Năm 2013 là năm tuyển sinh khó khăn nhất đối với các trường CĐ, CĐ nghề. Số lượng sinh viên nhập học sụt giảm đáng kể so với năm trước đó. Năm nay đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường ĐH đưa ra, trong đó có tiêu chí xét tuyển học bạ THPT khiến các trường CĐ càng sốt ruột hơn.
Liên kết với doanh nghiệp
Ông Hồ Ngọc Tiến, hiệu trưởng CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vinatex, bi quan năm rồi tuyển sinh cực kỳ khó khăn. Nếu tình hình này tiếp tục thì các trường CĐ cũng sẽ rơi vào tình trạng chết dần như các trường trung cấp hiện nay.
Sinh viên Trường CĐ Bách Việt trong một tiết thực hành. Năm 2013 tỷ lệ sinh viên nhập học vào trường này giảm mạnh so với năm trước |
Để giải quyết bài toán này, ông Tiến cho biết trường đã trình đề án tuyển sinh riêng, trong đó 30% chỉ tiêu sẽ được xét tuyển từ điểm học bạ THPT, 70% còn lại sẽ thi tuyển. Bên cạnh đó, trường cũng đã kết hợp cùng doanh nghiệp dệt may đào tạo sinh viên với nhiều ưu đãi. Chẳng hạn, sinh viên ngành công nghệ sợi, dệt được miễn học phí 100%.
“Trường đã ký kết với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu sử dụng của họ. Doanh nghiệp trả chi phí đào tạo, bố trí nơi thực tập và nhận sinh viên khi tốt nghiệp. Người học không phải trả chi phí đào tạo, đảm bảo việc làm và trường cũng có được nguồn thu, giảm chi phí. Sắp tới trường dự kiến thực hiện mô hình này với các ngành thiết kế thời trang, công nghệ may”.
Một số trường mở các ngành mà xã hội có nhu cầu, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội với mong muốn thu hút thêm người học. Ông Trần Thanh Thưởng, trưởng phòng đào tạo trường CĐ Giao thông vận tải 3, cho biết trường mở mới chuyên ngành về ôtô và đường sắt. Nhu cầu sử dụng ôtô trong vài năm tới sẽ tăng và nhu cầu bảo trì, sửa chữa theo đó cũng tăng lên nên nhân lực ngành này sẽ cần nhiều hơn. Tương tự, ông Huỳnh Tấn Khả, phó hiệu trưởng CĐ Công nghiệp Tuy Hòa, cho biết trường đã mở ngành hóa dầu để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho khu lọc hóa dầu ở Vũng Rô của tỉnh.
Vớt vát nguồn tuyển
Nhiều trường cố gắng vùng vẫy bằng cách đẩy mạnh công tác tư vấn đến tận các trường THPT trong và ngoài tỉnh để vớt vát nguồn tuyển. Ông Huỳnh Tấn Khả cho biết năm nay trường cử các đoàn tư vấn về hầu hết trường THPT trong tỉnh Phú Yên để cung cấp thông tin và tư vấn. Bên cạnh đó, trường cũng bố trí lực lượng đến các tỉnh khu vực Nam Trung bộ để tư vấn tuyển sinh nhằm đưa thông tin đến nhiều thí sinh hơn với hi vọng nguồn tuyển sẽ nhiều hơn.
Ông Phạm Quốc Hoàn, phó hiệu trưởng CĐ Xây dựng 1, chia sẻ: “Tình hình tuyển sinh chưa bao giờ bi đát như năm 2013. Ngay hệ trung cấp của trường mọi năm chỉ tiêu 1.400 có khi vẫn phải xin thêm mà năm 2013 chỉ tuyển được 250. Chúng tôi không kỳ vọng tình hình cải thiện được ngay, nhưng chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2014 trường đang phải tìm cách khắc phục nguồn tuyển”. Theo ông Hoàn, đây là năm đầu tiên trường quyết định thành lập ban tư vấn tuyển sinh trực tiếp đến các trường THPT để quảng bá, cứu vớt nguồn tuyển.
Bà Nguyễn Hồng Trang, phó hiệu trưởng CĐ Viễn Đông, thừa nhận khó khăn hiện nay là khó khăn chung và cho biết Trường CĐ Viễn Đông đang cố gắng chăm sóc sinh viên, tăng cường công tác tư vấn với hi vọng qua từng năm học sinh sẽ biết nhiều hơn về trường.
Tư vấn cho cả phụ huynh
Trường CĐ Công nghiệp Nam Định có kế hoạch cử cán bộ tư vấn tuyển sinh đến hàng trăm trường THPT không chỉ thuộc Nam Định mà còn ở các tỉnh lân cận để tư vấn cho thí sinh. “Năm 2013 trường đã cử 50 cán bộ đến 375 trường THPT của năm tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Ninh Bình, phủ cả địa bàn hơn 10 triệu dân, nhưng cuối cùng chỉ tuyển chưa được 1/4 chỉ tiêu so với mấy năm trước. Năm nay trường đang tính đến việc không chỉ tư vấn cho thí sinh mà còn tư vấn cho cả phụ huynh” - ông Nguyễn Duy Phấn, trưởng phòng đào tạo nhà trường, nói.