Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trụ sạc EV bằng năng lượng mặt trời

Mô-đun sạc xe điện bằng năng lượng mặt trời này có thể được lắp đặt nhanh chóng trong vòng 4 giờ.

Paired Power là một công ty có trụ sở tại Campbell (California, Mỹ) chuyên sản xuất các trụ sạc EV sử dụng nguồn năng lượng mặt trời.

Mới đây Paired Power vừa cho ra mắt một trụ sạc ôtô điện dạng mô-đun, dễ dàng lắp đặt và có khả năng thu nhận năng lượng từ nguồn ánh sáng mặt trời.

tru sac quang nang anh 1

Trụ sạc PairTree lấy điện năng từ ánh sáng mặt trời. Ảnh: Paired Power.

Trụ sạc dạng mô-đun có tên gọi PairTree mang hình dáng của một mái che với các tấm pin mặt trời ở phía trên. Theo thông tin mà công ty Paired Power cung cấp, mô-đun này có thể vận chuyển cũng như lắp đặt khá nhanh chóng và đơn giản, đồng thời dễ dàng kết nối vào lưới điện khi có nhu cầu.

Mỗi mô-đun sạc PairTree sẽ được trang bị 10 tấm pin mặt trời, cung cấp khả năng sạc đến Cấp độ 2 và có thể bổ sung thêm vài nguồn điện 120 V cho các nhu cầu sử dụng khác trong trường hợp cần thiết.

Theo báo cáo của McKinsey & Company, trung bình một người dân Mỹ di chuyển khoảng 30 dặm mỗi ngày bằng phương tiện cá nhân.

Trong khi đó PairTree với việc hỗ trợ cho pin LFP công suất 40 kWh sẽ có khả năng cung cấp phạm vi hoạt động hàng ngày lên đến 230 dặm cho các mẫu EV, tương đương quãng đường 370 km.

Khách hàng có thể thanh toán dịch vụ sạc thông qua cổng thanh toán của Paired Power, được phát triển cùng với ứng dụng EvGateway vốn có khả năng cung cấp các hỗ trợ trực tuyến đến người dùng ngay trên trụ sạc.

Theo video được công ty Paired Power đăng tải trên YouTube, mô-đun sạc năng lượng mặt trời PairTree có thể được lắp đặt rất nhanh chóng bởi đội nhân công hai người trong khoảng thời gian 4 giờ.

tru sac quang nang anh 2

Thời gian thi công của PairTree chỉ là bốn giờ, với đội nhân công gồm hai người. Ảnh: Paired Power.

Điểm mạnh của PairTree nằm ở việc các mẫu ôtô điện sẽ ngay lập tức có thể sử dụng nguồn điện sinh ra từ các tấm pin năng lượng mặt trời khi vừa hoàn tất việc lắp đặt.

PairTree được kỳ vọng sẽ trở thành lựa chọn tối ưu cho những nơi có hệ thống lưới điện đang quá tải, hoặc dành cho những đơn vị kinh doanh không muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng cố định. PairTree cũng có thể cung cấp nguồn điện dự phòng cho các tình huống khẩn cấp hoặc phục vụ ở các sự kiện đông người.

PairTree được thiết kế với phần bệ đỡ dạng khung thép, giúp việc lắp đặt trở nên dễ dàng, nhanh chóng và đỡ tốn kém. Trụ sạc này có thể được sử dụng trong mọi điều kiện khí hậu và môi trường khi mà các vít nối đất có thể giúp cố định toàn bộ mô-đun trong trường hợp xảy ra gió lớn.

Ngoài ra nếu có nhu cầu xây dựng một trạm sạc quy mô lớn, khách hàng cũng có thể dễ dàng kết hợp nhiều mô-đun PairTree lại với nhau.

tru sac quang nang anh 3

Chi phí tối thiểu cho một mô-đun PairTree là 26.900 USD. Ảnh: Paired Power.

Paired Power cho biết một mô-đun PairTree có giá khởi điểm 26.900 USD, chỉ bao gồm bệ đỡ, hệ trụ, dàn mái và các tấm pin năng lượng phía trên. Nếu có nhu cầu lắp đặt cả trụ sạc do Paired Power cung cấp, mức giá sẽ dao động trong khoảng 60.000 USD.

Hiện tại, Paired Power đang nhận đơn đặt hàng cho PairTree, và công ty dự kiến ​​quy trình giao hàng sẽ bắt đầu từ quý II/2023.

Mỹ chi gần 1 tỷ USD xây trạm sạc

Tổng thống Mỹ chấp thuận chi 900 triệu USD trong đợt đầu tiên.

Xe điện tiêu tốn ít chi phí nhất so với các loại xe khác

Mặc dù có giá bán cao, xe điện không cần phải bảo dưỡng thường xuyên, chi phí sạc xe cũng thấp hơn việc đổ xăng trên những mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong.

Trạm sạc là vấn đề mà người dùng xe điện quan tâm nhất

Bất chấp các nỗ lực nâng cấp mạng lưới trạm sạc, người dùng ôtô điện vẫn vất vả mỗi khi sử dụng dịch vụ sạc pin ôtô.

Phúc Hậu

Theo Electrek

Bạn có thể quan tâm