Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trống rỗng sau mỗi lần mua sắm, săn sale

Từ ngày TP.HCM mở cửa trở lại, Đoan (25 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) không nhớ đã chi bao nhiêu tiền để mua quần áo, mỹ phẩm.

Suốt hơn 4 tháng phong tỏa, Đoan gần như không thể mua sắm được gì, sự bí bách bị dồn nén đã vô thức thúc đẩy cô chi nhiều hơn để giải tỏa.

Ngày đầu tháng 10, lần đầu dắt xe ra khỏi nhà, cô đã dạo khắp những con đường tập trung nhiều shop quần áo như Huỳnh Văn Bánh, Lê Văn Sỹ, Trần Quang Diệu, Quang Trung…

“Trong đầu dự tính chỉ mua một đôi giày bệt, cuối cùng mình đã mua 1 chân váy, 1 áo phông và 1 chiếc blazer, tổng giá 1 triệu đồng. Về tới nhà, mình đem đồ ra thử lại và thấy có gì sai sai. Niềm vui thú khi thử đồ tại shop đã khiến mình chọn mua chúng, nhưng mua xong lại không thực sự ưng ý món nào”, Đoan kể lại với Zing.

Trong rong,  buon chan sau moi lan mua sam xa stress anh 1

Mua sắm là hành động mang lại hạnh phúc, nhưng đồng thời có thể khiến người ta tiếc nuối về sau. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Đi shopping được nhiều người lựa chọn nhằm cải thiện tâm trạng khi đầu óc căng thẳng. Trên thực tế, không phải lúc nào cách này cũng hiệu quả và ngược lại, làm người mua càng thấy trống rỗng, chán nản hơn, bên cạnh sự "rỗng ví" vì trót "vung tay quá trán".

Shopping để xả stress

Sau hơn 2 tháng, chiếc chân váy và áo blazer vẫn còn nguyên tem mác chưa được Đoan mặc ra ngoài lần nào.

“Lúc thử ở cửa hàng, mình thấy nó dài so với chiều cao 1,56 m nhưng vẫn tặc lưỡi mua. Còn blazer mình có quá nhiều rồi nên mình định sẽ tặng lại cho chị gái”, Đoan nói.

Đoan nói đây không phải lần đầu cô cảm thấy “rơi vào bẫy tâm lý” khi đi sắm quần áo. Những lúc gặp áp lực công việc, cô thường giải tỏa bằng việc đi shopping.

“Đọc rất nhiều bài về bẫy tâm lý, cũng hiểu rằng không nên chi tiền mua sắm chỉ để xả stress vì sẽ rất dễ lạm chi, niềm vui từ chúng cũng ngắn ngủi. Thế nhưng, thường những lúc căng thẳng, mình không còn nhớ tới lý thuyết đó nữa. Mình chỉ có thể cố gắng kiểm soát, không mua quá nhiều thôi, còn thói quen này chắc rất khó bỏ được”, cô bày tỏ.

Trong rong,  buon chan sau moi lan mua sam xa stress anh 2

Không ít người mua hàng thấy rằng sau khi mua sắm vô tội vạ, họ thường cảm thấy cô đơn và lo lắng hơn. Ảnh minh họa: Sixth Tone.

Giống với Đoan, Ánh Hồng (25 tuổi, Hà Nội) có thói quen mua sắm mỗi khi gặp áp lực. Hồng cho hay bình thường cô là người chi tiêu cặn kẽ, không tiêu hoang, chi tiền cho thứ gì đều xem xét cẩn thận. Tuy nhiên, khi bị stress, cô dễ bốc đồng, mua theo cảm tính nhiều hơn.

"Trước kia, mình coi shopping là phương án hiệu quả giúp tính tình dễ chịu trở lại, dù cách thức này khá tốn kém", cô nói.

Đến khi đợt dịch thứ tư bùng phát, công việc bị ảnh hưởng, chuyện buồn tình cảm khiến tâm trạng Hồng lên xuống liên tục thất thường trong nửa cuối năm 2021.

"Cứ thấy chán nản là mình lại đặt đồ này, mua món kia. Nhưng lúc này, cảm giác hào hứng không xuất hiện nữa. Hàng về, mình lôi ra ngắm nghía chút rồi lại để đó, kể cả những món mình ưng ý.

Hơn chục bộ quần, áo còn mới tinh xếp đống trong tủ, son phấn mua về mới dùng được có vài lần, chưa kể các đồ linh tinh khác. Khi nhận ra điều đó, mình có phần thấy trống rỗng và buồn chán thêm vì đến cách hay dùng nhất để xả stress cũng không làm tâm trạng khá lên", cô cho hay.

Sau khoảng 2-3 tháng thấy mình đang "vung tay quá trán" mà không có kết quả, Hồng quyết định phải bình tĩnh lại và tìm cách khác giúp giải tỏa căng thẳng.

Trong rong,  buon chan sau moi lan mua sam xa stress anh 3

"Tiêu dùng bốc đồng" và "mua sắm một cách không kiểm soát" được xếp vào nhóm hành vi gây nghiện. Ảnh minh họa: Hoàng Đông.

"Mình thử chạy bộ, đạp xe. Mình vốn lười vận động nhưng giờ đều cố dành 1 tiếng mỗi ngày đi tập thể dục ở công viên gần nhà. Trước khi ngủ, mình không dành thời gian lướt shop thời trang, các sàn thương mại điện tử như xưa mà bật video ASMR giúp dễ vào giấc hơn", Hồng nói.

Nhờ lối sống tích cực hơn, nữ nhân viên văn phòng cho biết đã kiểm soát cảm xúc tốt hơn khi gặp áp lực, không chi tiêu vô tội vạ.

"Quần áo, đồ make up mua về đã được đem ra dùng thường xuyên hơn và nhìn bản thân xinh xắn, mình lại thấy vui vẻ lên", cô chia sẻ.

Niềm vui thoáng chốc

Trong mắt bạn bè, Lan Phương (24 tuổi, sống tại Hà Nội) là người biết cách ăn mặc có gu. Lương về, một trong những việc đầu tiên Phương làm là chi vài triệu sắm thêm quần áo.

Song, cô nàng thú nhận rằng bản thân thuộc kiểu "cả thèm chóng chán", dễ rơi vào vòng luẩn quẩn “hào hứng - chán nản - hối hận” mỗi lần mua đồ.

Cô có cả một tủ lớn đầy váy vóc và phụ kiện. Tuy nhiên, mỗi lần có việc quan trọng như đi phỏng vấn, đi đám cưới hay du lịch cùng bạn bè, Phương đều thấy “không có gì để mặc”, lại đi shopping quần áo mới.

Trong rong,  buon chan sau moi lan mua sam xa stress anh 4

Phan Hảo bỏ nhiều món đồ vào giỏ hàng nhưng không dám mua thêm vì đã cạn tiền. Ảnh: NVCC.

Càng mua sắm nhiều, cô nàng 24 tuổi càng dễ chán và luôn muốn tìm thứ gì đó mới mẻ. Bản thân cô cũng không tự tin khi diện lại đồ cũ, nhất là những bộ từng mặc chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.

“Mình từng cố gắng tiết chế, pass đồ cũ rồi mới dám mua đồ mới nhưng vẫn chưa cải thiện được bao", Phương nói.

Theo Brain Wellness Spa, sẽ luôn có những phiên bản mới, phong cách mới và mốt mới xuất hiện trên thị trường mà khó ai có thể theo kịp toàn bộ.

Nếu cố gắng chạy theo và mua những thứ nằm ngoài khả năng chi trả, dẫn đến kẹt tiền hay nợ nần, cảm giác lo lắng, nặng nề sẽ càng nảy sinh.

Ngày 10 phát lương, đến 12/12 sẽ là “Đại hội giảm giá” cuối cùng của năm, Phan Hảo (23 tuổi, nhân viên công ty dược) lo ngại sẽ tiếp tục vung tay mua đồ. Những đợt sale trước, cô săn khá nhiều món, song chưa bao giờ cảm thấy đủ.

Sắp đến Tết, Hảo cần tiết kiệm một khoản nhỏ để về quê biếu bố mẹ, không thể tiêu tiền quá đà như trước.

“Tháng trước, lương chỉ hơn 10 triệu đồng nhưng mình mua bộ mỹ phẩm giảm giá còn hơn 2 triệu đồng, cùng tai nghe Airpod gần 5 triệu đồng vì thấy giá ‘quá hời’. Kết quả, mình phải lấy cả tiền tiết kiệm ra để tiêu và bù sang cả tháng này”.

Hảo nói rằng thời gian chờ giao hàng cô rất háo hức, giống như sắp được nhận phần thưởng lớn. Vì tất cả quy trình mua hàng đến thanh toán đều online nên cô không thấy “xót tiền”.

“Tuy nhiên, mới nhận 2 món đồ và sử dụng được khoảng một tuần, sự vui sướng nhanh chóng biến mất. Khi chưa có chúng, mình rất thèm muốn và quyết mua cho bằng được, nhưng sở hữu rồi thì thấy cũng bình thường.

Giờ áp lực phải thắt chặt chi tiêu để có tiền về quê càng khiến mình mệt mỏi hơn. Bây giờ hối hận cũng không được gì, nên mình tự dặn lòng sẽ phải nhìn vào túi tiền trước rồi mới quyết định mua sắm”, Hảo bày tỏ.

Trào lưu 'khoe' chuyện bỏ việc ở Mỹ

Trái với thói quen giữ kín chuyện xin thôi việc, nhiều dân văn phòng Mỹ đang hào hứng lên mạng khoe việc rời khỏi công ty, kêu gọi những người có mong muốn tương tự làm theo mình.

Đinh Phạm - Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm