Các đại diện K.League từng gặt hái được thành công bậc nhất ở châu Á khi số lần những đội bóng Hàn Quốc vô địch AFC Champions League lên tới con số 10, cao gấp đôi so với thành tích chung của những CLB Nhật Bản. Nhưng từ năm 2012, AFC Champions League không còn trở thành sân khấu riêng cho đại diện xứ sở kim chi nữa, theo đó, làng bóng đá châu Á nổi lên gã nhà giàu Trung Quốc.
Khi K.League mất vị thế anh cả
Nhiều cầu thủ Hàn Quốc liên tục được các đội bóng Trung Quốc chiêu mộ thời gian gần đây. |
Với túi tiền hậu thuẫn không đáy từ các ông chủ lắm tiền nhiều của, các đội bóng Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng thế thống trị được K.League tạo ra. Trong bài xã luận trên ESPN, cây bút chuyên nghiên cứu bóng đá châu Á John Duerden chỉ ra có mỗi Jeonbuk Motors dám chấp nhận bạo chi để tăng cường sức mạnh cho đội nhà, trong khi Suwon, Pohang và Seoul lại gặp khó khăn về tài chính, theo đó, không có những đầu tư đáng kể về lực lượng. Theo quy luật tự nhiên "cá lớn nuốt cá bé", bóng đá Hàn Quốc mất dần vị thế ở châu lục.
Điển hình, đội bóng Guangzhou Evergrande Taobao, do hai tập đoàn hùng mình là Evergrande và Alibaba sở hữu, nhanh chóng lật đổ quyền lực từng thuộc về bóng đá Hàn Quốc để trở thành ông vua mới của làng túc cầu châu Á. Từ năm 2010, đội bóng vừa giành được chức vô địch AFC Champions League đã đầu tư hơn 150 triệu USD để mua cầu thủ giỏi và chiêu mộ các HLV tài năng. Trái ngọt nhanh chóng đến với đội bóng có Robinho thi đấu khi họ 5 lần liên tiếp vô địch giải quốc nội và giành hai danh hiệu AFC Champions League trong 3 năm gần đây.
Hiệu ứng từ Guangzhou Evergrande Taobao cũng nhanh chóng lan tỏa đến các đội bóng khác. Lúc này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu lao vào khai thác thị trường bóng đá Trung Quốc bằng cách đổ tiền xây dựng CLB theo tiêu chí giống hệt Guangzhou Evergrande Taobao. Một trong những bước khởi đầu dễ dàng nhất của họ là "hút máu" nhân sự từ những đội bóng gặp khó khăn tài chính ở giải K-League.
Các cầu thủ Hàn Quốc thích hợp với môi trường bóng đá Trung Quốc hơn. |
Nhưng vì sao Hàn Quốc lại trở thành vùng đất màu mỡ để các "đại gia" của Trung Quốc nhắm tới?
Cầu thủ Hàn thích hợp với giải Trung Quốc
"Dưới góc nhìn của các CLB Trung Quốc, chỉ cần cầu thủ chơi bóng ở Hàn Quốc cũng đủ chứng minh năng lực thật sự của họ," Lee Eun-ho, phát ngôn viên một trong những đội bóng hàng đầu Hàn Quốc, Suwon Samsung Bluewings nói. "Nếu cầu thủ là người Hàn Quốc, điều này đồng nghĩa sự khác biệt về văn hóa không lớn và họ có thể thích nghi dễ dàng với môi trường bóng đá các nước lân cận trong khu vực. Ngoài ra, trình độ trung bình các cầu thủ K.League cũng rất tốt."
Theo phân tích của John Duerden, những đội bóng giàu có Trung Quốc chuộng hàng K.League vì giá rẻ, nhưng lại có chất lượng. Vấn đề với họ để thuyết phục một cầu thủ Hàn Quốc rời quê nhà để sang Trung Quốc chỉ còn nằm ở vấn đề tiền nong. Về khoản này, bên mua thường đưa ra những mức lương rất cao khiến mục tiêu của họ khó cưỡng lại được. Ngoài ra, cầu thủ Hàn Quốc có thể hình cao to và áp dụng lối chơi thiên về sức mạnh, do đó rất thích hợp với môi trường bóng đá Trung Quốc.
Tiền nhiều, các đội bóng Trung Quốc dễ dàng gặt hái được thành công nhờ tăng cường cầu thủ mạnh mẽ. |
Không chỉ mua cầu thủ trẻ mới nổi, những "món hàng" từng khẳng định tên tuổi ở K.League cũng được các CLB Trung Quốc vét sạch. Hè 2015, đội bóng chơi ở giải hạng nhì Hebei của Trung Quốc mua tiền đạo Eduardo của Jeonbuk Hyundai Motors F.C sau khi đưa ra mức giá hấp dẫn đến nỗi đội chủ quản không thể từ chối, dù con số thực tế không được tiết lộ. Điều đáng nói là Jeonbuk Hyundai Motors F.C do tập đoàn khổng lồ Hyundai Motors hậu thuẫn tài chính, song, những năm gần đây thì họ không còn được rót tiền mạnh mẽ từ ông chủ nữa. Vì vậy, đội bóng buộc phải bán chân sút từng ghi 11 bàn ở mùa 2015 cho một cái tên vô danh ở Trung Quốc.
Ngoài ra, Dejan Damjanovic từng tạo dựng tên tuổi ở giải K.League khi trở thành ngôi sao sáng giá nhất của Seoul vào năm 2013, nhưng rốt cuộc cũng bị Beijing Guoan thâu tóm. Hiện tại, Damjanovic, đã 34 tuổi và đang là thành viên tuyển Montenegro, rất muốn về lại Hàn Quốc thi đấu, song các CLB tại đây không thể đáp ứng được phân nửa mức lương của anh. "Thành thật mà nói, đội bóng Trung Quốc trả lương cho tôi rất hậu và đó là cơ hội mà tôi không thể từ chối," Damjanovic chia sẻ.
Cũng theo John Duerden, lớp CLB nhà giàu Trung Quốc ít quan tâm đến những cầu thủ Nhật Bản hơn vì họ tỏ ra không tin tưởng các tiền đạo ở giải J.League. "Các cầu thủ tấn công của Nhất giỏi hơn hậu vệ của họ, song, những CLB Trung Quốc lại thích các bản hợp đồng từ Nam Mỹ hay châu Phi," Luo Ming, phó tổng biên tập tuần báo thể thao Titan ở Bắc Kinh (Trung Quốc) nói, đồng thời giải thích chính mối quan hệ căng thẳng về chính trị giữa Nhật Bản và Trung Quốc khiến hai bên khó thực hiện các vụ mua bán.
Sự lớn mạnh của Trung Quốc và cơ hội cho bóng đá Việt
Với làng bóng đá Trung Quốc, việc bỏ nhiều tiền mua cầu thủ Hàn Quốc và quốc tế không chỉ đơn thuần gói gọn trong khái niệm biến giải quốc nội thành thế lực mới ở châu Á, theo đó, họ còn hướng đến mục tiêu xa hơn. Hơn hết, sự xuất hiện của nhiều tên tuổi giúp chất lượng giải bóng đá ở Trung Quốc được nâng tầm, từ đó trở thành bước đệm cho giấc mơ xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu. Điển hình, trung vệ Kim Young-gwon thi đấu rất tốt ở Guangzhou được khuyến khích sang phương Tây chơi bóng.
Trong khi đó, Damjanovic lại tin rằng các đội bóng Hàn Quốc nên dùng số tiền bán cầu thủ cho Trung Quốc để đầu tư cho đội nhà bằng cách mua những cầu thủ giỏi ở khắp các quốc gia lân cận trong khu vực, mà cụ thể là Incheon United chiêu mộ tiền vệ Xuân Trường của chúng ta mới đây. Điều này sẽ giúp họ dễ dàng giành lại thế cán cân về sức mạnh ở châu lục.
Như vậy, ảnh hưởng từ sự lớn mạnh của bóng đá Trung Quốc và chiến lược "hút máu" nhân tài K-League vô tình tác động đến cơ hội của lứa cầu thủ Việt. Lý do vì các CLB K.League buộc phải có những sự đầu tư khác như sang Việt Nam hoặc Thái Lan mua cầu thủ để chấn chỉnh đội hình hòng tìm lại sức mạnh đang bị nhà giàu Trung Quốc đe dọa.