Ngày 17/6, Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) công bố các điều lệ trong dự thảo mới.
Đáng chú ý, dự thảo này yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải kiểm duyệt toàn bộ nội dung do người dùng đăng tải bao gồm bài đăng gốc, bình luận và phản hồi livestream.
Ngoài ra, văn bản còn đề nghị các cá nhân, tổ chức khi đăng bài lên mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các bình luận của người khác.
Theo SCMP, CAC vẫn đang trưng cầu ý kiến của người dân về dự thảo này cho đến 1/7. Tuy nhiên, rất nhiều người lo ngại quyền tự do của mình trên mạng xã hội ngày càng hạn hẹp.
Dự thảo mới của CAC nhận sự phản đối của nhiều người dân. Ảnh: CNBC. |
Kelly Wu (24 tuổi), một sinh viên tại Bắc Kinh, cho rằng việc kiểm duyệt bình luận trước khi đăng sẽ làm tính năng tương tác trên livestream trở nên kém hấp dẫn.
Theo Wu, những bình luận tức thời mới có thể khiến người dùng như đang thực sự được trò chuyện với nhau. Nếu phải chờ đợi kiểm tra, trải nghiệm không còn thú vị.
"Hiện tại, các mạng xã hội đã có danh sách đen về rất nhiều từ ngữ độc hại, người dùng dễ dàng vi phạm và bị báo cáo. Sắp tới, nếu dự thảo được thông qua, tôi không hiểu nổi làm sao họ có thể kiểm tra từng bình luận", anh nói.
Một người dùng khác tên Tony Shizuku cũng cho biết không hề thích việc bình luận của mình bị kiểm duyệt trước khi đăng tải. Người này liên tục đăng bài viết lên mạng xã hội nhằm kêu gọi mọi người phản đối dự thảo mới của CAC trong thời gian trưng cầu dân ý.
"Nếu dự thảo được thông qua, những gì chúng ta thấy trên mạng chỉ ý kiến được kiểm duyệt, chọn lọc. Các cá nhân sẽ khó thể hiện tiếng nói của mình hơn", Tony nói.
Mạng xã hội và các nền tảng livestream bùng nổ tại Trung Quốc trong nhiều năm qua. Ảnh: SCMP. |
Hiện tại, chưa có nhà điều hành mạng xã hội nào tại Trung Quốc công khai nêu quan điểm về dự thảo của CAC.
Vincent Brussee, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Berlin, Đức), nhận định: "Bình luận là một tính năng phổ biến trên mạng xã hội. Những quy định của 5 năm trước về không gian mạng đã đến lúc cần thay đổi để bắt kịp thời đại. Tôi không ngạc nhiên trước hành động quyết liệt của Bắc Kinh. Những năm gần đây, họ đã làm nhiều thứ nhằm kiểm soát Internet".
Còn theo Chen Di, giảng viên tại Đại học Khoa học và Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, rất khó để các nền tảng kiểm soát toàn bộ bình luận của mọi người.
"Người dùng dễ dàng sử dụng cách diễn đạt khác nhằm thay thế cho từ ngữ nhạy cảm. Điều này giúp họ né được kiểm duyệt, trong khi vẫn lan truyền đi nội dung theo ý mình muốn", ông cho hay.
Ngoài ra, Neysun Mahboubi, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại chưa đưa ra quan điểm cá nhân. Tuy vậy, ông cho rằng người dân cần bình tĩnh chờ quy định cuối cùng, thay vì chỉ phản ứng tiêu cực.