Tháng 7/2018, Cnwest đưa tin nữ sinh họ Lý, sinh viên năm cuối ngành Tiếng Anh tại ĐH Sư phạm Thiểm Tây, Trung Quốc, không được cấp bằng sư phạm do không đủ chiều cao. Sự phân biệt đối xử với cô sinh viên cao 1,4 m khiến nhiều người cảm thấy bất bình.
Cộng đồng mạng bất bình
Năm 2014, Lý trúng tuyển vào trường theo diện được chính phủ trợ cấp. Điều này đồng nghĩa cô không phải đóng học phí. Đổi lại, Lý phải công tác tại địa phương tối thiểu 6 năm sau khi tốt nghiệp.
Điều đáng nói, từ năm 2009, Sở Giáo dục tỉnh Thiểm Tây quy định giáo viên nữ phải cao tối thiểu 1,5 m trong khi giáo viên nam phải cao từ 1,55 m trở lên.
Tuy nhiên, khi tuyển sinh, ĐH Sư phạm Thiểm Tây không thông báo đến sinh viên. Lý vẫn trúng tuyển và theo học 4 năm. Chỉ đến khi khám sức khỏe để cấp bằng tốt nghiệp, cô mới được cho biết không đủ điều kiện về chiều cao để trở thành giáo viên.
“Lẽ ra, trường nên thông báo từ cách đây 4 năm, khi tôi nhận thông báo trúng tuyển. Giờ đây, 4 năm học của tôi trở thành vô nghĩa. Tôi cũng vi phạm cam kết nếu không thể lấy được bằng sư phạm”, Lý bức xúc.
Nhiều người bất bình khi Lý không được nhận bằng sư phạm do thiếu chiều cao. |
Từ phía nhà trường, đại diện ĐH Sư phạm Thiểm Tây cho biết họ chỉ làm đúng theo quy định chung, chối bỏ trách nhiệm vì họ “không phải người đưa ra luật lệ”.
Câu chuyện của nữ sinh nhận được sự quan tâm của đông đảo của người dùng mạng. Hàng nghìn người bày tỏ sự đồng cảm với Lý trên Weibo, đồng thời phản đối quy định của Sở Giáo dục Thiểm Tây. Theo họ, khi đào tạo và tuyển dụng giáo viên, yếu tố cần chú trọng là đạo đức và tài năng, thay vì yêu cầu ngoại hình.
Nhiều người nhấn mạnh tuyển dụng giáo viên không phải cuộc thi sắc đẹp, yêu cầu các nhà chức trách xem xét lại quy định chiều cao tối thiểu. Một số người gay gắt hơn, chỉ trích quy định của Thiểm Tây là sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người thấp.
“Không ai muốn còi cọc, thấp bé cả. Chẳng lẽ vì thiếu hụt chiều cao mà họ không có quyền con người?”, một người dùng mạng đặt câu hỏi.
Trước sự việc, ông Hùng Bỉnh Ngọc - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 tại Bắc Kinh, Trung Quốc - phải lên tiếng về quy định chiều cao đối với giáo viên. Ông cho rằng Trung Quốc nên thống nhất quy định, không nên tồn tại tình trạng các tỉnh được đặt ra yêu cầu riêng khi tuyển dụng.
Người cao sẽ giảng dạy tốt hơn?
Trên thực tế, Thiểm Tây không phải tỉnh duy nhất ở Trung Quốc đặt ra yêu cầu về chiều cao đối với giáo viên. Nhiều tỉnh lấy lý do giáo viên cần có chiều cao đủ để viết bảng. Tuy nhiên, trước phản ứng bất bình của dư luận, một số tỉnh dần bỏ quy định này, bao gồm Giang Tây, Tứ Xuyên, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Một nghiên cứu khoa học ở Mỹ cho rằng giáo viên cao hơn sẽ giảng dạy hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tranh luận về thông tin này. Ảnh: Insidehighered. |
Sau vụ việc nữ sinh Lý không được cấp bằng, tỉnh Thiểm Tây cũng hứa hẹn điều chỉnh quy định.
Theo China Daily, ông Dương, cán bộ sở giáo dục tỉnh này cho biết sẽ xem xét và xử lý trường hợp của Lý một cách phù hợp đồng thời thông tin sở đang lên kế hoạch hủy bỏ quy định về chiều cao đối với giáo viên trong năm 2019.
Dù vậy, vấn đề này tiếp tục dấy lên tranh luận khi truyền thông dẫn nghiên cứu cho rằng chiều cao ảnh hưởng hiệu quả giảng dạy. Cụ thể, năm 2011, Washington Post dẫn lại nghiên cứu của hai nhà khoa học Tom Able và Eric Fotushek trên Education Tweak, cho rằng người cao hơn dạy học tốt hơn.
Bằng phương pháp mô hình thống kê tinh vi, Able và Fotushek chỉ ra rằng nếu mỗi năm, Mỹ loại khoảng 7% giáo viên thấp khỏi hệ thống giáo dục và thay thế bằng người cao hơn (khoảng 1,64 m với nữ, 1,78 m với nam), trong vòng 10 năm, chất lượng giáo viên nước này sẽ vào hàng tốt nhất thế giới.
“Điểm mấu chốt của nghiên cứu là từ đầu, chúng tôi đã tiến hành xác định hiệu quả giảng dạy tương quan với chiều cao của giáo viên trước khi xem xét số liệu”, ông Able giải thích.
Fotoshek nói thêm nhìn chung, giáo viên có năng lực yếu hơn thường là những người thấp hơn. Vì thế, họ đề nghị nên cải thiện chiều cao của những người trực tiếp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, nghiên cứu này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, nhiều người cho rằng nó không có cơ sở khoa học.