Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trong 3 tháng, hàng trăm người ở TP.HCM nhập viện vì đột quỵ

Chỉ trong vòng 3 tháng, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tiếp nhận trung bình 350-500 người bị đột quỵ não cấp nhập viện.

Thông tin được thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ với Zing tại Hội thảo khoa học quản lý chất lượng và cập nhật điều trị đột quỵ, chiều 11/5.

Theo bác sĩ Nghĩa, trung bình một quý, Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận 350-500 bệnh nhân điều trị đột quỵ cấp (số liệu quý IV/2022 - quý I/2023). Thông thường, 25% bệnh nhân được nhập viện sau khi đột quỵ 6 giờ.

"Căn cứ vào thống kê 3 quý gần đây, bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ ở Bệnh viện Quân y 175 cũng có dấu hiệu trẻ hơn so với thời gian trước", bác sĩ Nghĩa thông tin thêm.

Từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận và điều trị hiệu quả cho gần 3.800 trường hợp bệnh nhân đột quỵ não, bao gồm cả nhồi máu não (chiếm tỷ lệ 74%), xuất huyết não (tỷ lệ 20%), xuất huyết dưới nhện (tỷ lệ 1,4%)…

Đa số người bị đột quỵ có các bệnh lý nội khoa khác đi kèm như tim mạch, hô hấp, nội tiết… được cấp cứu nhờ vào các quy trình, kỹ thuật tiên tiến trong điều trị đột quỵ như: Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, điều trị chăm sóc tích cực tại đơn vị đột quỵ.

benh nhan dot quy anh 1

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Linh Thùy.

PGS.TS.BS Trương Đình Cẩm, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ mặc dù hiện nay, khả năng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ sớm hơn, xử trí kịp thời và nhiều người được cứu sống, đột quỵ vẫn là gánh nặng của xã hội khi số lượng không ngừng tăng lên, có thời điểm người bị đột quỵ tăng đột biến.

“Dù bệnh viện đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện quy trình cấp cứu, điều trị, việc chăm sóc bệnh đột quỵ não là hành trình dài và gian nan. Bên cạnh biến chứng giai đoạn sớm, các vấn đề phù não, co thắt mạch não, các rủi ro như hít sặc, nhiễm trùng, di chứng tâm thần kinh, vận động là vấn đề khiến người thầy thuốc nhiều trăn trở”, PGS Cẩm chia sẻ.

Đột quỵ gây ra do tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn đột ngột, khiến các tế bào não chết, mất chức năng thần kinh.

Khi tắc nghẽn mạch máu lớn trong thời gian dài, số lượng tế bào não chết với thể tích lớn có thể dẫn đến hiện tượng phù nề, gây ảnh hưởng đến ý thức, hôn mê. Hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và xuất huyết não.

Khi tình trạng nặng hơn và mất thêm nhiều thời gian hơn, hiện tượng chèn ép, gây thoát vị não xuất hiện, ảnh hưởng đến vùng thân não. Đây được xem là tổng chỉ huy của hệ tuần hoàn và hô hấp. Đến lúc này, đột quỵ mới có thể làm cho bệnh nhân tử vong.

Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.

Phân biệt đột tử và đột quỵ

Theo chuyên gia, đột tử và đột quỵ đều diễn tiến đột ngột và có thể gây tử vong nếu không được nhận diện và xử trí kịp thời.

Linh Thùy - Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm