Đêm 29/5, rạng sáng 30/5, hàng chục người nhà bệnh nhân có mặt tại Khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sau vụ sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo, họ đứng ngồi không yên ngoài hành lang nghe ngóng tình hình sức khỏe của thân nhân.
Sự mệt mỏi, lo âu hiện rõ trên từng khuôn mặt khi mới buổi sáng những người thân của họ vẫn còn cười nói chỉ vài tiếng sau có người đã ra đi vĩnh viễn.
Trước khi vào chạy thận bệnh nhân hàng ngày vẫn lên lớp dạy học
Giọng mệt mỏi, ông Lê Tiến Dũng (chồng nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Nguyên, 47 tuổi, ở Lương Sơn) cho biết khoảng 7h sáng 29/5, sau khi đưa vợ đến phòng lọc máu, ông ra ngoài ngồi đợi. Gần một giờ sau ông được bác sĩ báo tin vợ bị tụt huyết áp, bồn nôn, không thể chạy tiếp.
Ngay sau đó, bà Nguyên được chuyển lên phòng hồi sức tích cực và tiêm thuốc chống nôn. Trước khi chuyển bà vẫn nói chuyện bình thường. "Đến đầu giờ chiều, khi tiến hành lọc máu lần thứ 2 thì vợ tôi không còn nhận thức được gì nữa", ông Dũng trầm giọng.
Người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Nguyên nằm ngủ qua đêm ngoài cửa phòng hồi sức tích cực. Ảnh: Hoàng Cư. |
Hiện bác sĩ cho biết vợ ông vẫn trong tình trạng nguy kịch nên chưa thể chuyển lên bệnh viện tuyến trên mà vẫn phải tiếp tục điều trị tại chỗ.
Ông Dũng cho biết, vợ ông có tiền sử chạy thận đã 10 năm. Trước kia, bà Nguyên thường lọc máu ở bệnh viện Bạch Mai, vài tháng gần đây, ông chuyển vợ về bệnh viện tỉnh để tiện đi lại cho đỡ tốn kém hơn.
“Nhà tôi làm giáo viên, hàng ngày bà ấy vẫn lên lớp dạy học bình thường... Không ngờ chuyến vào viện sáng nay lại xảy ra cơ sự như thế”, người đàn ông trung tuổi nói đứt quãng.
Con sốc khi biết bố không qua khỏi
Trong khi đó, gia đình chị Bùi Thị Ngân có bố ruột (60 tuổi) vào nhập viện tại khoa hồi sức cấp cứu để điều trị đau đầu.
Kể với Zing.vn, chị Ngân cho biết ngoài căn bệnh trên, bố chị còn phải chạy thận nhân tạo, hàng tuần đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để lọc máu 3 lần. Sáng nay đến chu kỳ lọc tiếp theo, chị Ngân bận việc nên để mẹ ở lại trông nom và đưa bố từ khoa điều trị tích cực xuống khoa lọc máu như mọi khi.
Khoảng 9h chị nhận được điện thoại của mẹ báo tin bố sức khỏe yếu. Khi chị vào đến viện thì các bác sĩ bắt đầu rút dây truyền đưa lên trên phòng hồi sức tích cực.
"Nửa tiếng sau khi chuyển, bố tôi bắt đầu có biểu hiện buồn nôn, tức ngực, khó thở rồi lịm đi. Đến gần 23h các bác sĩ cho biết bố tôi đã không qua khỏi”, chị Ngân khóc rưng rức.
Chị Ngân cho hay, trước khi vào chạy thận bố chị ăn uống khỏe mạnh, đi lại bình thường. Tất cả người thân trong gia đình đang rất sốc khi biết tin bố mất.
Trước đó, khoảng 7h sáng 29/5, Khoa điều trị lọc máu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận, điều trị lọc máu chu kỳ cho 18 bệnh nhân bị thận.
Khi thực hiện quy trình lọc máu được khoảng một giờ, 18 bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ. Phát hiện sự việc, các bác sĩ đã dừng điều trị và tập trung cấp cứu các nạn nhân.
Tuy nhiên, đến 9h30, bắt đầu có bệnh nhân tử vong. Tính đến thời điểm 23h cùng ngày, bệnh viện ghi nhận 7 trường hợp không qua khỏi, 10 người được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai điều trị, một bệnh nhân nguy kịch được điều trị tại chỗ.
Trước tính chất nghiêm trong của vụ việc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cử đoàn công tác lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngay trong chiều tối 29/5 để tìm hiểu thực tế về sự việc và triển khai các công tác hỗ trợ y tế, tiếp tục cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân.
22h cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Phó thủ tướng cùng đoàn công tác họp với lãnh đạo tỉnh, sau đó đến thăm các bệnh nhân đang điều trị và chia sẻ, động viên với người nhà các bệnh nhân đã tử vong.