Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng ở giải vô địch châu Phi

Dù chẳng có mấy cầu thủ lục địa đen thi đấu ở Chinese Super League, Trung Quốc vẫn chiếm vai trò quan trọng phía sau cánh gà của giải bóng đá vô địch châu Phi.

Giải vô địch bóng đá châu Phi 2017 tổ chức ở Gabon - quê hương của chân sút khét tiếng Aubameyang. Gabon trước đây đã liên kết với Guinea Xích đạo để đăng cai CAN 2012. Vào năm ấy, Gabon đóng góp 2 sân vận động d'Angondjé (nằm ở thủ đô Libreville) và Franceville (thành phố Franceville). Sân d'Angondjé được tài trợ và xây dựng bởi Trung Quốc.

Tại kỳ CAN năm nay, đất nước giàu tài nguyên Gabon đưa vào sử dụng hai sân mới, song song với các sân của giải 2012. Trung Quốc tiếp tục tài trợ và xây dựng giúp Gabon cả hai sân. Như vậy, 3 trong 4 địa điểm tổ chức CAN 2017 do Trung Quốc bao thầu.

Tháng 12 vừa qua, Tổng thống Ali Bongo Ondimba của Gabon có chuyến công du đến Trung Quốc và gặp gỡ chủ tịch Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh. Dấu mốc quan trọng được xác lập trong chuyến thăm là khi phía Trung Quốc tuyên bố chuyển từ đối tác song phương sang đối tác hợp tác toàn diện với Gabon. Đáng chú ý, chủ tịch Tập tuyên bố sẵn sàng hợp tác sâu rộng hơn nữa dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Trung Quoc chi phoi bong da chau Phi anh 1
Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Gabon. Ảnh: Getty.

Bóng đá, đặc biệt là giải vô địch châu Phi, giữ vai trò dấu gạch đậm nét nối liền mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Gabon. Năm 2016, Trung Quốc chiếm 14,2% trong tổng giá trị hàng xuất khẩu của Gabon. Sản phẩm được đất nước châu Phi xuất sang Trung Quốc nhiều nhất là dầu thô - thứ tài nguyên mà mọi nước phát triển đều thèm muốn. Mangan – loại nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất sắt thép, đứng vị trí thứ hai.

Ngược trở lại năm 2010, Trung Quốc tài trợ và xây dựng cho Angola cả 4 sân vận động tổ chức CAN với tổng chi phí 500 triệu USD. Món hàng xuất khẩu hàng đầu của Angola chính là… dầu thô. Trung Quốc đứng vị trí số 1 về nhập khẩu hàng hóa từ Angola với tổng giá trị 27 tỷ USD, gấp 5 lần so với Mỹ nhập khẩu từ Angola.

Quay lại 2 năm trước nữa, năm 2008, Trung Quốc xây mới 2 sân và cải tạo 2 sân giúp Ghana. Chính phủ của đất nước đông dân nhất thế giới tài trợ cho Ghana tổng 200 triệu USD bằng các khoản vay mềm (lãi suất thấp hơn thị trường). Hàng hóa xuất khẩu số 1 của Ghana đương nhiên là… dầu thô. Thị trường xuất khẩu hàng đầu của Ghana từ những năm 2000 gọi tên Trung Quốc.

Hướng tới CAN 2019, đất nước Cameroon sẽ được tài trợ xây 2 sân mới, cả 2 đều được thiết kế bởi Tổng công ty cơ khí máy móc Trung Quốc. Năm 2009, chính phủ Trung Quốc cho Cameroon vay khoản ưu đãi 40 triệu USD để xây sân Limbe và Bafoussam, hai sân này sẽ được sử dụng cho giải đấu năm 2019.

Vòi bạch tuộc của Trung Quốc đang vươn rộng trong lòng bóng đá châu Phi. Ngày nay, Trung Quốc sử dụng món quà sân vận động bóng đá như một chính sách ngoại giao và một công cụ trong bộ công cụ quyền lực mềm áp lên các nước châu Phi. Ở các quốc gia châu Phi bây giờ, sân vận động dưới hình thái món quà ngoại giao xuất hiện cực kỳ phổ biến.

Trung Quoc chi phoi bong da chau Phi anh 2
Sân vận động do Trung Quốc tài trợ và xây dựng ở thủ đô Gabon.

Trung Quốc rất cẩn thận trong công tác xây dựng các sân vận động, để nếu không thể độc quyền thì cũng được ưu đãi tiếp cận tài nguyên thiên nhiên béo bở ở châu Phi, vốn rất quan trọng trong việc duy trì sức mạnh kinh tế.

Chiến lược ngoại giao sân vận động giúp Trung Quốc thu thập thêm bạn bè châu Phi và tăng cường vị thế trên trường quốc tế.

Các nhà phê bình thì nghĩ khác. Sau tất cả, thứ đang lan rộng trên khắp châu Phi là những sân vận động nguy nga được xây dựng bởi dòng vốn từ châu Á. Kinh tế lục địa đen ngày càng lún sâu vào vũng lầy chi phối của quốc gia đông dân nhất thế giới. Hệ quả, Trung Quốc đang tận dụng ham muốn vươn mình của nền bóng đá lục địa đen bằng hàng loạt thỏa thuận cho vay giá trị thấp. 


Anh Dũng (Theo South China Morning Post)

Bạn có thể quan tâm