Theo The New York Times, thời gian qua, chính quyền Trung Quốc liên tiếp có những biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh văn hóa tôn sùng thần tượng. Động thái được đưa ra sau quan ngại về việc các trào lưu trực tuyến đang “đầu độc” giới trẻ.
Các biện pháp xử lý mạnh
Ngày 27/8, Cơ quan quản trị không gian mạng Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm mọi hình thức xếp hạng nghệ sĩ dựa vào mức độ nổi tiếng. Các nhà quản lý cũng đề nghị áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn nhằm kiểm soát việc các hội nhóm người hâm mộ gây lũng đoạn ngành âm nhạc, điện ảnh cũng như các chương trình truyền hình Trung Quốc.
Ngày 28/8, phía Trịnh Sảng thông báo đã nộp khoản tiền phạt trốn thuế trị giá 46 triệu USD. Ảnh: Sina. |
Song song với việc chấn chỉnh thái độ người hâm mộ, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng thẳng tay xử lý các trường hợp nghệ sĩ sai phạm. Nữ diễn viên Trịnh Sảng bị cơ quan điều tra buộc tội trốn thuế với mức phạt 46 triệu USD. Các kênh truyền thông nội địa được yêu cầu không phát sóng nội dung có sự góp mặt của cô. Hồi đầu năm, Trịnh Sáng từng bị tố cáo hành vi thuê người mang thai hộ.
Trong tuần qua, các trang xem video trực tuyến và nền tảng mạng xã hội Trung Quốc đồng loạt gỡ bỏ các nội dung liên quan đến Triệu Vy, một trong những minh tinh hàng đầu của quốc gia tỷ dân.
Các nền tảng xem video tại Trung Quốc cũng không thoát khỏi đợt càn quét của chính quyền nước này. Trong tuần, nền tảng xem video trực tuyến ăn khách iQiyi đã phải hủy bỏ cuộc thi tuyển chọn thần tượng của mình. Theo lời lãnh đạo iQiyi, quyết định hướng đến mục tiêu “vạch ra ranh giới rõ ràng với các xu hướng không lành mạnh trong ngành giải trí”.
Chương trình do iQiyi sản xuất từng chịu chỉ trích vì hành vi sai trái của người hâm mộ với các thí sinh tham gia chương trình. Nhóm người này đã mua rất nhiều sữa từ Mengniu Dairy - nhà tài trợ của chương trình - để kiếm điểm cho thần tượng. Lượng sữa không uống đến đã được họ thuê người đổ xuống một mương nước.
Chấn chỉnh cộng đồng người hâm mộ
Cơ quan chức năng Trung Quốc cũng chỉ trích nhiều biểu hiện lệch lạc của cộng đồng người hâm mộ quá khích. Một nhóm fan cuồng Ngô Diệc Phàm, ca sĩ kiêm diễn viên người Canada gốc Trung Quốc bị bắt giam vì hành vi cưỡng hiếp, đã kêu gọi gây quỹ giúp thần tượng trang trải án phí.
Trên một trang mạng xã hội Trung Quốc, người hâm mộ Ngô Diệc Phàm từng đăng tải nhiều nội dung thảo luận về “nhiệm vụ giải cứu” thần tượng khỏi án tù. “Tôi có kế hoạch này sẽ cứu được anh chúng mình. Tôi cày nát phim Prison Break rồi nên biết rõ mình sẽ phải làm gì”, một tài khoản Weibo viết.
Theo Sina, truyền thông đã mất liên lạc với Triệu Vy và công ty quản lý của cô hơn hai tuần. Ảnh: Sina. |
Hội nhóm người hâm mộ nghệ sĩ thần tượng cũng trở thành mỏ vàng cho các tập đoàn lớn. Những doanh nghiệp này thuê ngôi sao với tầm ảnh hưởng lớn làm đại diện cho nhãn hàng của mình để khuyến khích cộng đồng người hâm mộ tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, việc quảng cáo bằng thần tượng đã biến tướng thành nhiều hành vi trục lợi. Một số nền tảng, thậm chí chính fanclub, yêu cầu thành viên trả phí để được xem ảnh chất lượng cao của thần tượng hay kêu gọi họ tài trợ tiền cho các chiến dịch quảng bá hoạt động của ngôi sao.
Theo Mark Tanner, Giám đốc quản lý hãng marketing và nghiên cứu thị trường China Skinny có trụ sở tại Thượng Hải, trên 50% kinh phí marketing của nhiều nhãn hàng hiện được dành cho việc thuê các tên tuổi nổi tiếng trên Internet làm gương mặt đại diện.
“Tương lai của chúng ta là một thế hệ thực sự cô đơn. Họ gắn bó với những cảm xúc ảo trên Internet. Điều này đã tạo ra thay đổi trong cách marketing của nhãn hàng. Với tư cách nhà kinh doanh, bạn không thể coi nhẹ sức mạnh này.
Người hâm mộ sẵn sàng chi tiền mua tất cả sản phẩm mà thần tượng của họ đại diện. Thế nên, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là ký hợp đồng quảng cáo với một vài gương mặt ăn khách”, Tanner cho hay.
Động thái tuyên chiến với người hâm mộ cực đoan và các nghệ sĩ vô kỷ luật phản ánh nỗ lực kiểm soát ngành công nghiệp giải trí tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng phát biểu sứ mệnh của nghệ thuật và văn hóa là phục vụ người dân. Trong 7 năm qua, Trung Quốc đã có những biện pháp siết chặt kiểm soát và định hướng sự phát triển ngành công nghiệp giải trí nước nhà.
Nghệ sĩ cần tuân thủ luật pháp và sống có đạo đức
Theo lời Hung Huang, một blogger nổi tiếng kiêm chủ bút một tạp chí tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc dần bắt kịp sự phát triển của nền văn hóa thần tượng. “Tôi nghĩ vấn đề Trung Quốc đang phải đối mặt cũng giống với nhiều quốc gia khác. Đó là sự phát triển của công nghệ đã vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Các nhà hành pháp chưa thể bắt kịp với sự bùng nổ của công nghệ mới. Cộng đồng người hâm mộ chính là thứ công nghệ của thời đại mới”, Hung nói.
Ngôi sao Hong Kong Lucas cũng mất sạch danh tiếng ở tuổi 22 vì scandal tình dục. Ảnh: SM. |
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhận được nhiều báo cáo về các hành vi cực đoan của người hâm mộ trên diễn đàn trực tuyến. Mâu thuẫn giữa các cộng đồng người hâm mộ đã diễn tiến thành bạo lực mạng, xâm phạm đời tư cá nhân khi thông tin chi tiết của một người dễ dàng bị công khai trực tuyến.
Không chỉ chấn chỉnh người hâm mộ, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng nhắm đến ngành kinh tế thứ cấp khuyến khích fan mua các sản phẩm mà thần tượng của họ đại diện.
“Các hành vi trục lợi bất chính khiến hệ sinh thái Internet ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý và thể chất của thanh thiếu niên. Chúng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ công chúng”, đại diện cơ quan quản lý Internet Trung Quốc phát biểu hồi đầu năm.
Như một hình thức cảnh cáo chung với giới nghệ sĩ, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp xử lý mạnh tay các cá nhân vi phạm. Một trong số đó là xóa bỏ hoàn toàn sự hiện diện của họ trên không gian mạng nước này. Việc thanh trừng diễn ra nhanh chóng, có rất ít hoặc không có giải thích cụ thể. Trường hợp của Triệu Vy tuần qua là một ví dụ.
Khán giả vẫn có thể truy cập tài khoản Weibo của Triệu Vy trong ngày 27/8. Tuy nhiên rất nhiều bộ phim, chương trình truyền hình và video có sự góp mặt của nữ diễn viên đều bị gỡ bỏ khỏi Internet. Những cuộc thảo luận có lượng truy cập cao về nữ diễn viên trên các diễn đàn, mạng xã hội cũng chịu chung số phận. Tên Triệu Vy bị xóa khỏi những sản phẩm cô từng tham gia.
Một bài đăng vào đêm ngày 27/8 trên trang thông tấn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Từ giờ sẽ không còn chỗ cho hành động sai trái của các nghệ sĩ. Nếu muốn theo đuổi sự nghiệp biểu diễn, trước hết, bạn phải tuân thủ pháp luật và sống có đạo đức. Nếu không, chỉ cần một hành vi vi phạm, con đường nghệ thuật của bạn coi như đã tận”.