Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, nhiều phụ huynh có con đang học tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM), cho hay năm học này, ngoài các khoản theo quy định, phụ huynh còn phải đóng thêm tiền thư viện 145.000 đồng/tháng. Số tiền trên sẽ được đóng trong vòng 7 năm.
“Tại sao chúng tôi lại phải đóng khoản tiền trên? Con em chúng tôi sẽ được hưởng lợi gì từ công trình này?”, phụ huynh thắc mắc.
Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho hay TP.HCM đã phê duyệt để trường đầu tư xây dựng thư viện thông minh theo chương trình kích cầu đầu tư. Đây là chủ trương của thành phố để có thể huy động xã hội hóa các nguồn lực phát triển giáo dục.
Thư viện thông minh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã đi vào hoạt động từ tháng 8/2019. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM. |
Ông Minh cho biết đối với chương trình kích cầu đầu tư, nhà trường sẽ làm chủ đầu tư, đứng ra vay để thực hiện công trình. Thành phố sẽ là đơn vị hỗ trợ trả lãi suất vay, còn nhà trường trả lãi gốc.
Công trình đã được nhà trường xây dựng trong năm 2018 với mức kinh phí được thành phố phê duyệt gần 15 tỷ đồng. Hiện tại, thư viện đã đi vào hoạt động.
“Với số tiền trên, nhà trường vận động các vị phụ huynh cùng chi trả tiền đầu tư trong vòng bảy năm. Hiện nay, mức đề xuất từ phụ huynh là 145.000 đồng/tháng. Phụ huynh sẽ đóng trong vòng chín tháng. Chương trình này chỉ vận động cho học sinh đang theo học ở cơ sở 1, dành cho khối lớp 8, 9, 10, 11, 12”, ông Minh nói.
Ông Minh lý giải thêm: “Mức thu này đã nhận được sự đồng thuận về chủ trương của Sở GD&ĐT TP.HCM. Hơn nữa, nhà trường chỉ vận động phụ huynh đóng góp trong vòng chín tháng nhưng thư viện sẽ mở cửa để phục vụ học sinh trong suốt 12 tháng”.
Ông Minh khẳng định thêm đây không phải chương trình tự phát. Nó hoàn toàn nằm trong chương trình kích cầu đầu tư để hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Thành phố thông minh sẽ có trường học thông minh. Và thư viện chính là trung tâm của trường học.
Ngoài Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM đang chuẩn bị phê duyệt cho 16 đơn vị về chủ trương kích cầu đầu tư. Mặt khác, mục tiêu xây dựng thư viện là phục vụ cho học sinh.
Học sinh chính là đối tượng sử dụng tài nguyên của thư viện. Các em sẽ được học trên thư viện, sử dụng trang thiết bị, các phần mềm học thuật hiện đại của các nước phát triển, điển hình như Zpace.
"Đặc biệt, học sinh có thể khai thác tài nguyên thư viện tại nhà bằng việc truy cập vào website bằng một mã tài khoản riêng. Ngoài ra, tài nguyên trong thư viện cũng là điều kiện để giáo viên ứng dụng phương pháp giảng dạy mới và soạn giảng mới để nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Minh nói.
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, ban giám hiệu đã trao đổi về vấn đề này đối với giáo viên chủ nhiệm và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của 98 lớp. Hiện tại, trong biên bản họp của các lớp, hầu hết phụ huynh đồng ý với mức thu trên.