Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trong một năm, 151 cơ sở mầm non ở TP.HCM giải thể vì dịch Covid-19

Dịch bệnh kéo dài nên phần lớn cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn, nhất là các trường, nhóm trẻ mầm non.

Đó là một trong những nội dung báo cáo về tình hình chuẩn bị năm học mới 2021-2022 của Sở GD&ĐT TP.HCM gửi UBND thành phố.

Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết trong năm 2020-2021, đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non (gồm 27 trường, 124 nhóm trẻ) đã giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học.

truong mam non giai the vi dich anh 1

Dịch bệnh kéo dài khiến các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Một điều đáng chú ý khác là tỷ lệ trường ngoài công lập được cấp phép mới tại thành phố đang có xu hướng giảm trong khoảng 4 năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ trường ngoài công lập mới được đưa vào hoạt động tăng 11,74% so với năm trước đó. Đến năm 2018, tỷ lệ này giảm xuống còn 10,04%. Đến năm 2019, con số này chỉ còn 6,22%, năm 2020 còn 3,03% và năm 2021 tiếp tục giảm còn 1,77%.

Hai năm trở lại đây, số trường phổ thông (tiểu học, THCS và THPT) ngoài công lập không tăng, chỉ tăng thêm một số cơ sở giáo dục mầm non.

Nguyên nhân là TP.HCM đang gặp khó khăn về mặt pháp lý trong việc điều chỉnh quy hoạch đất dùng cho giáo dục nên công tác cấp phép thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2020, Thường trực UBND TP.HCM đã nhiều lần họp bàn nhưng các sở, ban, ngành liên quan chưa tìm được hướng tháo gỡ.

Trong khi đó, trong hai năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiến độ xây dựng các công trình trường học trong hệ thống trường công lập đều bị chậm. Đặc biệt, trong công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, hầu hết công trình xây dựng, sửa chữa đều đang chậm tiến độ, không kịp hoàn thành theo kế hoạch ban đầu.

Dự kiến đến ngày 5/9, cả thành phố không có phòng học mới nào kịp đưa vào sử dụng mặc dù trước đó, để giải quyết bài toán thiếu chỗ học cho người dân, ngành giáo dục và đào tạo đã dự kiến đưa vào sử dụng 42 dự án với 591 phòng học mới với tổng mức đầu tư 1.630 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm học mới 2021-2022, toàn thành phố dự kiến tăng 30.939 học sinh. Tỷ lệ số phòng học trên một vạn dân trong độ tuổi đi học giảm. Như vậy, năm học tới, thành phố đứng trước áp lực thiếu phòng học rất lớn.

Do đó, năm học tới đây, thành phố vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, nhưng sĩ số học sinh/lớp còn cao, tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày chưa đáp ứng yêu cầu.

Dự kiến học sinh TP.HCM khai giảng online giữa tháng 9

Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất cho học sinh khai giảng bằng hình thức trực tuyến vào giữa tháng 9, muộn hơn 2 tuần so với kế hoạch của Bộ GD&ĐT.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm