Làm sai quy định!
Chiều 14/9, PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị (Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh GS Nhà nước) khẳng định: “Việc làm của ĐH Tôn Đức Thắng cần phải thực hiện đúng quy định; nếu không, cần phải dừng lại. Thực hiện trong nội bộ trường không thể trái quy định của văn bản quy phạm pháp luật”.
Theo ông Nhị, trước hết, tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (Quyết định số 174 ngày 31-12-2008 và Quyết định số 20 ngày 27/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Để được công nhận đạt tiêu chuẩn các chức danh đó, ứng viên phải đăng ký và phải gửi hồ sơ tới các cơ sở xét duyệt theo quy định; nếu được Hội đồng Chức danh GS cơ sở đồng ý thông qua, hồ sơ của ứng viên sẽ được chuyển tới Hội đồng Chức danh GS ngành/liên ngành xem xét.
Tại hội đồng này, ứng viên sẽ trình bày báo cáo tổng quan kết quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đồng thời hội đồng sẽ kiểm tra năng lực ngoại ngữ của ứng viên. Cuối cùng, trên cơ sở kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Chức danh GS ngành/liên ngành, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước sẽ xem xét, đánh giá và bỏ phiếu tín nhiệm đối với từng hồ sơ ứng viên GS, PGS.
Tóm lại, để công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, ứng viên phải qua ba cấp hội đồng xét duyệt: Hội đồng Chức danh GS cơ sở, Hội đồng Chức danh GS ngành/liên ngành và Hội đồng Chức danh GS Nhà nước.
ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: Pháp Luật TP HCM. |
Cũng theo ông Nhị, việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS còn được quy định tại Thông tư số 16 ngày 17-7-2009 và Thông tư số 30 ngày 11-9-2012 của bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đối tượng được các cơ sở giáo dục bổ nhiệm là nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hoặc đã được bổ nhiệm làm GS, PGS tại một cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài có nguyện vọng được bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại một cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam.
“GS, PGS là chức danh rất nghiêm túc và vinh dự, dù các trường có quyền tự chủ thì cũng không thể tùy tiện được, phải đảm bảo quy định, đảm bảo mặt bằng chất lượng quốc gia”- ông Nhị nói.
Nếu muốn, phải xin phép thí điểm
PGS.TS Nguyễn Thái Phúc (nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp) nhận xét: “Nếu việc trường ĐH phong GS và PGS chỉ là ý tưởng đưa ra để bàn luận và xin ý kiến cho làm thí điểm thì được. Nhưng nếu ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức làm thật thì đối chiếu với quy định hiện hành là không đúng. Việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và thủ tục bổ nhiệm các chức danh này được thực hiện thống nhất và đã có quy định cụ thể. Do vậy, nếu trường nào có ý định thử nghiệm thì phải có văn bản xin ý kiến và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận”.
Đồng tình, TS Nguyễn Kim Dung (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục) cũng nói: “Ở Việt Nam, hiện Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các trường ĐH trong việc cấp bằng cử nhân, thạc sĩ…, còn các học hàm thì chưa giao vì có nhiều tiêu chí cao hơn và cần được Hội đồng Học hàm Nhà nước thẩm định kỹ lưỡng, thông qua. Việc này có nhiều lý do, trong đó có việc kiểm soát chất lượng các nhà nghiên cứu”.
Quy trình, điều kiện xét công nhận hiện nay rất nghiêm ngặt
Quy trình, điều kiện để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và thủ tục bổ nhiệm các chức danh này theo quy định hiện hành rất nghiêm ngặt, có trình tự, thủ tục chặt chẽ. Giả sử nếu Nhà nước có sự chuyển giao việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS thì cũng cần có lộ trình.
Đầu tiên là giao cho vài trường lớn, có bề dày lịch sử, có đội ngũ GS, PGS đáp ứng được yêu cầu chứ không thể giao ngay cho các trường đồng loạt làm liền. Thực tế hiện nay chúng ta hầu như chưa có trường nào đáp ứng được điều kiện để tự thực hiện việc phong chức danh GS, PGS.
NGƯT.GS.TS MAI HỒNG QUỲ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM