Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2016, nhiều trường mở từ 3 đến 15 ngành mới. Trong đó, ĐH Công nghiệp TP HCM có đến 15 ngành mới. Nhiều ngành được tách ra từ các ngành cũ.
Nhiều trường mở ngành mới
Cụ thể, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa (tách từ ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử); Công nghiệp Chế tạo máy (tách ra từ Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí); Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin (tách từ Khoa học Máy tính); Marketing, Kinh doanh Quốc tế (tách từ Quản trị Kinh doanh); Quản lý Tài nguyên Môi trường (tách từ Công nghệ Kỹ thuật môi trường).
Ngoài ra, một số ngành mới lần đầu được thành lập như Công nghệ Kỹ thuật Máy tính, Kỹ thuật Công nghiệp Xây dựng, Khoa học Môi trường, Kiểm toán, Luật kinh tế, Luật quốc tế.
Học sinh lớp 12 theo dõi sinh viên ngành Thời trang tóc thể hiện tay nghề trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh do Bộ GD&ĐT phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức. Ảnh: Hoàng Bình |
Đây là năm đầu tiên ĐH Công nghiệp TP HCM tự chủ mở ngành theo quy chế của Bộ GD&ĐT. PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Trưởng phòng Đào tạo - cho biết nhiều ngành mới đáp ứng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội trong giai đoạn hội nhập như Luật kinh tế, Luật quốc tế.
Năm nay, ĐH Công nghiệp TP HCM tuyển 6.900 chỉ tiêu bậc ĐH chính quy, giảm 1.500 chỉ tiêu so với năm 2015.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, trường tuyển mới các ngành: Công nghệ Vật liệu, Kỹ thuật Y sinh, Khai thác Vận tải và Ngôn ngữ Anh, Kinh doanh Thời trang, Logistics.
Đặc biệt, theo người đứng đầu ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, trường sẽ thành lập khoa Khởi nghiệp, là nơi tập trung các dự án nghiên cứu, sáng tạo, giới thiệu sản phẩm sáng tạo kỹ thuật của sinh viên đến thị trường.
ĐH Mở TP HCM cũng công bố phương án tuyển sinh thêm 5 ngành mới. Trong đó, 2 ngành Luật học và Quản lý Nhà nước được phép mở mới với 100 chỉ tiêu một ngành. Ba ngành Quản trị Nhân sự, Kinh doanh Quốc tế và Kiểm toán được tách ra từ hai ngành Quản trị Kinh doanh và Kế toán.
Đặc biệt, trong hai ngành mới, Quản lý Nhà nước ít trường đại học đào tạo. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mở, ngành Quản lý Nhà nước trước đây chỉ đào tạo sau đại học. Ngành này và Luật học rất cần cho xu thế hội nhập kinh tế của nước ta hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Minh Hà cũng cho biết trường năm nay tuyển sinh khoảng 2.900 chỉ tiêu, tăng 10% so với năm 2015.
Giảm chỉ tiêu ngành sư phạm và cao đẳng
ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng mở 5 ngành mới ở bậc đại học và 1 ngành cao đẳng. Đó là Dinh dưỡng và Ẩm thực, Quản trị Du lịch và Lữ hành, Công nghệ Vật liệu, Công nghệ May, Hệ thống Thông tin Quản lý và Ngôn ngữ Anh (bậc cao đẳng).
Theo đại diện của trường, nhiều ngành bậc ĐH mới mở được nâng cấp từ cao đẳng. Năm 2016, trường cũng tuyển sinh bậc cao đẳng 40 chỉ tiêu, tiến tới lộ trình không còn đào tạo cao đẳng.
Trong khi đó, ĐH Sư phạm TP HCM cho biết sẽ giảm nhiều chỉ tiêu ở các khối ngành sư phạm và xã hội. Trường mở thêm 4 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn Quốc, Công tác Xã hội, Tâm lý học Giáo dục, Địa lý Du lịch (từ 40 đến 100 chỉ tiêu). Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng nhẹ từ 3.300 lên 3.500 chỉ tiêu.
Kỳ tuyển sinh 2016, trường thực hiện tự chủ, giảm chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm có nhu cầu việc làm không cao, sinh viên ra trường khó xin việc và tăng chỉ tiêu các ngành ngoài sư phạm.
Học sinh đặt câu hỏi cho tổ tư vấn - Ảnh: Hoàng Bình |
ĐH Tài nguyên Môi trường TP HCM cũng có kế hoạch tuyển sinh thêm 6 ngành mới, gồm: Kỹ thuật Tài nguyên nước, Quản lý Tài nguyên Biển và Hải đảo, Hệ thống Thông tin, Kỹ thuật Chế biến Khoáng sản, Biến đổi Khí hậu và Năng lượng Bền vững, Quản lý Tài nguyên Môi trường.
Học viện Bưu chính Viễn Thông cũng thông báo mở thêm các ngành mới như Phát thanh – Truyền hình, Logistics…
Nhiều trường đại học lớn có hơn 15.000 sinh viên như ĐH Nông lâm TP HCM, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Cần Thơ… công tác kế hoạch tuyển sinh năm nay vẫn không có nhiều thay đổi lớn.
Việc các trường mở nhiều ngành mới sẽ thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh.