Mũi Kê Gà (còn gọi là mũi Khe Gà) cách thành phố Phan Thiết khoảng 40 km về phía tây nam, thuộc địa phận xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Những ngày thủy triều lên, nơi đây giống như một hải đảo nằm tách biệt, cách đất liền khoảng 500 m.
Bãi đá dưới chân ngọn hải đăng Kê Gà. |
Khi nước rút, dải cát từ đất liền hiện ra, nối liền Kê Gà, tạo nên một con đường tuyệt đẹp. Nơi đây có tên gọi là Kê Gà bởi mũi đất nhô ra bờ biển giống hình đầu con gà.
Chúng tôi ghé mũi Kê Gà vào những ngày đầu tháng 8. Nắng vẫn còn oi nồng, bỏng rát. Nhưng ra sát biển, bạn đã có thể cảm nhận được sự mơn man của hơi nước trên da. Nhìn từ xa, mũi Kê Gà với ngọn hải đăng sừng sững xen lẫn cây cối và những phiến đá nhiều hình dáng, tạo nên một hòn đảo nhỏ đầy kỳ thú.
Để đặt chân lên Mũi Kê Gà vào những ngày nước lên, bạn phải mua vé tàu cao tốc với mức giá khoảng 50.000 đồng một lượt khứ hồi. Mỗi du khách đều được trang bị áo phao, bởi địa thế nơi này khá hiểm trở, nhiều đá ngầm.
Chủ tàu là những người thông thuộc đường biển, dòng chảy. |
Chủ tàu là những người nắm rất rõ từng luồng nước không có đá ngầm, lái tàu thuần thục rời bến, vòng qua bãi đá sát bờ theo hình vòng cung trước khi cập bến ở mũi Kê Gà, nơi có những tảng đá lớn bằng phẳng để du khách có thể lên bờ dễ dàng. Từ đất liền ra đến mũi chỉ chừng 5 phút.
Đường lên hải đăng Kê Gà ngắn và rất dễ đi. Con đường đá tự nhiên chỉ chừng 20 m. Từ lối cổng vào, đường được lát đá, xây bậc thang ngay ngắn. Hai bên lối vào là những hàng thông bị gió biển thổi vào tạo thành hình thù độc đáo.
Có những thân cây bị khô đến một nửa nhưng vẫn vươn mình ngạo nghễ. Ngay dưới chân hải đăng là hàng sứ rợp bóng mát, do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước.
Hải đăng Kê Gà được xây dựng từ năm 1897 và đưa vào sử dụng từ năm 1900 với độ cao 35 m. Chiều cao toàn bộ tính từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65 m. Trung tâm sách kỷ lục Việt Xam xác nhận đây là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam, với bán kính chiếu sáng khoảng 40 km.
Tài liệu ghi chép cho hay, bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép, cùng hàng trăm bậc tam cấp dẫn đến đỉnh. Toàn bộ nguyên liệu xây cất được đưa từ Pháp sang, đặc biệt có tấm đá hoa cương lớn ngay lối vào, khắc năm 1899.
Khi chúng tôi tới, ngọn hải đăng không cho khách tham quan vì đang trong thời gian sửa chữa.
Nhìn hướng ra biển, bạn sẽ thấy một mỏm đá lớn tựa như chiếc đầu gà. Từ chân ngọn hải đăng có đường mòn dẫn du khách ra mỏ đá này. Trong khi đó, ngay bên phải tính từ lối vào là những phiến đá khổng lồ được xếp thành những hình thù kỳ lạ, sóng vỗ quanh năm. Đặc biệt, 4 tảng đá lớn được xếp ngay ngắn tạo thành khe hình tam giác độc đáo.
Mỏm đán hô ra biển có hình như chiếc đầu gà. |
Những bãi đá nằm xếp lớp bạc màu thời gian chính là điều tạo nên sự cuốn hút đối với du khách. Giữa bốn bề xanh màu nước biển, những chiếc tàu cao tốc bồng bềnh trên sóng nước đưa du khách ghé thăm mũi Kê Gà. Điểm du lịch này mỗi ngày đều đón tiếp hàng trăm lượt khách, trong đó đa phần là các bạn trẻ.
Bất chấp cái nắng nóng như thiêu đốt nhưng khi thả chân dưới làn nước biển mát lạnh, hay nhìn những lớp bọt tung trắng xóa, cảm giác thư thái khi ngắm Kê Gà từ xa và tiến lại gần là những trải nghiệm thực sự thú vị.