Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Trường 7 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới

Theo bảng xếp hạng đại học mới nhất, số lượng trường đại học Mỹ đang giảm dần trong khi các trường Trung Quốc tăng lên, dù vậy, top 10 vẫn là sự thống trị của các trường Anh và Mỹ.

Theo bảng xếp hạng các trường đại học năm 2023 của chuyên trang giáo dục Times Higher Education công bố ngày 12/10, Đại học Oxford tiếp tục là trường đại học nghiên cứu số một thế giới trong 7 năm liên tục. Anh và Mỹ tiếp tục là 2 quốc gia "độc chiếm" top 10 các trường đại học tốt nhất với 7 trường từ Mỹ và 3 trường từ Anh.

Cụ thể, theo sau ĐH Oxford là ĐH Harvard, ĐH Cambridge, ĐH Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts, Viện Công nghệ California, ĐH Princeton, ĐH California tại Berkeley, ĐH Yale và ĐH Hoàng gia Anh.

Tuy nhiên, có một sự thay đổi ở bảng xếp hạng năm nay. Trong vòng 5 năm qua, số lượng các trường đại học chuyên nghiên cứu của Mỹ trong top 100 đang giảm dần từ 43 trường (số liệu 2018) xuống còn 34 trường. Trong khi đó, ngày càng nhiều trường đại học Trung Quốc góp mặt vào bảng xếp hạng, từ 2 trường (số liệu năm 2018) lên 7 trường.

dh o trung quoc anh 1

Trung Quốc có 7 gương mặt trong top 100, đáng kể đến là ĐH Thanh Hoa (vị trí thứ 16) và ĐH Bắc Kinh (thứ 17). Ảnh: Zuma Press.

"Với xu hướng hiện tại, Trung Quốc có thể sẽ vượt mặt Mỹ trong những năm tới", Phil Baty, biên tập viên bảng xếp hạng, nhận định.

Mới đây, một bài báo xuất bản trên Scientometrics phát hiện Trung Quốc đang vượt Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu khoa học.

Nhìn chung, Trung Quốc không chỉ xuất bản nhiều nghiên cứu hơn Mỹ và châu Âu. Các nghiên cứu từ Trung Quốc còn nằm trong 1% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Theo bài báo trên, quốc gia này có nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn châu Âu hồi 2015 và hơn Mỹ hồi 2019.

Theo Caroline Wagner, giáo sư tại ĐH Ohio kiêm đồng tác giả của bài báo, nghiên cứu của Trung Quốc tập trung vào khoa học vật liệu, hóa học, kỹ thuật và toán học, trong khi các nhà nghiên cứu Mỹ tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu y học lâm sàng, khoa học đời sống cơ bản và vật lý.

Theo thống kê của Quỹ Khoa học Quốc gia, trong khi Trung Quốc chi 526 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2019, Mỹ chi 656 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang dần thu hẹp khoảng cách so với Mỹ. Trung bình mỗi năm, nước này tăng 10,6% chi phí nghiên cứu từ năm 2010 đến năm 2019.

Để đưa ra bảng xếp hạng này, Times Higher Education đã phân tích 15,5 triệu ấn phẩm nghiên cứu, 121 triệu trích dẫn, hơn 40.000 câu trả lời cho một cuộc khảo sát học thuật uy tín hàng năm và hàng trăm nghìn dữ liệu bổ sung về môi trường giảng dạy, triển vọng quốc tế và liên kết ngành của các trường đại học.

Việt Nam cũng có 2 trường đại học có mặt trong top 500 bảng xếp hạng năm nay là ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng nằm trong top 1.200 của bảng.

5 chương trình MBA giúp sinh viên có lương khởi điểm cao nhất

Trung bình, sinh viên tốt nghiệp khóa MBA từ 5 ngôi trường này có lương khởi điểm từ 150.000 USD/năm, theo CNBC.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm