Họ đã khóc trước tài năng và đam mê của một cậu bé 9 tuổi.
Không phải đến đêm chung kết, các thành viên ban giám khảo mới xúc động, mới bối rối đến mức không thốt nên lời trước phần biểu diễn máu lửa của Trọng Nhân. Và cũng không phải tới lúc đó, khán giả mới phát cuồng, mới bật khóc vì cậu. Ngay từ vòng sơ loại Vietnam’s Got Talent, với dáng người nhỏ bé lọt thỏm giữa dàn trống, Trọng Nhân đã khiến đám đông nức lòng trước tiếng trống đầy đam mê, mãnh liệt.
Ở vòng sơ loại, khi đó Trọng Nhân giới thiệu mình mới 8 tuổi và đã có 4 năm học trống. Từ 4 tuổi, với niềm đam mê, hấp dẫn kỳ lạ từ bộ môn trống, Trọng Nhân đã học rất nhanh, và chơi chuẩn xác các nốt nhạc, khi mà - mọi định nghĩa về thế giới xung quanh cậu còn là tờ giấy trắng. Rất hiếm ở lứa tuổi ấy, người ta thấy một niềm đam mê bùng lên mãnh liệt như khi Trọng Nhân đối diện với dàn trống.
Trọng Nhân giữa dàn trống là cậu bé 9 tuổi giữa thế giới riêng của mình. Màn trình diễn của cậu chính là màn trình diễn của sự đam mê, sự cuốn hút và sức mạnh diệu kỳ của âm nhạc.
Trọng Nhân trong đêm chung kết Vietnam's Got Talent 2016. Ảnh: Nguyễn Thành |
Để chơi trống được như thế, cậu bé 4 tuổi khi xưa đã phải dành bao nhiêu thời gian tập luyện? Cậu bé 4 tuổi ấy đã phải khổ luyện như thế nào? Câu trả lời chỉ có thể đến từ sự đam mê. Nhưng nhìn những giọt máu đỏ thấm ra từ mũi cậu bé 9 tuổi sau khi trình diễn xong phần thi xuất sắc của mình tại đêm chung kết Vietnam’s Got Talent, người viết đã lặng đi.
Năm 2014, bộ phim Tay trống cự phách (Whiplash) được sản xuất với kinh phí độc lập chỉ vỏn vẹn 3 triệu USD. Năm 2015, bộ phim gây kinh ngạc tại lễ trao giải Oscar bởi câu chuyện thấm đẫm tính triết lý về máu và sự vĩ đại của người nghệ sĩ.
Câu chuyện phim xoay quanh một tay chơi trống (tất nhiên, cậu ấy lớn hơn nhiều lứa tuổi lên 9) - Andrew Neiman. Andrew (Miles Teller) là sinh viên năm nhất chuyên ngành jazz tại Viện Âm nhạc Shaffer có tiếng tại New York. Anh đã chơi trống từ bé và khao khát trở thành một trong những tay trống huyền thoại. Xuyên suốt bộ phim là câu chuyện về sự khổ luyện, về máu, về tài năng, về những nỗ lực phi thường của Andrew Neiman trước sự hà khắc tới mức máu lạnh của ông thầy Terence Fletcher (J.K Simmons).
Cảnh trong phim Tay trống cự phách. Ảnh: HR |
Với kinh phí sản xuất rất thấp, khi ra rạp, Tay trống cự phách đã đoạt doanh thu 33 triệu USD (so với 3 triệu USD sản xuất). Tại lễ trao giải Oscar 2015, phim được đề cử ở 5 hạng mục quan trọng là: Kịch bản chuyển thể xuất sắc, Phim xuất sắc, Nam diễn viên phụ xuất sắc, Dựng phim xuất sắc và Hòa âm xuất sắc. Phim đã đoạt 3 trên 5 giải được đề cử và gây xúc động mạnh tại Oscar 2015.
Sự xúc động được mang lại từ câu chuyện phim, từ những cảnh quay chân thực, từ dáng người của Andrew Neiman say mê bên dàn trống của anh, từ giọt mồ hôi, từ những vệt máu loang trên mặt trống, từ những cú đập trống đầy sức mạnh, đầy nhiệt huyết, đầy nỗ lực.
Người nghệ sĩ vĩ đại nhất là khi họ trình diễn cho khán giả thấy sức mạnh của đam mê có thể đạp bằng mọi khó khăn, thử thách. Là khi, họ đưa cả thế giới của mình lên sân khấu để giới thiệu với khán giả, đây là tình yêu của tôi – và đây là âm nhạc.
Và khi xem Trọng Nhân 9 tuổi biểu diễn giữa dàn trống của mình, người ta đã có thể thấy được sự xúc động ấy, sự xúc động trước sức mạnh của đam mê, sức mạnh của tình yêu – âm nhạc.