Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trưởng ban Kinh tế Trung ương: ‘Sinh viên là những người giàu có nhất’

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng người trẻ phải có ước mơ mới dám làm và chỉ có giấc mơ vĩ đại mới làm nên điều kỳ tích.

“Sau 40 năm rời ghế nhà trường, hôm nay, tôi như được sống lại không khí của thời sinh viên. Tôi khẳng định sinh viên là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người, dù trước đây, khi còn trẻ như các bạn, tôi đã không nghĩ như vậy”, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nói như vậy khi dự lễ khai khóa sáng 10/10 tại ĐH Quốc gia TP.HCM.

Ông Bình bày tỏ sự hứng khởi khi được gặp gỡ và trò chuyện với gần 1000 sinh viên ưu tú tại buổi lễ được xem là hoạt động thường niên trong dịp đầu năm học của trường. 

Chủ đề lễ khai khóa lần thứ 6 của ĐH Quốc gia TP.HCM là "Sứ mệnh và vai trò của đại học đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Giàu có về giấc mơ

Kết thúc bài phát biểu chính thức, ông Bình nán lại sân khấu để chia sẻ câu chuyện không có trong kịch bản.

“Khi còn trẻ, chúng tôi cũng được nghe nói về sứ mệnh của mình nhưng vẫn không biết trên thực tế mình có sứ mệnh ấy không. Mấy chục năm sau, tôi xin nói với các bạn trẻ rằng sứ mệnh ấy là có thật”, ông Bình bắt đầu câu chuyện.

Khách mời đặc biệt của buổi lễ kể sau khi tốt nghiệp, ông được mời đến Nhật Bản cùng đoàn công tác trong nước. Trong chuyến đi này, ông được một chủ tịch tập đoàn lớn tại nước bạn mời đi ăn riêng để trò chuyện.

“Đến buổi hẹn, chỉ có hai người, tôi và chủ tịch tập đoàn, trong nhà hàng cổ. Nhận thấy sự lo lắng, hồi hộp của tôi, ông ta nhanh chóng nói lý do muốn gặp vì thấy tôi rất giống ông ấy 60 năm trước”, ông Bình nhớ lại.

le khai khoa dai hoc quoc gia anh 1
Ông Nguyễn Văn Bình (bên trái) và PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - phát biểu tại lễ khai khóa 2018. Ảnh: Đức Lộc.

Ông chủ đó kể rằng mình được nhiều người tung hô là giàu nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, ngoại trừ vật chất, ông ta thấy mình nghèo so với anh chàng tay trắng của 60 năm trước.

Những câu chuyện của người đàn ông thành đạt sau đó đã đem đến cho ông Bình cái nhìn khác về sự giàu có. Giờ đây, ông muốn chia sẻ lại điều đó với các bạn trẻ.

“Sinh viên là những người giàu nhất. Các bạn có thể mơ những ước mơ cực kỳ to lớn, thậm chí mơ cả thế giới này nằm trong tay mình. Còn như chúng tôi bây giờ vẫn mơ nhưng có vẻ chúng nhỏ nhoi, thực tế và cụ thể hơn”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tiếp mạch câu chuyện.

Theo ông Bình, bạn trẻ phải mơ mới dám làm và chỉ có giấc mơ vĩ đại mới làm nên điều kỳ tích. Chính vì vậy, sứ mệnh của cả đất nước mới được trao trên vai thế hệ trẻ, những con người dám mơ và có thể nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ.

Giáo dục đại học thời 4.0

Trước đó, trong bài phát biểu, ông Nguyễn Văn Bình đề cập sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục đại học và vai trò của các trường đại học với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Giáo dục trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 được gọi là "Giáo dục 4.0". Đây là nền giáo dục có đủ 6 tính năng cơ bản: Đa dạng thời gian và địa điểm học tập, học tập mang tính cá nhân, người học theo tiến trình riêng, học dựa vào dự án, thay đổi đánh giá theo hướng quá trình và dự án cụ thể, giáo viên giúp học sinh sử dụng hiệu quả thông tin có sẵn.

le khai khoa dai hoc quoc gia anh 2
Khách mời và các sinh viên ưu tú chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ khai khóa 2018 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Đức Lộc.

Theo ông Bình, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động toàn diện đến giáo dục đại học theo hướng tích cực, chuyển từ chỗ “dạy những gì mà giới học thuật sẵn có” sang “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp cần”; hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”.

Sự phát triển của nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng Internet của cách mạng 4.0 đang làm cho những kiến thức mà đào tạo đại học truyền thống của nước ta có thể vô ích trong tương lai, bởi chương trình đào tạo dù được cập nhật tốt đến mấy, cũng khó theo kịp sự phát triển của thực tế.

"Do vậy, mục tiêu của đào tạo không phải để tạo ra những người lao động làm một công việc cụ thể suốt đời, mà phải đạt tới trình độ có thể thích ứng để tồn tại khi nghề được đào tạo mất đi. Có thể nói sự sáng tạo, đổi mới chính là nền tảng của giáo dục trong thời đại 4.0”, ông Bình nhấn mạnh.

Hình ảnh thú vị về học sinh thế kỷ trước qua góc nhìn hoạ sĩ

Khung cảnh tới trường và các tiết học được nhiều họa sĩ tái hiện qua từng nét vẽ, tạo nên bức tranh đáng yêu về trẻ em thế kỷ trước.



Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm