Lúc 8h20 19/11, HĐXX bắt đầu xét hỏi Nguyễn Văn Dương. Cựu Chủ tịch Công ty CNC đeo kính, mặc áo khoác, hai tay đan chéo nhau. Người bị cáo buộc Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền trả lời ngập ngừng, đứt đoạn và nói chậm.
CNC trở thành công ty "nghiệp vụ" ra sao?
Trước tòa, Dương khai bản thân anh ta tôn tọng các cáo buộc VKSND tỉnh Phú Thọ. Ngay lập tức, chủ tọa yêu cầu anh ta khẳng định tính đúng, sai của những căn cứ buộc tội trong cáo trạng và lời khai của Phan Sào Nam ở phần xét hỏi.
“Tôi bị cách ly nên không được nghe hết. Nhưng sau khi được HĐXX tóm tắt, tôi xin tôn trọng và xác nhận lời khai của Nam là đúng”, Nguyễn Văn Dương nói.
Nói về quá trình thành lập Công ty CNC để hợp tác với C50, Dương khai thời gian đầu, người giới thiệu CNC là một lãnh đạo Bộ Công an. Qua trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hóa, Dương biết C50 đang có chủ trương thành lập công ty nghiệp vụ, mục đích để hoạt động kinh tế nghiệp vụ, phục vụ cho Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50).
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Nguyễn Văn Dương đến tòa. Ảnh: B.C. |
Sau đó, Công ty CNC ký thỏa thuận hợp tác với C50, về đề án thành lập CNC trở thành doanh nghiệp hoạt động kinh tế nghiệp vụ, phục vụ C50. Người ký là Dương và cựu Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa.
“Trong bản hợp tác thỏa thuận về nội dung gì?”, nghe chủ tọa truy vấn, Dương nói anh ta không nhớ rõ hết do thời giam tạm giam lâu, mà chỉ nêu tóm tắt các nội dung chính, gồm: Hoạt động kinh tế thông thường phục vụ kinh doanh và hoạt động hóa trang trinh sát phục vụ phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Trước bục khai báo, Nguyễn Văn Dương cho biết theo đề án, C50 góp 20% vốn và tham gia về con người. Ông Hóa là người đại diện để giám sát các hoạt động của Công ty CNC.
Tiếp tục trả lời xét hỏi, cựu Chủ tịch CNC khai đầu năm 2015, doanh nghiệp này được công nhận là công ty nghiệp vụ của công an. Ban đầu, CNC phải thuê trụ sở bên ngoài. Sau đó, Dương đề xuất lãnh đạo C50 về việc thuê lại trụ sở số 10 Hồ Giám (Hà Nội).
Ngoài ra, trùm ổ bạc Nguyễn Văn Dương còn khai Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao từng có kế hoạch tuyển dụng bị cáo vào ngành công an để phát triển việc đấu tranh, phòng chống tội phạm trên mạng.
Game không được cấp phép nhưng vẫn vận hành
Theo lời khai của Nguyễn Văn Dương, đầu 2015, anh ta và Phan Sào Nam ký hợp đồng về việc cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ cho dịch vụ của game bài Rikvip.
Sau khi ký kết xong, Dương đã báo cáo cho ông Nguyễn Thanh Hóa biết. Hợp đồng nêu rõ phía CNC phải chịu trách nhiệm pháp lý trong việc xin cấp phép game bài Rikvip hoạt động.
“Vậy bị cáo đã xin cấp phép cho game vận hành chưa?”, chủ tọa đặt câu hỏi. Trả lời HĐXX, Nguyễn Văn Dương trình bày trong lúc Rikvip vận hành thì anh ta đang làm thủ tục xin cấp phép.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương đang trả lời câu hỏi của luật sư. Ảnh: Việt Linh. |
Trùm ổ bạc nghìn tỷ khai sau gần một năm vận hành, anh ta mới đề nghị ông Nguyễn Thanh Hóa làm thủ tục xin cấp phép cho game bài hoạt động. Việc này Dương khai chỉ có cựu Cục trưởng C50 biết, còn không báo cáo ông Phan Văn Vĩnh. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan chức năng đã không cấp phép cho game bài Rikvip hoạt động nhưng Dương và Nam vẫn tiếp tục vận hành trò chơi.
“Bị cáo giải thích vì sao game không được cấp phép mà vẫn vận hành?”, nữ chủ tọa nối tiếp câu hỏi. Dương suy nghĩ một lúc rồi trả lời, trong hoàn cảnh của một công ty nghiệp vụ, Công ty CNC đang làm thủ tục xin cấp phép thí điểm. “Về cơ bản đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng Bộ TT&TT là đơn vị cấp phép thì chưa cấp”, Dương phân trần và thừa nhận, đó là hành vi sai phạm.
Ngạc nhiên vì bị cáo buộc rửa tiền
Tiếp tục trả lời thẩm vấn về cáo buộc rửa tiền, Nguyễn Văn Dương khai bản thân anh ta rất ngạc nhiên khi bị cơ quan An ninh điều tra khởi tố tội danh này.
“Tôi không nhận thức điều đó. Như HĐXX và mọi người đều biết, nó gần như chưa phổ biến với người dân”, bị cáo trần tình và giải thích anh ta hoạt động kinh doanh và là nhà đầu tư. Do đó, khi có kết quả từ hoạt động kinh doanh này thì sẽ tiếp tục đầu tư hoạt động kinh doanh khác.
Còn về cáo buộc rửa tiền khi đầu tư vào dự án đường cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, Dương phân bua lúc đó là thời điểm Nhà nước đang khuyến khích xã hội trong việc phát triển công trình hạ tầng giao thông.
Chủ tọa ngắt lời và tiếp tục đặt câu hỏi: “Vậy bị cáo nâng vốn điều lệ của Công ty UDIC giai đoạn 2015-2017 ra sao?”. Dương khai tại doanh nghiệp này, anh ta với tư cách Chủ tịch HĐQT nên chỉ là người chủ trương. “Anh em ở đó là người thuê đơn vị tư vấn tài chính và thực hiện nên tôi không nắm rõ quy trình”, Nguyễn Văn Dương phân trần.
Theo cáo buộc, sau 28 tháng vận hành, game bạc mang lại doanh thu trái phép hơn 9.850 tỷ. Riêng Nguyễn Văn Dương thu lợi bất chính 1.655 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50. Ảnh: Việt Linh. |
Theo cáo buộc, sau đó Dương mượn giấy tờ người thân thành lập 4 công ty “ma” để rửa tiền. Ông trùm đường dây đánh bạc đã chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC.
Ngoài ra, bị cáo còn ký hợp đồng khống với các doanh nghiệp “ma” để rút tiền ra. Khi được ăn chia khoản tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc, Dương tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp đứng danh nghĩa công ty, cá nhân đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền tổ chức đánh bạc thành tiền sạch.
Thâu tóm game bất hợp pháp?
Thẩm vấn Nguyễn Văn Dương, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ đặt nghi vấn trùm cờ bạc lợi dụng sự giúp đỡ của lãnh đạo C50 tìm cách thâu tóm các game online bất hợp pháp.
VKS trình chiếu lên màn hình bản báo cáo sơ kết 2 năm hoạt động, chỉ ra rằng CNC muốn C50 tạo điều kiện để cổng thanh toán SSpay của đơn vị trở thành cổng thanh toán duy nhất trong cộng đồng game online, trong đó có các game bất hợp pháp.
“Đó là tham vọng thâu tóm toàn bộ game bài bất hợp pháp qua tay bị cáo, đâu phải chỉ tham gia để nắm bắt nghiệp vụ”, kiểm sát viên nhận định.
Không đồng tình với quy kết thâu tóm, Dương lý giải chức năng thanh toán sẽ nắm được người sử dụng. Đây là việc quan trọng nếu muốn trinh sát hoạt động game bất hợp. Thời điểm đó, các game hoạt động nhiều, cơ quan chức năng không kiểm soát được. Đề xuất trên nhằm tạo điều kiện để công ty bình phong nắm bắt, đề xuất quản lý hoạt động đánh bạc trực tuyến.
Trong phần xét hỏi, viện kiểm sát cũng dành nhiều thời gian đề cập đến việc rửa tiền của Nguyễn Văn Dương.
"Bị cáo giải thích vì sao chỉ dành 20 tỷ đồng từ tổ chức đánh bạc nộp vào công ty UDIC, trong khi bán cổ phần lại được 392 tỷ để rút tiền ra?", công tố viên hỏi. Dương khai sau nhiều năm kinh doanh, anh ta tích lũy được rất nhiều tiền. Do không chứng minh được nguồn gốc tiền đầu tư vào UDIC nên bị cáo tôn trọng cáo buộc của viện kiểm sát.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương trả lời thẩm vấn của luật sư. Ảnh: Việt Linh. |
Trình chiếu số liệu đã được đối soát, kiểm sát viên nghi ngờ về việc sử dụng tiền thu lợi bất chính của Dương vì bị cáo không chứng minh được tiền thu từ Rikvip đang để ở đâu, cũng chưa làm rõ được nguồn gốc tiền đầu tư vào UDIC. Trong khi, kế toán giúp việc cho Dương khai đã nộp tiền quay vòng vào UDIC để nâng khống vốn điều lệ.
"Riêng giai đoạn Rikvip (trước khi đổi tên thành Tip.Club) tiền bị cáo hưởng ngoài sổ sách là 393 tỷ. Số tiền này bị cáo đem đi đâu, nếu không ném vào UDIC?", kiểm sát viên truy vấn. Nguyễn Văn Dương một lần nữa nói vì không chứng minh được việc sử dụng tiền nên tôn trọng nội dung cáo trạng quy kết bị cáo rửa tiền.
Nói thêm về việc đầu tư, Dương nói CNC có chiến lược đầu tư một số giải pháp công nghệ phòng chống tội phạm công nghệ cao. Công ty sau đó hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài để chuẩn bị nhập các thiết bị. Do bí mật nên giai đoạn điều tra, bị cáo chỉ khai một phần nhất định.
Theo Nguyễn Văn Dương, quá trình hoạt động, có nhiều chi phí công ty không thể hạch toán sổ sách. Ngoài ra, còn có những khoản thất thoát khác liên quan đầu tư bên ngoài do bị cáo bị tạm giam. Tính đến nay, ông trùm nộp khắc phục 15% số tiền chiếm hưởng, trong khi Phan Sào Nam là 90,7%, chưa kể tiền bán nhà mới nộp.