Vừa qua, Viện KSND Tối cao đã nhận đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án ly hôn từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Để có thời gian xem xét đơn, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định tạm hoãn thi hành án phần tài sản trong vụ ly hôn giữa bà Thảo với ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Sau đó, Tập đoàn Trung Nguyên cho biết ông Vũ đã nộp hơn 1.190 tỷ đồng tiền thi hành nghĩa vụ thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo, trước khi Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của Viện KSND Tối cao. Do đó, tập đoàn này cho rằng yêu cầu hoãn thi hành án không gây ảnh hưởng đến các nội dung đã được thi hành cũng như việc danh sách cổ đông mới không có tên bà Thảo.
Tuy nhiên, bà Thảo phản bác, khẳng định bà đang được duy trì tất cả các quyền hợp pháp của bà tại Tập đoàn Trung Nguyên. Vậy quan điểm của bên nào đúng theo quy định của pháp luật?
Không có căn cứ hoãn thi hành án?
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo Luật Thi hành án Dân sự, bản án của Tòa án cấp phúc thẩm là bản án có hiệu lực thi hành. Luật này cũng quy định người phải thi hành án có quyền tự nguyện thi hành bản án (điểm a khoản 1 Điều 7a).
Trong bản án phúc thẩm của vụ án này, ông Vũ là người phải thi hành án đối với phần chênh lệch phải trả cho bà Thảo nên ông Vũ có quyền tự nguyện thi hành án.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng luật sư sau phiên tòa ngày 2/12/2019. Ảnh: Lê Quân. |
Khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án Dân sự lại quy định “thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”. Theo thông tin đã công khai, cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án và ông Vũ đã thi hành án xong.
Về việc hoãn thi hành án theo quyết định của VKSND Tối cao, luật sư Vũ chỉ ra theo khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án Dân sự, trường hợp vụ việc đã được thi hành một phần hoặc đã được thi hành xong thì cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án.
Theo thông tin đã công bố, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhận được văn bản hoãn thi hành án sau khi ông Vũ đã thi hành án xong nên theo luật sư Vũ, cơ quan này không có căn cứ để hoãn thi hành án và đã thông báo cho VKSND Tối cao.
"Như vậy, với diễn biến nêu trên mà không có tình tiết gì khác thì có thể thấy việc tự nguyện thi hành án của ông Vũ là phù hợp với Luật Thi hành án Dân sự. Chính Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cũng đã công nhận ông Vũ thi hành án xong và ban hành Giấy xác nhận kết quả thi hành án. Quyền lợi của các bên trong quá trình thi hành án và sau khi thi hành án sẽ thực hiện đúng bản án có hiệu lực", luật sư Vũ nêu.
Theo luật sư, ông Vũ đã tự nguyện thi hành án theo đúng luật nên việc yêu cầu hoãn thi hành phần chia tài sản của bà Thảo không có cơ sở. Ảnh: Lê Quân. |
Cụ thể, đối với phần thanh toán chênh lệch và sở hữu cổ phần, bản án quy định rõ “sau khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền chênh lệch”, ông Vũ được quyền liên hệ với các Sở Kế hoạch và Đầu tư liên quan để làm thủ tục thay đổi “giấy phép kinh doanh theo quy định”.
Về số tiền ông Vũ đã thi hành, nộp cho cơ quan thi hành án thì cơ quan này sẽ thanh toán cho bà Thảo theo đúng quy trình, nghiệp vụ, như: Cơ quan thi hành án sẽ thông báo cho đương sự đến nhận tiền, đương sự có yêu cầu chuyển khoản thì làm đơn đề nghị...
Bà Thảo có bị tước quyền cổ đông?
Về việc Trung Nguyên tuyên bố bà Thảo không còn là cổ đông công ty, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng trong trường hợp ông Vũ đã hoàn tất thủ tục và được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không có tên bà Thảo thì ông Vũ tiếp tục điều hành công ty theo giấy đăng ký mới.
Còn trong trường hợp ông Vũ chỉ mới liên hệ Sở Kế hoạch Đầu tư, nhưng chưa được cấp lại giấy đăng ký doanh nghiệp thì việc cấp lại sẽ bị tạm dừng, doanh nghiệp hoạt động theo giấy cũ. Lúc này, bà Thảo vẫn còn là cổ đông của công ty.
"Quyết định tạm hoãn thi hành án phần chia tài sản của Viện KSND Tối cao làm cho hiệu lực của bản án phúc thẩm đối với phần này bị tạm hoãn thi hành trong thời hạn 3 tháng để xem xét kháng nghị. Còn số tiền ông Vũ đã nộp vào Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, nếu bà Thảo chưa nhận thì tiền này sẽ tiếp tục được tạm giữ tại thi hành án", luật sư Dũ nêu quan điểm.
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói thêm quyết định tạm hoãn thi hành bản án phúc thẩm đồng nghĩa với việc bản án phúc thẩm sẽ chưa có hiệu lực thi hành. Như vậy, có nghĩa là bà Thảo vẫn chưa bị tước hết quyền cổ đông tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Trong vụ này, phía ông Vũ cho biết đã thi hành xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch tài sản nên Cục Thi hành án dân sự thành phố không ra quyết định hoãn thi hành án đối với phần tài sản theo yêu cầu của Viện KSND Tối cao.
Theo luật sư Dũng, việc ông Vũ nộp hơn 1.190 tỷ vào Cục Thi hành án dân sự TP là nghĩa vụ của ông Vũ, còn phía bà Thảo có nhận tiền đó hay chưa thì chưa được xem xét. Hoàn thành việc thi hành án không đồng nghĩa với việc cá nhân tự nguyện thi hành án. Quá trình thi hành án được xem là hoàn thành khi Cục Thi hành án đã thi hành hoàn tất bản án có hiệu lực pháp luật.
Sau 4 năm bà Thảo nộp đơn ly hôn, ngày 5/12/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo; công nhận tự nguyện thỏa thuận các bên. Giao bà Thảo nuôi các con chung; chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng cho các con mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ 2013 cho đến khi học xong đại học.
Về tài sản, giao cho ông Vũ quản lý cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Về bất động sản, tòa giao bà Thảo được sỡ hữu, quản lý, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ; ông Vũ được quản lý đất và tài sản gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ.
Giao bà Thảo sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ đang sở hữu tại các ngân hàng trị giá hơn 1.764 tỷ đồng. Ông Vũ phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo số tiền 1.510 tỷ.
Tòa cũng ghi nhận sự tự nguyện của ông Vũ trong việc giao cho bà Thảo sở hữu phần tài sản của ông Vũ tại Công ty Trung Nguyên Singapore.
Đồ họa: Minh Hồng. |
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: 'Qua không vui khi phút cuối vợ vắng mặt' |