Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc đổ bộ vào thị trường giải trí Hàn

5 năm qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ 3 nghìn tỷ won (khoảng 2,5 tỷ USD) vào thị trường game, phim ảnh và giải trí của quốc gia láng giềng.

Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc trở thành cổ đông quan trọng của các công ty giải trí Hàn Quốc. Đây được coi là xu hướng lạc quan, cho phép làn sóng Hàn mở rộng thị phần trên thế giới, tuy nhiên, xét về dài hạn, nó cũng đặt ra không ít lo lắng cho những người làm nghề.

Mở ra cơ hội

Theo Hiệp hội kinh doanh nhỏ và vừa của Hàn Quốc, 5 năm qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ hơn 3 nghìn tỷ won (khoảng 2,5 tỷ USD) vào thị trường game, phim ảnh và giải trí xứ kim chi.

Xu hướng này bắt đầu rầm rộ từ hơn 1 năm trước, khi các văn bản ghi nhớ trở nên phổ biến hơn các loại hình đầu tư trực tiếp.

Signal Entertainment Group Corp. là trường hợp mới nhất. Trong văn bản điều chỉnh gần đây, công ty giải trí Hàn Quốc cho biết đã phát hành 21,45 tỷ won (khoảng 17,89 triệu USD) giá trị cổ phiếu cho Spearhead Integrated Marketing Communication Co. Theo đó, công ty marketing của Trung Quốc sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Signal Entertainment Group Corp., hiện quản lý 2 diễn viên nổi tiếng của màn ảnh Hàn là Kim Hyun Joo và Lee Mi Yeon.

Năm 2014, Juna International Ltd. của Trung Quốc mua lại Chorokbaem Media, công ty từng sản xuất một loạt bộ phim truyền hình ăn khách khắp châu Á như Jumong, All in, The producers,...

Làng giải trí Hàn Quốc trở thành thị trường yêu thích của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Tháng 11/2015, quyền kiểm soát Chorokbaem Media được chuyển sang tập đoàn DMG của Trung Quốc. Cũng trong thời điểm này, Chorokbaem Media mua 3 công ty giải trí khác của Hàn Quốc, đồng nghĩa với việc đặt 3 công ty này dưới quyền kiểm soát của DMG.

Năm ngoái, FNC Entertainment - công ty quản lý 2 nhóm nhạc CNBlue và AOA - cũng phát hành hàng triệu USD giá trị cổ phiếu mới cho Suning Universal Media Co.

Đầu năm nay, Yedang Company ký văn bản ghi nhớ với Banana Project - công ty của Vương Tư Thông, con trai người giàu nhất Trung Quốc Vương Kiến Lâm - để cho ra mắt một công ty liên doanh chuyên quản lý nghệ sĩ trẻ.

Những ví dụ này cho thấy, nền giải trí Hàn Quốc đang rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, dòng tiền Trung Quốc đổ vào Hàn Quốc cũng mở ra cơ hội bước vào thị trường đông dân nhất thế giới cho các công ty, nghệ sĩ xứ kim chi. Nếu không có sự giúp sức của các nhà đầu tư Trung Quốc, đây sẽ là việc làm rất khó.

"Bắt tay với các công ty Trung Quốc cho phép chúng ta tiếp cận thị trường ngách dễ dàng hơn. Như rất nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc ra mắt tại Nhật Bản với sự giúp đỡ của các công ty giải trí địa phương, T-ara đang thực hiện điều tương tự tại Trung Quốc" - Kim Gwang Soo, người đứng đầu công ty quản lý T-ara, phát biểu.

Nhìn nhận thách thức

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc với quá nhiều quyền hạn ở các công ty giải trí Hàn Quốc có thể làm hỏng làn sóng Hàn mà các công ty xứ kim chi đã gầy công gây dựng hàng thập kỷ qua.

"Vốn đầu tư của Trung Quốc là mối lợi trong ngắn hạn. Ở dài hạn, nó cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc quyền làm bất kỳ điều gì họ muốn với các nội dung Hàn Quốc" - người đứng đầu bộ phận marketing nước ngoài của một công ty âm nhạc Hàn chia sẻ trên Korea Times

Tuy nhiên, Park Sang Ju - người đứng đầu Hiệp hội sản xuất phim truyền hình Hàn - lại cho rằng tiếp nhận nguồn vốn Trung Quốc không đồng nghĩa với việc phải hy sinh "định danh" Hàn Quốc.

"Mọi người lo sợ nguồn lực Hàn Quốc có thể bị sử dụng cho Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, điều đó không nhất thiết phải xảy ra. Đây là vấn đề tiền sẽ được sử dụng như thế nào" - ông Park nhận xét.

Các công ty Hàn Quốc có thể sử dụng nguồn vốn này để hiện thực hóa những ý tưởng trước đây họ không làm được vì những khó khăn về tài chính.

"Nếu sử dụng tốt, đây là cơ hội để mở rộng giới hạn của thị trường Hàn Quốc" - ông Park phát biểu.

Phương Ly

Bạn có thể quan tâm