Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về phương án tổ chức chấm thi THPT quốc gia 2019. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận sau "đại án" gian lận thi cử tại các tỉnh Hàng Giang, Hòa Bình, Sơn La.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT và các sở giáo dục đang nghiêng về phương án tổ chức chấm thi chéo giữa các tỉnh hoặc theo cụm bài thi. Tuy nhiên, các trường đại học vẫn lo lắng về khả năng gian lận như từng xảy ra vào năm 2011.
Chấm chéo vẫn dễ móc ngoéo
Lo ngại trước trước sự việc 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từng “bắt tay nhau” điều chỉnh kết quả thi khi hình thức chấm chéo này được triển khai vào năm 2011, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng giao các địa phương chấm chéo vẫn khó đảm bảo nghiêm túc.
Các trường đại học lo ngại khả năng tiêu cực khi tổ chức chấm thi chéo. Ảnh: Infonet. |
"Đương nhiên, thời điểm này, công nghệ, trang thiết bị đã thay đổi, việc kiểm tra phòng ngừa, giám sát tốt hơn, đặc biệt là với cú sốc động trời vừa qua sẽ làm cho cả hệ thống tham gia kỳ thi không được phép chủ quan ở bất kỳ khâu nào. Tôi nghĩ cần tuân thủ nguyên tắc quan trọng là ai sử dụng kết quả thi thì sẽ chịu trách nhiệm về nó. Chắc chắn điểm để xét tuyển vào đại học, cao đẳng sẽ được quan tâm hơn", TS Lý nói.
Tương tự, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, nói Bộ GD&ĐT cần thận trọng nếu thực hiện chấm thi chéo giữa các tỉnh.
"Cẩn thận các tỉnh có thể móc ngoặc với nhau. Vì thế, cần giám sát chặt chẽ và nên có cả giảng viên đại học chuyên môn phù hợp cùng chấm. Mọi trường hợp móc nối với nhau làm sai lệch kết quả thi cần xử lý nghiêm, thậm chí đưa ra khỏi ngành và cần phải đưa vào quy chế", TS Vinh nêu ý kiến.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng chấm chéo cũng là phương án để hạn chế tiêu cực nhưng lại quá phức tạp.
"Chấm thi tự luận để tại địa phương và tăng cường công tác giám sát ở khâu làm phách cũng như chấm kiểm tra, trường đại học sẽ tham gia giám sát chặt chẽ khâu này. Về chấm trắc nghiệm nên tập trung về các điểm ở trường đại học, nhiều tỉnh gom lại, việc này những năm trước đã làm", ông Sơn đề xuất.
Nên để các trường đại học chấm thi
Phương án giao công tác chấm thi cho các trường đại học cũng nhận được sự đồng tình từ đại diện nhiều trường.
TS Trần Đình Lý cho rằng nên giao cho một số trường đại học chấm thi hoặc các trung tâm khảo thí uy tín: "Có thể một trường phụ trách một cụm gồm nhiều tỉnh, vì mỗi đại học chấm một tỉnh thì có quá nhiều trường tham gia, chắc chắn có độ lệch giữa các hội đồng chấm thi".
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Lê Quân. |
Tương tự, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, đề xuất nên để các trường đại học chủ trì công tác chấm thi và tự chịu trách nhiệm bằng chất lượng đào tạo và uy tín của mình.
"Cả nước có thể tập hợp thành 3-4 trung tâm chấm thi do trường đại học chủ trì hoặc nhiều hơn nếu thấy quá tải. Tất nhiên phải có sự giám sát chặt chẽ của Bộ GD&ĐT và lực lượng an ninh. Vì suy cho cùng, các trường đại học là nơi sử dụng kết quả thi, do đó họ hoàn toàn có động lực để làm nghiêm túc chất lượng đào tạo và uy tín của mình", ông Tớp nói.
Ngoài ra, khâu giám sát khi chấm thi rất quan trọng và người giám sát được can thiệp tới đâu cũng là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng.
"Không để như trường hợp kỳ thi vừa qua, giám sát có mặt nhưng làm việc lơ là, không nắm được chuyên môn để các đối tượng gian lận qua mặt", ông Tớp góp ý.
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, nếu kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 vẫn dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học thì vẫn yêu cầu tính công khai, minh bạch và chính xác về kết quả. Dù đã có nhiều đề xuất được đưa ra để thay đổi cách tổ chức thi, Bộ GD&ĐT nên duy trì cách tổ chức thi như hiện tại nhưng cần xem xét lại khâu chấm thi.
Ông Tớp cho hay ĐH Bách khoa Hà Nội đã đề xuất với bộ phương án để hạn chế gian lận, cụ thể là hạn chế việc sửa kết quả trên bài thi gốc của thí sinh.
"Hiện tại, thí sinh làm bài bằng bút chì và có thể tẩy xóa. Lợi dụng điều này, khi gom bài thi về, những người có ý đồ gian lận sửa kết quả trực tiếp trên bài thi. Nếu họ thực hiện tinh vi thì khó phát hiện và nếu phát hiện cũng khó trả lại được kết quả bài thi gốc.
Do đó, chúng tôi có đề nghị sau mỗi môn thi trắc nghiệm, sẽ dành khoảng 1-2 phút cho các thí sinh tổng hợp lại các câu trả lời của mình, có bao nhiêu đáp án a,b, c,d và ghi lại bằng bút mực cuối phần trả lời của môn thi đó, trước khi bắt đầu vào môn thi sau", ông Tớp đề xuất.
Chú trọng công tác coi thi
Ngoài vấn đề chấm thi, công tác coi thi, in sao đề cũng cần xem xét để sao cho tiện công tác giám sát và đảm bảo minh bạch.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho rằng nên để các trường đại học làm điểm trưởng, điểm phó chuyên môn điểm thi, thư ký và giám sát để có thể tổ chức và giám sát tốt. In sao đề nên tập trung tại trung tâm in sao và các tỉnh chỉ nhận về để tổ chức.
Ngoài ra, cần tập trung cải tiến đề thi. Đề trắc nghiệm có nhiều mã nên khó tiêu cực trong khâu coi thi. Nhưng với đề thi tự luận thì vẫn có khả năng gian lận do chỉ có một đề chung. Nếu có tính mở, đòi hỏi sự sáng tạo, đề thi sẽ hạn chế việc tiêu cực trong công tác coi thi.
Tất cả điều này chỉ là để hạn chế tiêu cực chứ chưa nói gì đến cải tiến thi cho phù hợp một kỳ thi hai mục đích. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nên ổn định cách tổ chức thi như hiện nay đến khi áp dụng chương trình phổ thông mới.