Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Hiếu:"kẻ thủ ác" trong khuôn mặt lành

Trong chuyến lưu diễn tháng mười năm ngoái, vì lý do khách quan mà Nhà hát kịch Hà Nội đành lỡ hẹn với khán giả miền Nam vở Xuân tím, cũng vì thế mà lỡ hẹn luôn với nhân vật Tình “ác chịu không nổi” của Trung Hiếu. Bởi vậy lần này vào Nam như để “đền bù” khán giả, Trung Hiếu đã “quậy tưng” trên sân khấu Nhà hát TP với vai hai anh em sinh đôi người hiền - kẻ ác.

Trung Hiếu:"kẻ thủ ác" trong khuôn mặt lành

Trung Hiếu:`kẻ thủ ác` trong khuôn mặt lành

Ảnh: H.O

Trong chuyến lưu diễn tháng mười năm ngoái, vì lý do khách quan mà Nhà hát kịch Hà Nội đành lỡ hẹn với khán giả miền Nam vở Xuân tím, cũng vì thế mà lỡ hẹn luôn với nhân vật Tình “ác chịu không nổi” của Trung Hiếu. Bởi vậy lần này vào Nam như để “đền bù” khán giả, Trung Hiếu đã “quậy tưng” trên sân khấu Nhà hát TP với vai hai anh em sinh đôi người hiền - kẻ ác.

Kẻ ác khiến người ta ghét đã đành, nhưng ngộ thay “kẻ ác” Trung Hiếu lại chính là nhân vật để lại nhiều xúc cảm nhất.

Suốt hơn hai tiếng đồng hồ, Trung Hiếu “quần quật” trên sân khấu với hai anh em Linh - Đàm của Đứa con bị đánh cắp. Đàm hiền lành, đĩnh đạc, tài giỏi bao nhiêu thì Linh ngỗ ngược, côn đồ, xảo trá bấy nhiêu. Nếu như sự thay đổi phục trang, bối cảnh giúp người xem phân biệt được sự khác nhau bên ngoài của Linh - Đàm thì chính diễn xuất điêu luyện của Trung Hiếu đã khiến họ không thể nào lầm lẫn hai nhân vật dù giống nhau như tạc. Màn vừa hạ với Đàm kính cận thư sinh thì đến khi màn kéo lên, chỉ trong tích tắc đã thấy một Linh lưu manh, cong cớn bước ra với ánh nhìn ma mãnh, giọng cười đểu cáng.

Những tích tắc đó là kết quả của hơn hai tháng trời Hiếu tập luyện vất vả, nghiền ngẫm những lời thoại dài dằng dặc trong một kịch bản hơn trăm trang, rồi cả cái cách anh tự “ám” nhân vật vào mình, tự “làm việc độc lập” với những biến đổi trong tâm lý của nhân vật. Một vai dày dặn, đất diễn thênh thang, tha hồ mà tung tẩy, mà sáng tạo,“xả thân” hết mình với sân khấu... Nhưng vừa diễn xong, cảm giác của Trung Hiếu là “mệt không chịu được!”. Anh buông câu cửa miệng: “Sợ thật!”.

Nhớ lại, có lẽ Trung Hiếu đã “trượt dài” trên con đường “bất nhân” này đã được hơn bảy năm, kể từ vai phản diện đầu tiên: tổng giám đốc công ty vàng bạc đá quí Vũ Ninh trong vở kịch Ảo vọng. Lúc ấy Hiếu còn non lắm, cả về diễn xuất lẫn cái khuôn mặt “hiền bẩm sinh” luôn được đo ni cho những vai thư sinh nho nhã và hơi ngố. Được dịp như mở cờ, Hiếu đã hồ hởi “bắt” lấy Vũ Ninh như một cách để tự làm mới hình tượng trong mắt khán giả, làm mới những góc độ diễn xuất trên sân khấu và quan trọng nhất là làm mới chính cảm xúc của mình qua từng vai diễn. Bởi theo anh, làm diễn viên sợ nhất là sự mòn cũ, đến một lúc nào đó nó sẽ làm triệt tiêu đi những sáng tạo và hủy diệt những hạt nhân cảm xúc cần thiết.

Thế là từ đó khán giả bắt đầu quen với một Trung Hiếu - tay chơi ngạo mạn, vung tiền không tiếc, nói tục xoen xoét, chuyên đi... hại đời các cô gái trong những Khang của phim Đường đời, tướng cướp Phạm Bạch Đàn trong Lời sám hối muộn màng, Thiện Thiêm trong Ngôi sao lạc trời, Tống Thoại trong Cát bụi, Tình trong Xuân tím...

Mỗi nhân vật là một kiểu ác khác nhau, nhưng cái ác nào cũng làm người ta thấy khó chịu, bức bối, tức anh ách, muốn la, muốn đánh mà không làm gì được bởi nó trơ trẽn quá, thản nhiên quá. Để cho cái ác có thêm “hiệu ứng hình ảnh”, Hiếu đã cạo hẳn một phần tóc của mình để khuôn mặt của nhân vật Tống Thoại trong Cát bụi thêm phần xảo quyệt, tham vọng (mà mãi một năm sau tóc mới... mọc lại như trước). Với nhân vật này, Hiếu đoạt huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2004, đồng thời cũng được luôn giải... “Nhân vật đáng ghét nhất trong năm” do báo chí bình chọn!

Ngay cả người thân của Hiếu đi xem về cũng giật mình, không nhận ra “cái thằng thư sinh kính cận với nụ cười hiền lành” ngày xưa đâu nữa. Thậm chí có lần mẹ anh giận, bảo: “Thôi từ nay đừng nhận mấy vai như thế nữa, xấu hổ lắm!”. Còn với Trung Hiếu, đã chấp nhận “gian ác” thì cũng chấp nhận bị ghét, nhưng anh luôn cố gắng đi tìm cho nhân vật của mình một lý do để ác, một lý lịch để cuộc đời của “hắn” vì thế mà bị đưa đẩy, bị vùi dập. Anh luôn tin rằng con người ta dù có mưu mô xảo quyệt hay tàn nhẫn đến đâu thì những điều thiện lương vẫn tồn tại ở một góc nào đó trong tâm hồn. Và trên hành trình khắc họa họ, bằng cách này hay cách khác anh luôn muốn mở ra những góc tối đó.

Là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, hiện là trưởng đoàn kịch 1 - Nhà hát kịch Hà Nội, Trung Hiếu đang vào độ sung sức nhất của nghề nhưng trông anh vẫn không khác mấy so với Thiện của Giải hạn nhiều năm trước. Vẫn là mái tóc ngố, nụ cười xòa, vẫn cách xưng “mình”, “bạn” mỗi khi nói chuyện. Có khác chăng là bây giờ anh bận rộn hơn, lo toan hơn với vai trò của người quản lý. Điện thoại cứ reo liên tục, nào là chuyện hợp đồng biểu diễn, chuyện vé, chuyện ăn ở của các anh em trong đoàn.

Tất bật là vậy nhưng nếu lúc nào thấy lòng cần yên tĩnh, anh lại lôi bút mực ra để... viết thư pháp. “Nghệ du” là chữ mà anh thích nhất - một cuộc rong chơi trong nghệ thuật. Là rong chơi, bởi tình cờ mà anh ghé qua và “ở tạm” đến giờ, nhưng cũng lắm công phu, bởi khi mỗi vai diễn đi qua, khi trút bỏ những lớp “mặt nạ” của sân khấu, có lúc anh lại rơi vào một khoảng trống vô hạn của những ám ảnh, những dằn vặt, những gai góc mà anh vừa “sống”. Bất giác anh lại chép miệng: “Sợ thật!”

Theo TT

Theo TT

Bạn có thể quan tâm