Trao đổi với VietNamNet trước phiên biểu quyết thông qua nghị quyết bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Châu Thị Thu Nga, ông Nguyễn Sỹ Cương lấy làm tiếc về trường hợp ĐBQH của Hà Nội vừa qua bị bắt do những sai phạm trong làm ăn kinh doanh.
Bà Nga bị bắt giữ từ đầu tháng 1 liên quan đến công việc làm ăn tại công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) mà bà là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ. Bà bị tố cáo lợi dụng vốn, không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng và né tránh không gặp khách hàng mua nhà tại một dự án do Housing Group làm chủ đầu tư.
Từ kỳ họp tháng 10-11/2014, bà đã không thường xuyên có mặt tại các phiên họp với lý do sức khỏe.
- Bà Châu Thị Thu Nga là một trong 2 đại biểu tự ứng của khóa Quốc hội này. Liệu hành vi vi phạm pháp luật trong trường hợp này có dẫn đến việc đánh giá chất lượng của các ĐBQH tự ứng cử, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. |
- Nếu vì trường hợp của một hay hai người mà đánh giá chung thì rất khó. Trong khóa Quốc hội lần này, không nhiều đại biểu tự ứng cử. Tuy nhiên chất lượng của các đại biểu tự ứng cử cũng là điều phải suy nghĩ. Trong những khóa Quốc hội tới, có thể thêm nhiều người ứng cử, cần có cách kiểm soát nhân thân, đạo đức cũng như trình độ chuyện môn của họ để chất lượng đại biểu tốt hơn.
- Theo ông, có nên đánh giá cả quy trình ứng cử, hiệp thương hiện nay dù trường hợp xảy ra như ông nói là có một hay hai người đánh giá rất khó?
- Là một ĐBQH, khi phải bãi nhiệm một đại biểu khác, hoặc chứng kiến một đại biểu nào đó sai lầm, tôi thấy rất đau lòng. Quy trình đặt ra là như vậy, nhưng kiểm soát nhân thân, đạo đức của các đại biểu khi tham gia ứng cử là trách nhiệm của Hội đồng bầu cử cũng như các cơ quan liên quan. Cần kiểm soát việc tham gia ứng cử của cả các đại biểu được giới thiệu.
Không loại trừ có những đại biểu có mục đích khác, nhưng rất khó để xác định. Quan trọng khi bầu cử, phải lựa chọn những đại biểu xứng đáng trên cơ sở quá trình công tác, phẩm chất đạo đức của họ. Ta chỉ có thể kiểm soát được cái đó, còn kiểm soát mục đích họ vào Quốc hội thì rất khó.
Giám sát
- Có nên đặt ra cơ chế giám sát các ĐBQH sau trúng cử để tránh những trường hợp đáng tiếc như bà Nga?
Bà Châu Thị Thu Nga. |
- Có rất nhiều cơ quan của Quốc hội, như Ban Công tác đại biểu, kiểm soát hoạt động của các đại biểu, cũng như MTTQ có vai trò quan trọng. Bên cạnh đó có vai trò của người dân.
Tôi nghĩ nếu có bất cứ sự phản ảnh nào của người dân, của MTTQ hay của đoàn thể, liên quan đến phẩm chất, đạo đức hay vi phạm quyền và trách nhiệm của đại biểu, thì cần xem xét kịp thời và tìm hiểu thấu đáo. Tránh trường hợp đại biểu bị người dân phản ánh rất nhiều, rất lâu mà không được xem xét.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm:
ĐBQH vi phạm đến mức bị bãi miễn trách nhiệm đại biểu thật sự là một việc đáng tiếc, làm tổn thương niềm tin của cử tri.
Đã làm đại biểu dân cử phải đặt trên đôi vai của mình một trách nhiệm lớn hơn, phải giữ gìn bản thân để làm tròn trách nhiệm, giữ được tín nhiệm của cử tri.
Mình làm điều gì không phải, không chỉ tổn hại đến bản thân, đến đơn vị tổ chức mình sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Nếu như sai phạm cố ý thì càng nghiêm trọng.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):
Những đại biểu tự ứng cử có tính toán trước thì chắc chắn sau một thời gian sẽ lộ ra điểm yếu. Còn những doanh nhân chân chính muốn tham gia nghị trường để đóng góp tiếng nói của giới doanh nhân thì không có vấn đề gì.
Với tư cách nữ ĐBQH, tôi thấy đây là một sự mất mát. Những năm gần đây tỷ lệ nữ ĐBQH không những không tăng mà còn giảm, trong nhiệm kỳ 5 năm lại mất 2 vị nữa thì quả thật rất đáng tiếc.