Tại ĐH Ngân hàng TP.HCM, sáng 20/8, sinh viên đã chính thức làm thủ tục nhập học. TS Bùi Hữu Toàn, quyền Hiệu trưởng, cho biết kết quả tuyển sinh của trường năm nay rất tốt khi các ngành đều tuyển đủ chỉ tiêu. Hiện sinh viên đóng học phí và tiến hành các thủ tục khác. Ngày 10/9, trường sẽ khai giảng khóa mới.
Sớm kết thúc tuyển sinh
Nhiều trường đại học khác cũng đã lấp đầy chỉ tiêu, dù ở một số ngành thiếu một số chỉ tiêu nhưng bù lại một số ngành khác lại tuyển vượt nên kết quả tuyển sinh vẫn đạt yêu cầu.
Tại ĐH Tài chính - Marketing, hầu hết thí sinh trúng tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia đã đến trường làm thủ tục nhập học. TS Đặng Thị Ngọc Lan, Phó hiệu trưởng, đánh giá kết quả tuyển sinh năm nay rất thuận lợi, 4.600 chỉ tiêu đại học đã đủ. Từ ngày 16/8, tân sinh viên đã bước vào năm học mới.
Tương tự là ở ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng, cho biết tính đến ngày 15/8, trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Có vài ngành khó tuyển như Công nghệ Kỹ thuật Dệt may, Kỹ thuật Nữ công... chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu nhưng bù lại nhiều ngành khác có dư một số chỉ tiêu nên chỉ tiêu chung là đủ và trường sẽ không tuyển bổ sung. Hiện thí sinh xác nhận nhập học đã đóng học phí, cũng có 400 tân sinh viên làm đơn xin nợ học phí đã được trường chấp nhận.
Tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, số thí sinh nhập học đạt 100% so với chỉ tiêu.
Ở nhiều trường khác như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, chỉ tiêu tuyển sinh đã đạt yêu cầu nên không tuyển bổ sung. Nhiều trường đại học tuyển đủ chỉ tiêu đã sớm gọi sinh viên nhập học.
Tại ĐH Bách khoa TP.HCM, hơn 5.000 tân sinh viên của trường đã bắt đầu sinh hoạt đầu khóa. PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết ngày 19/8, trường tổ chức khai giảng năm học 2019-2020 nên tân sinh viên cũng vào học chung với sinh viên các khóa trước.
Còn tại ĐH Tài chính - Marketing, sinh viên nhập học sớm để rút ngắn thời gian đào tạo. Theo TS Đặng Thị Ngọc Lan, từ năm học này, trường thiết kế mỗi năm có 3 học kỳ để giảm thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết, từ đó rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 3 năm rưỡi thay vì 4 năm như hiện nay.
Tân sinh viên nhập học tại ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động. |
Ít cơ hội xét tuyển bổ sung
Đúng như các chuyên gia dự đoán, các trường đại học lớn, những ngành học hấp dẫn đã đủ chỉ tiêu ở đợt xét tuyển vừa qua. Ở đợt xét tuyển bổ sung, chỉ những ngành mới, chưa hấp dẫn và trường tỉnh mới xét bổ sung nhưng chỉ tiêu không nhiều.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay số lượng xác nhận nhập học là 2.945/3.500 chỉ tiêu, đạt 84%. Dự kiến, trường tuyển bổ sung thêm 400 chỉ tiêu cho các ngành như Công nghệ Chế biến Thủy sản, Khoa học Thủy sản, Công nghệ Vật liệu, An toàn Thông tin, Công bố Kỹ thuật Môi trường, Quản lý Tài nguyên và Môi trường. Thời gian nhập học hạn chót là ngày 24/8.
Còn tại ĐH Mở TP.HCM, trường này tuyển thêm 350 chỉ tiêu vào các ngành đang đào tạo.
Các trường đại học thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết sẽ tuyển bổ sung tại phân hiệu Bến Tre. Cụ thể, ĐH Kinh tế - Luật xét tuyển bổ sung 2 ngành (mỗi ngành 45 chỉ tiêu) gồm: Kinh tế và Quản lý công, xét hồ sơ từ 21 điểm; ngành Tài chính - Ngân hàng xét hồ sơ từ 21,65 điểm.
Theo quy định, mỗi thí sinh được xét tuyển tối đa 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tiếp nguyện vọng 2; ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM xét bổ sung ngành Đô thị học.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết ở cơ sở chính, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học hiện tại đạt 90%. Với tỷ lệ này, trường sẽ không tuyển bổ sung ở cơ sở chính nhưng tại 2 phân hiệu ở Ninh Thuận và Gia Lai, tỷ lệ xác nhận nhập học chỉ đạt 50% chỉ tiêu nên trường sẽ tuyển bổ sung.
Trường tỉnh tiếp tục tuyển
Tại ĐH Quang Trung (tỉnh Bình Định), tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học hiện mới đạt 70% chỉ tiêu. PGS.TS Nguyễn Đình Phư, Hiệu trưởng, cho biết trường tiếp tục xét tuyển bổ sung khoảng 460 chỉ tiêu vào các ngành đào tạo. ĐH Tiền Giang tuyển bổ sung 450 chỉ tiêu.
ĐH An Giang cũng xét tuyển bổ sung đối với thí sinh có điểm từ 14 đến 19, tùy ngành.
Theo các chuyên gia, khi thí sinh không còn bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển, phần lớn thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1. Do vậy, nguồn tuyển còn rất ít, các trường khó tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt xét bổ sung này, đặc biệt là các trường ở tỉnh sẽ khó khăn hơn.