Người giao hàng (thường gọi là shipper) ngày nay xuất hiện cùng với sự phổ biến hình thức mua bán hàng hóa trên mạng Internet (mua hàng online). Nhiều người trẻ đã chọn nghề này để làm kế mưu sinh bởi những đặc tính phù hợp của nghề về độ tuổi, thu nhập...
Tuy nhiên, không ít vụ lừa đảo, cướp tài sản hoặc thậm chí án mạng đã xảy ra trong đó nạn nhân là shipper. Vậy, người làm nghề giao hàng nên và không nên làm gì để tránh rủi ro khi gặp phải kẻ xấu?
Zing.vn có cuộc trao đổi với trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an, về vấn đề này.
Nhận diện tội phạm
- Thủ đoạn phạm tội như cướp tài sản, lừa đảo hay một tội phạm khác mà nạn nhân là shipper xuất hiện khi nào và vì sao, thưa trung tá?
- Hiện nay, thói quen tiêu dùng của người Việt đã có nhiều thay đổi. Thay vì phải ra chợ hay siêu thị mua hàng hóa, người mua có thể tìm kiếm thông tin sản phẩm trên mạng Internet thông qua các trang rao vặt, tài khoản Facebook rồi đặt hàng để shipper giao đến tận nhà.
Trung tá Đào Trung Hiếu đánh giá, nghề shipper dễ đối mặt với nhiều rủi ro khi hành nghề. Ảnh: Hoàng Lam. |
Người mua chỉ cần đặt lệnh, người bán sẽ chuyển hàng hóa đến địa chỉ người nhận thông qua đội ngũ shipper. Đó là một nghề mới hình thành và mang lại thu nhập cũng tương đối tốt cho người lao động, thích hợp với thanh thiếu niên, sinh viên hoặc người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm. Chỉ cần chiếc xe máy, một shipper đã có thể hành nghề.
Tuy nhiên, đây là một nghề ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an ninh, với khả năng bị lừa đảo, cướp, cướp giật tài sản rất cao. Trong đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ bị cướp tài sản. Vụ án Vương Văn Hùng sát hại nữ sinh ship gà tại tỉnh Điện Biên, xảy ra ngày 30 Tết Kỷ Hợi là một ví dụ điển hình. Trước đó, đã xảy ra một số vụ án khác tại Hà Nội.
- Thưa ông, tội phạm thường sử dụng những thủ đoạn gây án nào đối với shipper?
- Thông thường, người bán sẽ gọi shipper chở hàng đến địa chỉ người nhận và giao sản phẩm, có hợp đồng còn thu hộ tiền. Shipper sau đó liên lạc với người nhận hàng trước khi xuất phát tới điểm hẹn. Tuy nhiên, trong nhiều vụ án vừa xảy ra, kẻ gây án đã chủ động hẹn shipper qua số điện thoại họ đưa công khai trên mạng.
Nghề giao hàng tại nhà được nhiều bạn trẻ lựa chọn để mưu sinh. Ảnh minh họa: Zen Nguyễn. |
Thủ đoạn gây án phổ biến có thể mô tả như sau:
Ban đầu, tội phạm đánh đúng vào tâm lý của shipper muốn có việc giao hàng để nhận thù lao, hoặc muốn bán được nhiều hàng (như trường hợp nữ sinh bị giết ở Điện Biên). Chúng mồi bẫy bằng cách đặt mua hàng với số lượng lớn, hoặc hứa trả thù lao vận chuyển cao để kích thích nạn nhân nhận việc.
Tiếp đó, chúng gọi điện hẹn giao hàng hay gặp nhau tại một địa điểm có vẻ rất an toàn (ngoài đường, có nhiều người qua lại…) để nạn nhân không mảy may nghi ngờ.
Khi đã tiếp cận được rồi, trong quá trình tiếp xúc, chúng mới nại ra các lý do hợp lý khác để tiếp tục điều hoặc dụ nạn nhân tới những địa điểm thuận lợi cho việc gây án.
Khi nạn nhân đã đi theo chúng đến địa điểm thuận lợi cho việc gây án, chúng sẽ bất ngờ dùng hung khí tấn công, hoặc đe dọa tấn công ngay tức khắc để chiếm đoạt được khối tài sản nạn nhân mang theo, như xe máy, điện thoại, ví tiền, tư trang.
Nếu nạn nhân chống trả, với bản tính hung hãn chúng có thể ra tay sát hại hoặc đánh gây thương tích để chiếm đoạt được tài sản và tẩu thoát an toàn.
Cách ứng phó khi đối diện kẻ xấu
- Theo trung tá, người giao hàng cần làm gì để phòng ngừa các vụ án có thể xảy ra, nên ứng phó ra sao khi đối diện với kẻ xấu?
- Để phòng ngừa rủi ro khi hành nghề, những người làm nghề shipper cần thường xuyên cập nhật tình hình an ninh trật tự, đọc báo để biết những thủ đoạn phạm tội nào đang xảy ra trong đời sống. Từ đó có ý thức cảnh giác, nhận thức được những rủi ro nghề nghiệp có thể sẽ đối mặt và chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý và nghĩ cách ứng phó nếu chẳng may sự cố xảy ra.
Súng và bình xịt hơi cay cảnh sát thu được sau một vụ cướp. Ảnh: Hoàng Lam. |
Khi nhận được những đơn hàng mà khách yêu cầu vận chuyển vào thời điểm trời tối, đến những nơi xa lạ thì cần thận trọng. Nếu cảm thấy không an toàn thì không nên đi, hoặc có đi thì rủ theo người khác. Không nên mang nhiều tài sản theo người trong những tình huống này. Ngoài ra, luôn mang theo chìa khóa phụ xe máy.
Trường hợp đến nơi gặp khách, nếu khách yêu cầu di chuyển tiếp đến một địa điểm khác không theo thỏa thuận ban đầu thì tuyệt đối cảnh giác, không dễ dàng làm theo yêu cầu của khách, vì đó rất có thể là một cái bẫy đang đợi mình sảy chân.
Khi đó, cần quan sát kỹ đặc điểm ngoại hình của khách, có thể dùng máy điện thoại chụp ảnh khách, gọi điện công khai tại chỗ cho bạn bè, người nhà, thông báo địa chỉ, tình hình, gửi ảnh của khách cho họ. Việc này có tác dụng làm cho kẻ xấu nếu có ý định gây án sẽ dừng lại, vì chúng không dại gì gây tội khi người khác đã có thông tin, hình ảnh về mình.
Còn nếu cảm thấy không an toàn, kiên quyết không đi theo đối tượng. Trường hợp đã đi theo thì cần thận trọng tối đa, dừng lại ngay ở những địa điểm đông người
Tình huống shipper bị đối phương dùng hung khí khống chế để gây án, nếu không có khả năng kháng cự thì tốt nhất ngoan ngoãn chấp hành yêu cầu của tội phạm về tài sản. Đừng manh động chống cự dễ xảy ra nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe. Nếu bị tấn công, tốt nhất thoát ly tài sản càng sớm càng tốt, có thể nhanh chóng rút khóa xe máy rồi ném đi. Sau đó vừa chạy vừa tri hô.
Mục tiêu của thủ phạm là tài sản chứ không phải mạng người. Chúng cũng rất sợ bị bắt nên sẽ không đuổi theo, ở lại thì không nổ máy được xe, đồng thời có thể bị bắt nên chúng sẽ bỏ chạy. Khi đó nạn nhân quay lại nổ máy xe bằng chìa phụ cầm theo.