Chiều 21/12, sau khi đại diện VKSND công bố cáo trạng, HĐXX bắt đầu xét hỏi Lê Xuân Giang (49 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt) và 6 bị cáo khác trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Là người đầu tiên được thẩm vấn, bị cáo Lê Xuân Giang khai ông ta xuất ngũ cuối năm 2002 sau khi phục vụ trong quân đội 11 năm.
Tháng 4/2005, Giang thành lập Công ty CP tập đoàn thiết bị y tế BQP với số vốn 1,5 tỷ đồng. 5 năm sau, bị cáo tiếp tục lập Công ty Liên Kết Việt với vốn gần 10 tỷ. Trong đó, Công ty BQP sản xuất máy khử độc Ozone và thiết bị vật lý trị liệu cùng 5 loại thực phẩm chức năng.
Bị cáo Lê Xuân Giang tại phiên tòa chiều 21/12. Ảnh: Hải Nam. |
Quá trình điều hành hoạt động của 2 doanh nghiệp này, bị cáo Giang khai vì “yêu hình ảnh người lính nên thường xuyên mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm”. Ngoài ra, tại các sự kiện lớn của công ty, ông ta đeo cầu vai để tượng trưng, không gắn cấp bậc gì.
Về mục đích thành lập các công ty kinh doanh theo mô hình đa cấp, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt khai nhằm tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.
"Do một số cá nhân muốn trục lợi nên họ cố tình khuếch trương về công ty, khiến người khác hiểu sai về mô hình hoạt động", Lê Xuân Giang trình bày.
Vì sao trong hội nghị lại tổ chức hát quốc ca và nghi lễ quân đội? Nghe chủ tọa truy vấn, bị cáo Giang trả lời bản thân chứng kiến một số công ty khác cũng làm điều này.
Ngoài ra, bị cáo mang thói quen của một người lính, còn 2 công ty Liên Kết Việt và BQP có một số cựu cán bộ quân đội nghỉ hưu cùng tham gia nên việc thực hiện nghi lễ nhằm thể hiện tính uy nghiêm và tôn vinh đối với các cựu cán bộ đã cống hiến cho doanh nghiệp.
Vậy bị cáo đã thu bao nhiêu tiền của các bị hại? Chủ tọa tiếp tục thẩm vấn. Lê Xuân Giang trần tình do việc kinh doanh diễn ra từ 5 năm trước nên đến nay, ông ta không nhớ chi tiết.
"Nhưng số tiền gần 2.100 tỷ thu của 68.000 bị hại mà cáo trạng nêu là không chính xác", Lê Xuân Giang phản bác và khai trên thực tế, nhiều khách hàng có mã số ảo.
Ngoài ra, bị cáo trình bày quá trình điều hành hoạt động, ông ta chỉ chấp nhận những khách hàng có hợp đồng cụ thể và phiếu thu chứng minh việc nộp tiền. Khách hàng ảo không đủ những điều kiện này.
Trình bày về cách thức kinh doanh, Lê Xuân Giang khai giai đoạn đầu khi công ty mới thành lập, nhà đầu tư cần đặt cọc từ 7 triệu đến 8,6 triệu đồng để tham gia mạng lưới. Sau khi ký hợp đồng và đặt cọc, khách hàng được nhận một máy Ozone trị giá 3,5 triệu kèm một lượng thực phẩm chức năng.
Bị cáo khai giai đoạn 2014-2015, công ty đều trả lãi đầy đủ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau đó, khách hàng ồ ạt tham gia với số lượng lớn nên Công ty Liên Kết Việt phải xin giãn thời gian để sản xuất thêm máy Ozone và thực phẩm chức năng để trả cho nhà đầu tư.
"Khi mọi người đến đòi nợ, tôi phải bán biệt thự và lấy tiền trong tài khoản ngân hàng để trả cho khách hàng", Lê Xuân Giang khai và trình bày có lúc, ông ta còn bị nhà đầu tư thuê xã hội đen đến đòi tiền.
Cơ quan tố tụng xác định vụ án có hơn 6.000 bị hại. Ảnh: Hải Nam. |
Theo cáo buộc, lợi dụng việc Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, Lê Xuân Giang cùng các bị cáo dùng thủ đoạn gian dối, cung cấp thông tin sai lệch khiến nhà đầu tư nghĩ Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP thuộc Bộ Quốc phòng.
Để tạo thêm lòng tin, ông Giang cùng các bị cáo thuê người làm giả bằng khen của Thủ tướng và đưa ra những khoản khuyến mại lớn như nộp 7 triệu đồng sẽ được thưởng hơn 400 triệu. Hoặc nhà đầu tư vận động được nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp sẽ được thưởng ôtô trị giá một tỷ đồng, hoặc căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng.
VKS cáo buộc Lê Xuân Giang đã thu của 68.000 bị hại tổng số tiền gần 2.100 tỷ. Sau khi trừ các chi phí thực tế, các bị cáo chiếm đoạt hơn 1.100 tỷ.
Sáng 22/12, HĐXX và đại diện VKSND tiếp tục xét hỏi 7 bị cáo.