi Ovrebo chẳng mang lại chút niềm vui nào cho người Anh trong những trận đấu ông có cơ hội cầm còi.
Ovrebo - kẻ thù của người Anh
11 trận đấu có sự góp mặt của đại diện xứ sở sương mù tại châu Âu, họ phải chịu 3 quả penalty trong khi chẳng lần nào được Ovrebo cho hưởng cú đá từ khoảng cách 11 m.
Thậm chí, trong trận đấu giữa Standard Liege - Liverpool, Ovrebo còn tưởng tượng ra một quả penalty khi hậu vệ Dossena của Lữ đoàn đỏ có tình huống chạm tay ở ngoài vòng cấm.
Trong năm 2009, Ovrebo bắt chính tổng cộng 4 trận của Arsenal, Man United, Chelsea, Liverpool và không một lần chiến thắng thuộc về các đội bóng Anh.
Ovrebo là vận rủi của ông lớn Premier League hay ông ta có mối thù hận sâu sắc với những CLB nơi đây. Điều này thì thật khó để xét đoán.
Chỉ biết rằng những quyết định của ông ta trong trận bán kết lượt về Champions League 2008-2009 là không thể chấp nhận. Một trận đấu mà theo Micheal Ballack, vị trọng tài người Na Uy đã bỏ qua của họ ít nhất 4 quả penalty rõ ràng.
Những khoảnh khắc tranh cãi trong trận đấu. |
Hãy một lần nữa điểm lại những tình huống ấy:
Phút 24, Daniel Alves kéo ngã Malouda ở rìa vòng cấm. Ovrebo thổi còi nhưng chỉ coi đó là một quả đá phạt dù tình huống quay chậm cho thấy đó là một quả 11 m.
Phút 26, Eric Abidal kéo áo và đốn ngã Drogba khi anh đang đối mặt với Valdes. Chẳng có tiếng còi nào được cất lên và cũng không có chiếc thẻ đỏ cho hậu vệ người Pháp.
Abidal kéo áo Drogba. Ảnh: Getty Images. |
Phút 57, "Voi rừng" một lần nữa là nạn nhân trong một tình huống tương tự nhưng thủ phạm lần này là Yaya Toure. Ovrebo vẫn hoàn toàn im lặng.
Phút 82, tình huống rõ ràng nhất. Anelka đưa bóng chạm tay Pique. Dù trung vệ người Tây Ban Nha không cố ý, cánh tay anh đã vung quá xa và ngăn cản đường bóng. Phần lớn trọng tài sẽ cắt còi trong pha bóng đó.
Phút 97, cú nã rocket của Ballack trúng vào điểm nối giữa lưng và cánh tay của “báo đen” Eto'o. Mặc nỗ lực hò hét của đội trưởng tuyển Đức, Ovrebo thổi tiếng còi kết thúc trận đấu.
Cuộc chiến ngày hôm ấy, nếu một trong những quyết định trên có lợi cho đội chủ sân Stamford Bridge gần như chắc chắn Barca sẽ bị loại và Pep chẳng có được chức vô địch Champions League đầu tiên sớm đến thế.
Chelsea bị loại tức tưởi. Họ mở tỷ số từ ngay phút thứ 9 với bàn thắng tuyệt đẹp của Essien và sau đó ép sân toàn diện nhưng cuối cùng thua bởi luật bàn thắng trên sân khách bởi pha lập công ở phút bù giờ thứ 3 của Iniesta.
Cảm thấy bị trọng tài quay lưng, cầu thủ và cổ động viên Chelsea phản ứng dữ dội nhưng kết quả không thay đổi. Có chăng chỉ là án phạt 4 trận cho Drogba và 3 trận cho Bosingwa vì lỗi phản ứng mà thôi.
"Tôi không hiểu ông ta (Ovrebo) là trọng tài hay kẻ cướp nữa",
Jose Bosingwa
Rất nhiều giả thuyết được đặt ra vào thời điểm ấy. UEFA đã tác động đến kết quả vì không muốn lần thứ hai liên tiếp có một trận chung kết toàn Anh? Ovrebo là một cổ động viên của Barca hay do chuyên môn của ông ta quá kém?
Có lẽ chỉ Ovrebo - người từng 5 lần được bầu là trọng tài hay nhất Na Uy mới có câu trả lời chính xác nhất.
Một giấc mơ bị đánh cắp và một cuộc đời bị hủy hoại
Thất bại cay đắng trước Barca khiến cho Chelsea khi ấy vẫn chưa thể có lần đầu tiên vô địch Champions League dù rất nhiều đồng rup Nga của tỷ phú Abramovich được đổ liên tục trong gần một thập kỷ. Hiddink không thể ghi danh vào lịch sử với vai “kẻ chữa cháy vĩ đại” và phải ra đi sau đó.
Giấc mơ của Terry, Lampard, Cech và hàng triệu cổ động viên lại dang dở dù có lúc tưởng như họ đã đạt được.
Nhưng rồi Chelsea cũng được toại nguyện. Năm 2012, họ lên đỉnh châu Âu sau chiến thắng nghẹt thở trước Hùm xám Bayern Munich. Ít ra những người yêu mến đội bóng áo xanh sau cùng cũng có thể mỉm cười.
Chelsea vô địch Champions League 2012. Ảnh: Getty Images. |
Cuộc sống của “kẻ cướp” trước kia của họ còn bi thảm hơn nhiều. Hàng nghìn email dọa giết được gửi đến Ovrebo. Thậm chí, các nhóm trên mạng xã hội lấy tên “Giết Ovrebo” được mọc lên như nấm ngay sau trận đấu.
Rất nhiều nhóm trên facebook về chủ đề "Giết Ovrebo". Ảnh: Metro. |
Cảnh sát đã phải theo dõi một thời gian rất lâu để đảm bảo an toàn cho từng thành viên của gia đình vị trọng tài người Na Uy. Vốn là một nhà tâm lý, Ovrebo cũng không chịu nổi những sức ép và suýt phải giải nghệ. Sau này, ông không cầm còi tại Cúp châu Âu thêm một lần nào nữa.
Hồi năm 2012, phát biểu trên tờ The Times, Ovrebo tiết lộ ông thỉnh thoảng vẫn nhận được những lá thư đe dọa. Cuộc sống của ông đã rẽ sang một hướng khác sau buổi chiều định mệnh tại Champions League.
Dù không mấy ai đồng tình với quyết định của vị trọng tài người Na Uy đưa ra ngày 7/5/2009, họ chắc chắn sẽ phải gật đầu trước kết luận của ông: “Trọng tài là nghề áp lực nhất trên thế giới”.
Tom Henning Ovrebo sinh ngày 26/6/1966. Ông là trọng tài rất nổi tiếng tại Na Uy và đã bắt chính tổng cộng hơn 200 trận tại giải vô địch quốc gia nước này.
Ovrebo từng cầm còi tại Euro 2008. Ông bắt chính 2 trận tại vòng bảng trước khi phải về nước sớm do sai lầm trong việc không công nhận bàn thắng hợp lệ của Luca Toni ở trận gặp Romania.